Cao tốc sẽ giúp Tây Nguyên 'cất cánh'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ một, mà nhiều dự án cao tốc đã hoàn thành, số còn lại đã và sẽ được triển khai liên tục tại các tỉnh Nam Trung bộ - Tây nguyên trong thời gian tới. Kinh tế khu vực đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển, khi hệ thống giao thông liền mạch, liên vùng và đồng bộ.

Tây nguyên và Nam Trung bộ được biết đến là khu vực có nhiều lợi thế để phát triển về nông sản, du lịch, vận tải biển và thủy sản. Tuy nhiên, vùng lợi thế này chưa được khai thác hết tiềm năng cũng như bổ trợ cho nhau. Có nhiều nguyên nhân, nhưng hệ thống giao thông còn cách trở, thiếu kết nối liên vùng và chưa đồng bộ là rào cản lớn nhất khiến cả vùng chậm cất cánh, bứt tốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hồi cuối tháng 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hồi cuối tháng 4

Nhận thấy rõ điều này, trong nhiều năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến các dự án cao tốc, nhất là các dự án ở Nam Trung bộ - Tây nguyên. Trong đó, một số dự án đã vượt tiến độ đưa vào sử dụng. Điển hình như cuối tháng 4 vừa qua, trước thềm kỳ nghỉ lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đây là dự án rất quan trọng, bởi từ nay "nút thắt" cuối cùng trong tuyến cao tốc từ TP.HCM - Nha Trang dài hơn 400 km đã được tháo gỡ.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được thông xe hồi cuối tháng 4

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được thông xe hồi cuối tháng 4

Chung niềm vui với người dân vùng Nam Trung bộ và cả nước, tại lễ thông xe, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh để khánh thành dự án là từ nỗ lực chung, quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo Thủ tướng, khi dự án này đi vào khai thác sẽ nâng tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam là 1.187 km; đưa tổng chiều dài các tuyến cao tốc trên cả nước vào khai thác đến nay đạt hơn 2.000 km, rút ngắn thời gian đi lại của người dân.

Tục phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa"

Một ngày trước kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra hiện trường, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường, đốc thúc một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, đi qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Điều này càng cho thấy quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ muốn "phủ kín" cao tốc khu vực này.

Công nhân Tập đoàn Sơn Hải tăng ca thi công dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Vân Phong

Công nhân Tập đoàn Sơn Hải tăng ca thi công dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Vân Phong

Dự án đầu tiên được Thủ tướng tới kiểm tra tình hình thi công là dự án Vân Phong - Nha Trang thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025. Dự án dài hơn 83 km, đi qua 4 huyện, thị xã: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh thuộc tỉnh Khánh Hòa; tổng mức đầu tư 11.808 tỉ đồng, khởi công tháng 1.2023, hoàn thành theo hợp đồng tháng 12.2025.

Theo chủ đầu tư, đến nay công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng yêu cầu, đã bàn giao hơn 83 km, đạt 99,7%, chỉ còn khoảng 0,32 km tuyến chính; đã hoàn thành 6/6 khu tái định cư, bàn giao cho 203/203 hộ dân. Theo báo cáo của phía chủ đầu tư, ngay từ khi khởi công, các nhà thầu của dự án đều là các nhà thầu mạnh, chuyên nghiệp như Tập đoàn Sơn Hải đã tập trung chủ động tìm kiếm, xử lý vướng mắc về nguồn vật liệu thi công. Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc dự án Tập đoàn Sơn Hải, cho biết nhờ chủ động tự sản xuất, đặt hàng và vận chuyển tập kết vật tư, vật liệu, giúp tránh được tình trạng khan hiếm, ép giá nên thi công chủ động, không lo chậm tiến độ.

Theo ghi nhận của PV, để thực hiện đúng tiến độ dự án, các nhà thầu đã huy động 42/42 mũi thi công, 1.020 thiết bị và 1.877 nhân lực đồng loạt trên toàn bộ tuyến đường. Lũy kế sản lượng đến nay là 3.451/7.138 tỉ đồng, đạt 50% giá trị hợp đồng, vượt 5% so với kế hoạch hợp đồng. Sản lượng thực hiện của từng nhà thầu cơ bản đều vượt tiến độ.

Tại thời điểm kiểm tra, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương Ban Quản lý dự án, các nhà thầu đã chủ động, tích cực triển khai dự án, ngày càng có thêm kinh nghiệm từ các dự án trước. Thủ tướng yêu cầu lấy mốc 30.4.2025 cơ bản hoàn thành dự án để điều chỉnh rút ngắn tiến độ; tiếp tục phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "tăng ca, tăng kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên tết"; nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường.

"Dự án hoàn thành sớm ngày nào, dân hưởng lợi ngày đó"

Kiểm tra tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Thủ tướng nhấn mạnh dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối 2 vùng Tây nguyên và Nam Trung bộ; công trình hoàn thành sớm ngày nào người dân sớm hưởng lợi ngày đó; Tây nguyên - Nam Trung bộ có thêm điều kiện phát triển ngày đó.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã đưa vào sử dụng từ tháng 6.2023

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã đưa vào sử dụng từ tháng 6.2023

Từ đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk giải phóng mặt bằng nhanh, khuyến khích tái định cư tại chỗ và có thể bố trí nơi ở tạm, bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 dài 117,5 km, qua 2 tỉnh Khánh Hòa (khoảng 32,7 km) và tỉnh Đắk Lắk (khoảng 84,8 km) với quy mô 4 làn xe, chia làm 3 dự án thành phần, tương ứng 3 đoạn. Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 5.333 tỉ đồng; dự án 2 do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản (10.436 tỉ đồng), dự án 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản (6.165 tỉ đồng).

