(GLO)- Sáng 17-11, tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phối hợp với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đak Lak tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp. Diễn đàn lần này với chủ đề "Một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững". Tiến sỹ Phan Huy Thông-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, với sự tham dự của các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng 150 nông dân làm cà phê tiêu biểu trong khu vực.
Lợi thế lớn
Với độ cao từ 500-600 mét, biên độ nhiệt ngày đêm lớn, chất đất phù hợp nên Tây Nguyên là vùng trọng điểm phát triển cà phê vối của cả nước. Cà phê ở đây có hương thơm, vị ngon, được các nhà rang xay thế giới phối trộn với các loại cà phê khác để cho ra sản phẩm cà phê hòa tan. Bên cạnh đó, do diện tích mới trồng đều bằng giống mới, canh tác theo quy trình nông nghiệp tốt, nguồn gốc được mở rộng nên chất lượng cà phê xuất khẩu được nâng cao.
TS. Phan Huy Thông-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Diễn đàn. |
Bên cạnh chất lượng thì công nghiệp chế biến từng bước được hình thành và phát triển lớn mạnh, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến nay, công nghiệp chế biến cà phê nhân có công suất 1,5 triệu tấn, chế biến cà phê bột 51,7 ngàn tấn, chế biến cà phê hòa tan 12,1 ngàn tấn. Kho bảo quản 2,36 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu chế biến, bảo quản và xuất khẩu. Từ đây, nhiều thương hiệu cà phê của nước ta đã nổi tiếng với người tiêu dùng thế giới như Cà phê Buôn Ma Thuột, Cà phê Trung Nguyên, Vinacafe...
Chính những thương hiệu này đã đưa khối lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê của ta không ngừng tăng. Hàng năm, có 95-97% tổng sản lượng cà phê trong nước được xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14% thị phần và xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhân. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 1,73 triệu tấn, kim ngạch 3,62 tỷ USD (so với năm 2013, tăng 33,4% về khối lượng và 32,2% về giá trị, chiếm 24,97% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản).
TS. Phan Huy Thông: "Rất nhiều nông dân của ta đang có "tư duy ngắn hạn": Khi giá cao thì tập trung chăm sóc bằng cách đổ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vào vườn cây, "bóc lột" cây, khi giá xuống thì lại bỏ bê vườn cây. Điều này dẫn đến vườn cây sớm thoái hóa, chất lượng hạt giảm, ảnh hưởng đến môi trường...". "Khuyến nông các cấp cần kết nối bà con nông dân với nhà khoa học, với các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh cà phê bền vững, trong tái canh cà phê để họ có thêm hiểu biết hữu ích...". Ông Nguyễn Tiến Ninh, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đak Lak: "Việc tưới tiết kiệm là rất cần thiết. Tuy nhiên tôi rất băn khoăn về chất lượng giống cà phê không đồng đều, trong khi mỗi giống cần có cách tưới khác nhau, do vậy vườn cà phê ra hoa không đồng đều, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cà phê...". |
Nỗi lo không nhỏ
Mặc dù có nhiều lợi thế như trên, tuy nhiên ngành cà phê Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn không nhỏ: Đó là sự phá vỡ quy hoạch, bùng nổ diện tích, dẫn theo nhiều hệ lụy khác. Theo quy hoạch thì đến năm 2020, diện tích cà phê cả nước dừng lại ở con số 600 ngàn ha (trong đó Tây Nguyên 530 ngàn ha). Tuy nhiên đến năm 2014, cả nước đã có 641,7 ngàn ha, vượt gần 7% theo quy hoạch!
