Câu chuyện đấu thầu và nỗi lo bệnh viện thiếu thuốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuỗi cung ứng thuốc chữa bệnh đã thực sự bị đứt gãy khiến nhiều bệnh viện lâm vào tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều trị cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) và những bệnh cần điều trị bằng biệt dược. Vậy cần làm gì để tháo gỡ những rào cản, đảm bảo các bệnh viện không còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân?  

Khả năng thiếu thuốc chữa bệnh, hóa chất sinh phẩm, vật tư tiêu hao, thậm chí thiếu cả máy móc, thiết bị để phục vụ bệnh nhân, ảnh hưởng lớn đến hoạt động chuyên môn, thiệt thòi cho người bệnh đã được cảnh báo ngay từ đầu năm nay, khi nhu cầu khám-chữa bệnh của người dân tăng đột biến sau thời gian dài tập trung chống dịch Covid-19.

Đến đầu tháng 6 thì tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang-thiết bị y tế đã diễn ra tại nhiều bệnh viện ở Cần Thơ, Hậu Giang, Khánh Hòa, Phú Thọ, Bắc Giang, Bệnh viện Mắt Thái Bình, Nam Định… Ngay cả một số bệnh viện tuyến trung ương cũng xảy ra thiếu thuốc cục bộ.

Ngoài nguyên nhân một số lượng thuốc không nhỏ đã hết hạn lưu hành chưa được gia hạn kịp thời, việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc trong nước gặp khó dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc chữa bệnh, còn một nguyên nhân khác là do chậm trễ trong công tác đấu thầu. Các loại thuốc trong danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thực hiện trong năm 2022 hiện vẫn chưa có kết quả. Việc đấu thầu đã phải gia hạn 7 lần, trong đó, đàm phán giá đã gia hạn tới lần 2.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu-Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội-cho rằng: “Mua sắm thuốc và thiết bị là nỗi lo lớn nhất của các bệnh viện hiện nay”. Còn Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí-nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương thì cho hay: “Cán bộ quản lý sợ nên không dám mua thuốc, vật tư nữa. Họ sợ vì đã nhận ra trong lĩnh vực này đang thiếu những hành lang pháp lý cần thiết, kín kẽ. Nếu tiếp tục làm, có thể xảy ra sai phạm, nên họ dừng lại”.  

Tại Gia Lai, ngoài nỗi lo cơ sở hạ tầng y tế một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, trang-thiết bị y tế còn thiếu, chưa đồng bộ; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế còn hạn chế; việc thực hiện tự chủ đối với các đơn vị y tế tuyến huyện, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn…, trong một báo cáo mới đây, lãnh đạo Sở Y tế cho biết: “Một số bệnh viện trong tỉnh muốn thành lập trung tâm đấu thầu thuốc và vật tư y tế chung để các y-bác sĩ tại bệnh viện chỉ tập trung công tác chuyên môn, khám-chữa bệnh”.

Xem ra thì sợ sai đã trở thành căn bệnh chung của lãnh đạo nhiều bệnh viện ở khắp các địa phương. Nhất là trong bối cảnh nhiều vụ sai phạm trong công tác đấu thầu cung ứng thuốc và trang-thiết bị y tế xảy ra gần đây khiến nhiều cán bộ phải vướng vào lao lý.

Muốn xóa đi “nỗi sợ “ cho lãnh đạo các cơ sở khám-chữa bệnh, giúp họ mạnh dạn hơn trong quyết định mua sắm để bệnh viện không còn thiếu thuốc mà không vướng vào sai phạm, theo các chuyên gia, điều trước hết là cần có một hành lang pháp lý thật tốt. Nếu không, tình trạng thiếu thuốc sẽ còn kéo dài.

Nếu cứ lấy mục tiêu “giá rẻ” để chọn thầu thì không ai dám chắc rằng, sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Hãy mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các bệnh viện. Để giữ gìn thương hiệu, họ sẽ chú trọng đến chất lượng điều trị nên biết thuốc nào tốt nhất, giá cả hợp lý nhất.

Trước mắt, Bộ Y tế cần sớm ban hành thông tư thay thế Thông tư 32/2018/TT-BYT về đăng ký thuốc nhằm đổi mới và xử lý các điểm nghẽn giúp đẩy nhanh thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký lưu hành và gia hạn hiệu lực cho gần 10.000 loại thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký vào cuối tháng 12-2022. Bởi việc này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp dược và việc đấu thầu thuốc của các bệnh viện.

Dự thảo Luật Khám-chữa bệnh dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vào cuối năm nay. Hy vọng lúc đó sẽ hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ kín để hoạt động đấu thầu, cung ứng thuốc và các loại vật tư, trang-thiết bị y tế cho bệnh viện diễn ra bình thường, không còn kẽ hở để sai sót, vi phạm có thể xảy ra, đảm bảo các bệnh viện luôn đủ thuốc phục vụ việc chữa bệnh cho người dân.
 

 ĐÌNH CƯƠNG

 

 

Có thể bạn quan tâm

Trách nhiệm với cơ sở

Trách nhiệm với cơ sở

Nhiều cán bộ công an cấp phòng, cấp huyện xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho Đề án “Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Lãi vay thấp, thời hạn vay dài là điều kiện quá tốt để người trẻ nói riêng và người có thu nhập thấp nói chung sở hữu một chỗ an cư. Thế nhưng chỉ ưu đãi lãi vay thôi thì chưa đủ mà cần có thêm nhiều biện pháp đồng bộ khác nữa thì cung - cầu trên thị trường bất động sản mới có thể gặp nhau.

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Xuất khẩu nông sản năm qua là một trong những mảng sáng của bức tranh kinh tế đất nước, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới.

Thương chiến đã đến cửa

Thương chiến đã đến cửa

Như vậy, chỉ 5 ngày sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuẩn bị kịch bản ứng phó cho khả năng chiến tranh thương mại, thì nguy cơ này đã bắt đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế VN.

Bứt tốc ngay đầu năm mới

Bứt tốc ngay đầu năm mới

Là năm tăng tốc, về đích trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025) và khởi động cho giai đoạn phát triển mới của đất nước, thế nên tết năm 2025 đã diễn ra hết sức đặc biệt.