(GLO)- Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính Phủ quy định học sinh ở các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập với mức 70.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều phụ huynh có con em đang học tại Trường Tiểu học Đê Ar, xã Đê Ar, huyện Mang Yang phản ánh đã không nhận đủ số tiền này vì bị nhà trường… cắt xén.
Nhiều học sinh bị cắt xén tiền hỗ trợ?
Ngày 6-1, chúng tôi đến nhà một số phụ huynh có con em đang theo học tại trường. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn, anh Phun, làng A Quat cho biết: “Gia đình tôi có 2 đứa con đang học tiểu học, nhưng mới chỉ nhận tiền hỗ trợ được 150 ngàn đồng/cháu trong năm 2012. Từ đó đến nay, tôi không nhận được gì thêm…”.
Học sinh Trường Tiểu học Đê Ar. Ảnh: H.S |
Cũng như anh Phun, trường hợp của anh Trức, làng Btôk cũng không có gì khác: “Khi nghe nhà trường thông báo lên nhận tiền hỗ trợ cho 2 cháu đang theo học ở trường, tôi nhận được 150 ngàn đồng/cháu (cũng trong năm 2012), có ký vào nhiều giấy tờ, cũng không biết đó là tiền gì, nên không để ý lắm…”. Như để chứng minh lời mình nói, anh Trức đã gọi thêm các phụ huynh khác có con đang theo học ở trường Tiểu học Đê Ar và tất cả đều có chung câu trả lời như vậy.
Sau khi tìm hiểu thêm một số phụ huynh khác, tất cả đều khẳng định với chúng tôi từ trước đến nay mới chỉ nhận tiền hỗ trợ đúng một lần và chỉ được 150 ngàn đồng/cháu mà thôi. Ngay cả con của cán bộ xã khi được hỏi cũng không khác gì hơn. Cũng theo như lời của các phụ huynh, do không nắm được nguồn hỗ trợ này từ đâu, khi thông báo có tiền hỗ trợ thì chỉ biết ký nhận nên không có ý kiến thắc mắc.
Nếu như sự việc đúng như các phụ huynh trên phản ánh, thay vì được nhận 1 triệu 260 ngàn đồng/em trong hai năm học (2011-2012 và 2012-2013), thì họ chỉ nhận được có 150 ngàn đồng mà thôi. Trong khi đó, Trường Tiểu học Đê Ar luôn duy trì sĩ số các năm học trên 400 học sinh.
“Nhà trường có cắt lại, nhưng ít thôi!”
Trong buổi làm việc với chúng tôi vào ngày 7-1, ông Nguyễn Đình Hưng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đêr Ar cho biết: “Tôi chưa nghe phản ánh gì từ phía phụ huynh. Việc cấp phát tiền hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49 của Chính phủ, tôi đã giao cho Phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất và phong trào là ông Nguyễn Ngọc Anh thực hiện, sau đó báo cáo lại…”. Tiếp đó, chúng tôi làm việc với ông Anh thì ông khẳng định: “Nhà trường đã cấp phát đầy đủ 4 đợt (hai năm học 2011-2012 và 2012-2013) tiền hỗ trợ cho các phụ huynh, có hồ sơ và cả chữ ký của phụ huynh nhận tiền. Không có chuyện chỉ cấp 150 ngàn đồng…”.
Sau khi nghe ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Anh, chúng tôi đưa ra một số bằng chứng thu thập được, trong đó có phụ huynh khẳng định: Đã lên trường hỏi thầy Nguyễn Ngọc Anh và chờ để nhận tiền hỗ trợ cho con mình nhưng không có nên đành ra về… Lúc này, ông Ngọc Anh mới nhớ ra và thừa nhận với chúng tôi: “ Còn 6 em ở làng Btôk chưa nhận, do hôm cấp phát gia đình không đến kịp. Sau đó, công việc bề bộn quá nên tôi chưa thể gặp để cấp phát tiền hỗ trợ cho các em được…”. Không biết công việc bận đến mức nào nhưng việc chậm trễ đến hơn 5 tháng của ông khiến nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc…
Sau buổi làm việc, trưa 7-1, ông Nguyễn Ngọc Anh đã hẹn gặp chúng tôi để giải thích thêm. Tại buổi gặp, ông Anh vẫn khẳng định không có chuyện trường chỉ cấp 150 ngàn đồng như phản ánh. Tuy nhiên, ông thừa nhận: “Trường có cắt lại nhưng ít thôi! Chỉ thu mỗi học sinh 40 ngàn đồng/lần cấp, qua 4 lần cấp phát (trong 2 năm học) trường đã cắt lại 160 ngàn đồng/học sinh để làm quỹ hoạt động…”. Nếu theo như lời của ông Nguyễn Ngọc Anh giải thích thì số tiền hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 400 học sinh của Trường Tiểu học Đê Ar bị cắt lại trong hai năm học vừa qua “chỉ” hơn 70 triệu đồng.
Khi chúng tôi trao đổi việc cắt lại tiền hỗ trợ của học sinh để làm quỹ hoạt động cho nhà trường tại Trường Tiểu học Đê Ar thì ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết: “Phòng Giáo dục không biết chuyện này. Trường ở vùng khó khăn, không có nguồn quỹ để hoạt động nên Ban giám hiệu nhà trường có bàn bạc thống nhất và thông qua UBND xã Đê Ar về việc thu quỹ hoạt động và được đồng ý. Sau đó, trong quá trình cấp phát, để tiện cho công việc, nhà trường đã cắt lại luôn…”.
Lê Anh-Hồng Sơn