Trong số trên thì diện tích cà phê già cỗi, cần trồng thay thế, tái canh là 140- 160 ngàn ha. Phần lớn diện tích này nằm trong vùng quy hoạch và trồng sớm, thuộc vùng sản xuất tập trung có điều kiện khí hậu, đất, cơ sở hạ tầng phù hợp. Tuy nhiên do trồng từ lâu nên đã già cỗi, dẫn đến năng suất và chất lượng thấp, tiểm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân và vị thế của ngành cà phê nước ta.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học và nhiều nông dân cũng chỉ ra một yếu tố quan trọng khác dẫn đến việc vườn cây nhanh thoái hóa, đó là hầu hết diện tích cà phê đều tập trung ở nông hộ (84,8-89,7%). Mà hầu hết các chủ vườn- vì nhiều lý do khác nhau nên quá trình canh tác chưa hợp lý. Cụ thể như bón phân không cân đối, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước quá mức làm suy giảm độ phì của đất. Rất nhiều vườn cà phê chưa coi trọng việc trồng cây che bóng và chắn gió (chỉ có 18,3% diện tích cà phê được trồng cây che bóng). Công nghệ tưới nước tiết kiệm chậm được áp dụng, tại Tây Nguyên vẫn chủ yếu tưới gốc, mà theo tính toán của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Tây Nguyên thì mỗi một đợt tưới (riêng cho cây cà phê), Tây Nguyên mất nửa triệu mét khối nước-trong điều kiện nguồn nước đang ngày một khó khăn. Ngoài ra, việc thu hái cà phê lẫn quả xanh là một hạn chế lớn đối với việc sản xuất và xuất khẩu cà phê. Kết quả khảo sát cho thấy: Tại 4 tỉnh Tây Nguyên (trừ Kon Tum) có 80% số hộ thu hoạch 1-2 lần/năm, 45,7% số hộ thu hoạch khi số quả chín dưới 50%, chỉ có 12,5% số hộ thu hoạch khi số quả chín trên 70%.
Ngoài ra, việc chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ cùng nhiều hạn chế khác, đã kéo ngành cà phê Việt Nam đi chậm lại.
Cần sự bền vững
Tại diễn đàn, từ nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cà phê và phân bón, cũng như các nông dân đều thẳng thắn nhìn nhận những yếu điểm của ngành cà phê hiện nay. Đồng thời đưa ra những giải pháp tích cực, nhằm cải tạo vườn cây, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, để đi đến mục tiêu cuối cùng là có một môi trường tiêu thụ cà phê tốt nhất. Nhiều giải pháp được đưa ra như việc "Quản lý nước tưới tổng hợp cho cây cà phê" của TS. Lê Ngọc Báu, TS. Phạm Việt Hà (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên), "Ứng dụng DRIS để bón phân theo chẩn đoán dinh dưỡng cho cà phê vối kinh doanh tại Tây Nguyên" của TS. Nguyễn Văn Sanh (Trường Đại học Tây Nguyên), "Quy trình kỹ thuật Tiến Nông chăm sóc cây cà phê kinh doanh" của Công ty cổ phần Công-Nông nghiệp Tiến Nông. Nhiều mô hình thâm canh cà phê bền vững trong vùng cũng được giới thiệu đến diễn đàn.
Có thể nói, diễn đàn lần này diễn ra trong không khí hết sức dân chủ, thẳng thắn. Các đại biểu đều đi thẳng vào vấn đề chính để tìm ra biện pháp tốt nhất trong việc canh tác cà phê bền vững. Rất nhiều nông dân tham gia diễn đàn đã thực sự chú ý đến quy trình chăm sóc cây cà phê kinh doanh của Tiến Nông, cụ thể là bộ dinh dưỡng Tiến Nông chuyên dùng cho cây cà phê. Ông Nguyễn Hồng Phong-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công-Nông nghiệp Tiến Nông trao đổi với bà con: Với cây cà phê, không phải và không được phép bón nhiều phân mà cần bón đúng, bón có khoa học. Theo ông thì mỗi năm, nông dân nước ta bón quá lượng phân bón tương đương 2 tỷ USD, gây lãng phí tiền của, tồn dư chất độc trong sản phẩm và trong đất... Vậy nên rất cần sự hiểu biết trong quá trình chăm sóc cho cây cà phê. Đây là vấn đề tiên quyết trong việc phát triển nền cà phê bền vững ở nước ta.
Trần Đăng Lâm