Cạnh tranh trong công vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lâu nay, chúng ta thường nghe nhắc tới khái niệm về nền hành chính phục vụ, song cụ thể hóa khái niệm này và thực hiện là cả một quá trình, cần sự chuyển biến của toàn bộ máy công quyền.

Hãy nhìn cận cảnh công tác này ở TP HCM, đó chính là sự quyết liệt cải cách hành chính ở các cấp quản lý. Kết luận cuộc họp gần đây về cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thành phố, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức xử lý hồ sơ chậm trễ.

Trước đó vài ngày, Chủ tịch UBND TP HCM cũng đã ký Chỉ thị 06 về tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nghiêm khắc hơn, lãnh đạo UBND TP HCM còn yêu cầu kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

TP HCM có chỉ số cải cách thủ tục hành chính năm 2022 đạt 99,98%, đứng thứ 2 trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước theo đánh giá của Bộ Nội vụ. Song, người dân còn đòi hỏi cao hơn bởi thực tế, vẫn tồn tại nhiều vướng mắc mà gốc rễ là do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trì trệ, quan liêu, chưa đổi thay kịp tốc độ phát triển và yêu cầu công vụ cần có của một thành phố lớn nhất nước.

Trì trệ một chỗ, một khâu có thể liên lụy cả bộ máy và ngáng đường vận hành của các hoạt động liên quan. Điều này là khó chấp nhận khi TP HCM đang hối hả bước vào một thời kỳ mới khi được trao quy chế đặc biệt thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển.

Khác với trước đây - khi lao động trong lĩnh vực công ít có sự cạnh tranh, hiện nay, công việc của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng nhiều, song không vị trí nào là không thể thay thế. Tốc độ phát triển kinh tế, nhu cầu của xã hội ngày càng cao, đòi hỏi bộ máy hành chính phục vụ phải thay đổi, nếu không muốn bị đào thải. Môi trường này đã được lãnh đạo trung ương và từng địa phương tạo cơ chế cạnh tranh sòng phẳng qua việc tổ chức thi tuyển công chức, thi tuyển cả vị trí quản lý, lãnh đạo.

Áp lực của công tác này càng lớn hơn nữa khi cả nước thực hiện việc tuyển dụng nhân tài vào hầu như tất cả cơ quan nhà nước. Tất nhiên, họ sẽ tạo ra sự thi đua mới trong công việc mà hiệu quả công việc chính là tiêu chí bình xét, kể cả bổ nhiệm, đề bạt.

Đã bước vào nền hành chính phục vụ thì phải lấy mức độ hài lòng, tín nhiệm của người dân và doanh nghiệp làm thước đo. Ngay trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn cũng được tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng kết quả bỏ phiếu đã phần nào phản ánh hiệu quả công việc của từng vị trí đảm nhiệm.

Cả nền hành chính hối hả làm việc, hối hả cải cách thì tất nhiên sẽ không để những người thờ ơ, kém tiến bộ làm trì trệ. Một cỗ máy tiên tiến cũng cần phải kịp thời thay thế những bánh răng cũ mòn, hư hỏng để mang lại hiệu quả công việc cao nhất.

Có thể bạn quan tâm

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

Thuế tiêu thụ đặc biệt được "định nghĩa" rất rõ, là áp cho một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ (như rượu, tàu bay, du thuyền…) nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Trong khi đó, có đánh thuế bao nhiêu thì người dân vẫn phải mua xăng để chạy xe.

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tháng 3, Việt Nam đón tiếp 2 đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, với hơn 60 thương hiệu lớn. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Thật phi lý khi vừa qua những thông tin đồn sốt đất đã bùng lên với lý do sáp nhập tỉnh thành, cho dù thực tế chẳng ăn nhập gì với nhau. Mục đích sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí để dành nguồn lực phát triển kinh tế chứ không phải hướng đến phát triển bất động sản (BĐS).