Chính phủ đang xây dựng nhiều gói tài chính để chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân và phục hồi kinh tế. Mới đây, trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, các chuyên gia, đại biểu tham dự đã đề xuất gói hỗ trợ lên tới khoảng 843.845 tỷ đồng. Còn trước đó, hàng trăm ngàn tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau cũng được “bơm” ra hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…
Chi tiền để phục hồi kinh tế, qua đó giúp đảm bảo an sinh xã hội và giúp đất nước phát triển là việc cần làm và phải làm. Thế nhưng, làm sao để đồng tiền được sử dụng hiệu quả, đạt được mục tiêu như kỳ vọng, phụ thuộc rất nhiều vào người hoặc bộ máy gồm nhiều con người được giao quản lý và sử dụng tiền. Thực tế xây dựng đất nước của một trong những “con rồng” châu Á là Singapore cho thấy rất rõ điều này. Trên trang web của Bộ Nội vụ, TS Phạm Mạnh Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, có chia sẻ, một trong những bí quyết thành công của Singapore là “Trả lương cao, tuyển chọn nghiêm ngặt để có nhân tài trị quốc”.
Cụ thể, Singapore theo đuổi quan điểm để có được những người tài giỏi, tận tụy, chính trực, liêm chính và sẵn sàng cống hiến giai đoạn sung sức nhất của cuộc đời cho đất nước, phải trả lương xứng đáng cho họ. Năm 1994, Singapore ra sách trắng về chế độ lương cạnh tranh vì một chính phủ có năng lực và trong sạch quy định, lương của bộ trưởng và công chức cao cấp tương đương lương trung bình của 4 người hưởng lương cao nhất trong 6 ngành nghề của khu vực tư nhân và công ty đa quốc gia. Mức lương này được xem xét và điều chỉnh thường xuyên để đảm bảo tính cạnh tranh với khu vực tư nhân nhằm giữ chân người tài giỏi làm việc cho chính phủ.
Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng đã có nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Hiện nay thu nhập chính thức của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước so với thu nhập chính thức của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân cùng quy mô, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, còn cách nhau khá xa. So với nhiều công chức, khoảng cách này còn xa hơn nữa.
“Có thực mới vực được đạo”, ông bà ta đã tổng kết như vậy. Tất nhiên, nói thế cũng không có ý đánh giá thấp những người đang được bàn tới. Nhưng rõ ràng, để đi đường trường, để cán bộ, công chức toàn tâm toàn ý với công việc thì nhất định Nhà nước phải có chính sách chăm lo tốt đời sống vật chất cho họ và gia đình họ. Nên chăng Chính phủ nghiên cứu dành một khoản kinh phí nhất định trong các gói hỗ trợ cho việc tăng lương đúng tầm mức cho cán bộ, công chức, nhất là trả lương cao để thu hút hiền tài.
Thực tế thời gian qua ở nhiều địa phương, nhiều bộ ngành cho thấy, Chính phủ đã giao hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo cơ sở vật chất cho phát triển nhưng… không xài hết hoặc xài lãng phí. Lãnh đạo Bộ KH-ĐT trong cuộc họp gần đây của Chính phủ bàn về các gói hỗ trợ đã tâm tư “bây giờ chúng ta giải ngân vốn đầu tư công còn chưa hết, vậy sắp tới có thêm gói kích cầu đầu tư thì phải làm sao giải ngân kịp trong năm 2022-2023?”.
Rõ ràng, ngay trong lúc này, tìm được nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất, rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có người giỏi, cán bộ có năng lực thì nguồn tiền trên sẽ khó được sử dụng hiệu quả và nếu không khéo nó còn có thể trở thành “gánh nặng” nợ nần cho nền kinh tế đất nước.
Theo NGUYỄN KHOA (SGGPO)