Cây cầu kết nối cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 1 tháng thi công, cầu Suối Cát đã được đưa vào sử dụng trong niềm vui mừng của bà con các xã Hà Bầu, Nam Yang, Đak Krong (huyện Đak Đoa). Từ nay, người dân đi lại thuận tiện hơn và yên tâm phát triển sản xuất, không còn nơm nớp lo những ngày mưa lũ.
Cả làng góp đá, góp công
Khu vực Suối Cát có khoảng 160 ha đất sản xuất của hơn 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số 4 làng thuộc 3 xã: Hà Bầu, Nam Yang, Đak Krong. Trong đó, có 110 ha trồng cà phê, hồ tiêu, chanh dây và 50 ha sản xuất lúa. Ông Đoàn Phùng (làng Đê Hót, xã Đak Krong) cho biết: Trước đây, tại khu vực này, người dân đã 2 lần góp công, góp sức xây dựng cầu gỗ bắc tạm qua suối phục vụ cho việc đi lại và vận chuyển nông sản. Qua một thời gian sử dụng, cây cầu đã hư hỏng. Vào mùa mưa lũ, người dân khu vực bên kia cầu đi làm rẫy thường bị cô lập, một số học sinh không thể đến trường. Đến mùa thu hoạch, việc vận chuyển nông sản thường xuyên bị chia cắt bởi dòng nước dữ.
Ông Phùng cho hay, sau khi bàn bạc, hơn 200 hộ có đất sản xuất tại khu vực Suối Cát đã thống nhất và quyết tâm xây dựng bằng được cây cầu bê tông cốt thép có chiều dài 12 m, rộng 3 m, trọng tải 5 tấn bắc qua dòng suối. Ròng rã suốt hơn 1 tháng, người dân nơi đây không ngại đội nắng, dầm sương tham gia xây cầu, nhiều hộ còn hiến đất ruộng để làm đường ở 2 bên cầu. “Bà con rất quyết tâm, người góp của, người góp công rất nhiệt tình, không ai than phiền gì. Hàng ngày có từ 50 đến 70 người tham gia làm cầu, ngày cao điểm có đến 100 người. Bình quân mỗi hộ đóng góp 15 ngày công lao động, đặc biệt có nhiều người tham gia làm cầu suốt cả tháng”-ông Phùng phấn khởi nói.
 Cầu Suối Cát được đưa vào sử dụng giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: Minh Nguyễn
Cầu Suối Cát được đưa vào sử dụng giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: Minh Nguyễn
Để việc xây cầu diễn ra thuận lợi, đảm bảo tiến độ, ông Đinh Hyop-già làng Đê Hót-đã tích cực vận động người dân trong làng tham gia. Ông cùng các hộ dân đi nhặt từng viên đá trong rẫy, dưới suối rồi dùng xe công nông chở đến khu vực thi công. “Có ngày, dân làng góp nhặt được gần 10 xe công nông đá. Giờ đây, bà con rất mừng vì đã có cầu xây kiên cố, không còn sợ nguy hiểm nữa vì giao thông đi lại thuận lợi”-ông Đinh Hyop nói. Phấn khởi đi qua cây cầu vừa mới hoàn thành còn vương nồng mùi xi măng, ông Nguyễn Cừ (thôn 7, xã Nam Yang) chia sẻ: “Hơn 1 ha rẫy của gia đình tôi ở bên kia Suối Cát, nhiều lúc nước lụt dâng cao phải vượt suối đi làm, rất nguy hiểm. Giờ có cầu xây bắc qua suối, khi chở phân bón cà phê không lo bị ướt nữa”.
Cây cầu của những tấm lòng
Để có cây cầu như hôm nay, người dân khu vực này đã thành lập Ban vận động để ghi chép, công khai các khoản đóng góp tiền và ngày công lao động của bà con; đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để xây dựng công trình. Ông Huỳnh Mau-nguyên Giám đốc điều hành Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai là người đã tích cực đứng ra kêu gọi các Mạnh Thường Quân và những tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền mặt, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị phục vụ công trình. Theo đó, người dân có đất sản xuất ở khu vực Suối Cát tự nguyện đóng 500 ngàn đồng/ha, những hộ nghèo, cận nghèo thì đóng góp ngày công, trụ tiêu làm bờ kè để tránh xói mòn 2 bên bờ. Cây cầu hoàn thành với trên 400 ngày công lao động của người dân, huy động hơn 600 trụ tiêu, 80 m3 cát, đá và 17,4 tấn xi măng, sắt thép. Tổng số tiền mua vật liệu xây dựng cây cầu và đường nối là 119 triệu đồng.
Bà con các xã Hà Bầu, Đak Krong, Nam Yang phấn khởi vì đã có cầu xây kiên cố, không còn sợ nguy hiểm mỗi khi vượt suối đến khu sản xuất. Ảnh: Minh Nguyễn
Bà con các xã Hà Bầu, Đak Krong, Nam Yang phấn khởi vì đã có cầu xây kiên cố, không còn sợ nguy hiểm mỗi khi vượt suối đến khu sản xuất. Ảnh: Minh Nguyễn
Anh Nguyễn Tấn Anh-Phó Trưởng ban Liên lạc Hội Đồng hương Nam Yang tại TP. Hồ Chí Minh-cho hay: “Tôi từng có dịp đi công tác qua đây, thấy bà con khó khăn vì không có cầu đi lại, xe chở nông sản phải chạy dưới dòng suối. Hàng ngày, các em học sinh vượt suối đi học, nhìn rất tội. Thấy vậy, chúng tôi đã đứng ra vận động bạn bè và đồng hương Nam Yang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh cùng đóng góp được hơn 70 triệu đồng giúp bà con xây cầu”.
Trao đổi với P.V, ông Y Pren-Chủ tịch UBND xã Hà Bầu-khẳng định: Chính quyền địa phương đánh giá rất cao sự góp sức của các nhà hảo tâm trong việc xây cầu. Đặc biệt, bà con nơi đây không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước mà chủ động góp công, góp sức làm cầu để đi lại, phục vụ hoạt động sản xuất. “Thời gian qua, đời sống của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn do hồ tiêu chết hàng loạt, mùa màng thất bát vì thời tiết khắc nghiệt, giá nhiều mặt hàng nông sản xuống thấp, lại chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, bà con đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết cộng đồng và không ngại khó, ngại khổ để biến ước mơ về một cây cầu kiên cố trở thành hiện thực”-Chủ tịch UBND xã Hà Bầu cho hay.
MINH NGUYỄN-R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Tại Quyết định này, UBND tỉnh công bố 15 thủ tục hành chính mới và 22 thủ tục bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Công bố 15 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố 15 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ 22 thủ tục trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.