Theo tiến độ dự kiến, dự án cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027. Đến nay, giải phóng mặt bằng dự án 1 đạt 74%, dự án 2 đạt 72%, riêng dự án 3 đạt tới 98%.

Sau khi nghe báo cáo về vướng mắc liên quan phương án tài chính dự án BOT QL26 nếu xây nút giao liên thông giữa cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với QL26, Thủ tướng đồng ý về chủ trương xây dựng nút giao liên thông, tinh thần cần làm ngay nút giao để thuận tiện thi công cùng dự án; nhấn mạnh yêu cầu đặt bài toán tổng thể lên trên, phương án nào tốt hơn, có lợi hơn cho dân, cho nước thì làm, có phương án xử lý hài hòa các vấn đề liên quan lợi ích nhà đầu tư.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương xử lý vướng mắc, hoàn thành các thủ tục liên quan đến rừng, xử lý tài sản tận thu và các thủ tục liên quan, kịp thời bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. Trước đề nghị của Thủ tướng, Tập đoàn Sơn Hải đại diện các nhà thầu thi công cam kết sẽ nỗ lực rút ngắn tiến độ dự án 6 tháng.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7, các nhà thầu của dự án đều là các nhà thầu mạnh, chuyên nghiệp, đã chủ động tìm kiếm, xử lý vướng mắc về nguồn vật liệu thi công, đồng thời chủ động tập trung thiết bị, nhân lực, đẩy nhanh tiến độ dự án. Biểu dương các đơn vị, Thủ tướng yêu cầu lấy mốc 30.4.2025 cơ bản hoàn thành dự án để điều chỉnh rút ngắn tiến độ.

Về các vướng mắc giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu địa phương và Tập đoàn Điện lực VN (EVN) khẩn trương xử lý, giải quyết dứt điểm. EVN cần điều chuyển trang thiết bị từ các dự án khác cho việc di dời công trình điện phục vụ dự án này, không để "chờ" thiết bị. Về phía Khánh Hòa, lãnh đạo tỉnh cam kết với Thủ tướng Chính phủ quyết tâm giải quyết xong giải phóng mặt bằng trong tháng 5.

Kế hoạch "khủng" cho giao thông Tây nguyên

Thêm nhiều tin vui cho Tây nguyên, khi trong tháng 5 vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các cơ quan T.Ư và địa phương tiến hành bàn nhiều giải pháp để phát triển các dự án giao thông cho khu vực này. Đặc biệt là ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ và hàng không, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về giao thông của vùng, đảm bảo tính lan tỏa, liên vùng hình thành kết nối Tây nguyên với Duyên hải Trung bộ và Đông Nam bộ, từ đó khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.

Theo kế hoạch đề ra, Bộ GTVT sẽ phối hợp, hỗ trợ địa phương trong quá trình nghiên cứu, đầu tư các tuyến cao tốc như: Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Gia Nghĩa - Chơn Thành, một số đoạn cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía tây. Mở rộng các cảng hàng không Liên Khương, Pleiku và Buôn Ma Thuột; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt; tuyến đường sắt kết nối Tây nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước).

Dự kiến đến năm 2030, Bộ GTVT sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 180 km với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 54.000 tỉ đồng. Đến năm 2027 đưa vào khai thác tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài 118 km với tổng mức đầu tư sơ bộ gần 22.000 tỉ đồng. Cùng đó, sẽ đưa vào khai thác tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành chiều dài 129 km với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 25.500 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn có kế hoạch đến 2028 đưa vào khai thác tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 67 km với tổng mức đầu tư hơn 18.120 tỉ đồng. Đến năm 2025, Bộ GTVT cũng nghiên cứu bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào quy hoạch. Nghiên cứu chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía tây, tiến trình đầu tư tuyến sau năm 2030 gồm: cao tốc Ngọc Hồi - Pleiku có chiều dài 90 km, quy mô 6 làn xe với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 18.900 tỉ đồng; cao tốc Pleiku - Buôn Ma Thuột có chiều dài 160 km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 33.600 tỉ đồng; Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa có chiều dài 105 km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 22.050 tỉ đồng.

Đối với quốc lộ, dự kiến hoàn thành nâng cấp 63 km quốc lộ (Kon Tum - Quảng Ngãi) đoạn còn lại với tổng mức đầu tư 2.500 tỉ đồng vào năm 2030. Đối với đường sắt, đến năm 2030 dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt và đường sắt kết nối Tây nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước). Đối với hàng không, Bộ GTVT dự kiến hoàn thành nâng cấp 3 cảng hàng không (CHK) vào năm 2029 gồm: CHK Liên Khương, CHK Pleiku, CHK Buôn Ma Thuột và hoàn thành quy hoạch CHK Măng Đen vào năm 2025.

Dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài tuyến 79 km đi qua 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với tổng vốn đầu tư 8.925 tỉ đồng. Sau khánh thành, hàng chục ngàn người dân đã chọn tuyến đường bộ này để trải nghiệm kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua. Theo ghi nhận, dù lượng khách tăng đột biến nhưng ít có cảnh kẹt xe trên tuyến này.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.