Cẩn trọng với dịch vụ “chữa lành”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chữa lành là thuật ngữ dùng để thể hiện các biện pháp trong việc hàn gắn, phục hồi sức khỏe, thể chất cũng như cảm xúc, tâm lý, tình cảm con người sau các thương tổn.

Mong muốn được xoa dịu, chữa lành những tổn thương, nỗi đau về thể chất và tinh thần, vứt bỏ những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an để thư thái, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn... là nhu cầu bình thường của nhiều người dân trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu này để mở ra hàng loạt “dịch vụ chữa lành” nhằm trục lợi với những chiêu thức tinh vi gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần được nhận diện và chấn chỉnh kịp thời.

Khi có vấn đề về tâm lý, người dân cần đến các trung tâm uy tín, được cấp phép để tham vấn, trị liệu.

Khi có vấn đề về tâm lý, người dân cần đến các trung tâm uy tín, được cấp phép để tham vấn, trị liệu.

Theo dõi các diễn đàn mạng xã hội thời gian qua có thể thấy các khóa học chữa lành ngày càng bùng phát với những tên gọi mỹ miều như: “chữa lành tâm thức”, “chữa lành lượng tử”, “chữa lành trường sinh”, “chữa lành tâm linh”, “chữa lành bằng thôi miên tiền kiếp”… thậm chí xuất hiện cả “học viện chữa lành” với hình thức tư vấn đào tạo từ trực tuyến cho đến trực tiếp. Người tham gia được theo các khóa tư vấn, thông thường kéo dài từ một đến ba tháng, với thời gian học và mức chi phí linh hoạt.

Tuy nhiên, để “chữa lành hoàn toàn”, các học viên cần phải trải qua vài khóa học. Cùng với đó là sự xuất hiện hàng loạt “chuyên gia chữa lành” xuất thân từ đủ ngành nghề và theo như lời tự giới thiệu của chính những người này cho biết, dù đang làm nhiều công việc khác nhau nhưng tự thấy có “duyên”, có khả năng “chữa lành” được nỗi đau cho người khác nên họ đã lựa chọn trở thành “chuyên gia chữa lành”, “huấn luyện viên chữa lành”, “nhà tư vấn chữa lành”,… Trước nhu cầu về chữa lành của một số người dân trong xã hội, không ít người đã bỏ công việc hiện tại để tham gia các khóa đào tạo cấp tốc từ xa lấy “chứng chỉ quốc tế” về trị liệu tâm lý, sau đó tự tin mở lớp, chiêu sinh rầm rộ khắp trong nam ngoài bắc.

Tình trạng lạm phát “chuyên gia chữa lành” tự xưng, “chuyên gia chữa lành cấp tốc” khiến những người vốn có chuyên môn sâu về tư vấn, trị liệu tâm lý không khỏi băn khoăn, lo ngại vì nếu chỉ học ba đến sáu tháng theo hình thức online để lấy chứng chỉ sẽ thật khó bảo đảm đủ khả năng tư vấn trị liệu cho người mắc các vấn đề tâm lý trầm trọng.

Hiện người theo ngành tâm lý học phải mất ít nhất từ bốn đến sáu năm để có thể hoàn thành chương trình đại học, thạc sĩ trước khi bắt đầu thực hành lâm sàng, tuyệt đối không thể đốt cháy giai đoạn. Bởi đây là lĩnh vực liên quan sức khỏe tâm thần vốn rất nhạy cảm, nếu không được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm mà liều lĩnh thử sức “chữa lành cấp tốc” thì có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho người bệnh.

Vậy chữa lành là gì và tại sao hiện nay vấn đề này lại được quan tâm đến vậy? Theo giới chuyên môn, thuật ngữ trị liệu chữa lành (wounded healer) được nhà tâm thần học và phân tâm học Carl Jung (người Thụy Sỹ, sáng lập trường phái Tâm lý học phân tích) nêu ra vào năm 1951, sau đó xuất hiện nhiều trong các văn bản về phân tâm học và tham vấn, trị liệu tâm lý.

Hiểu một cách đơn giản thì chữa lành là việc xoa dịu, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an, cảm giác bị tổn thương của một người trở về trạng thái an yên, mãn nguyện, giúp họ tiếp tục tìm được những niềm vui, ý nghĩa sống lạc quan. Công việc này vẫn được tiến hành từ nhiều thập kỷ qua tại các cơ sở y tế, phòng khám tư vấn, trị liệu tâm lý do các chuyên gia được đào tạo về tâm lý học thực hiện.

Giai đoạn hiện nay, việc chữa lành nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó cần phải kể đến những áp lực cuộc sống, công việc của xã hội hiện đại, những khó khăn nan giải phải đối mặt ngày càng tăng khiến không ít người, nhất là giới trẻ không thích ứng kịp thời, rơi vào trạng thái trầm cảm, mất phương hướng.

Do không thể tự thoát ra khỏi vấn đề tâm lý tiêu cực của bản thân nên nhiều cá nhân muốn tìm đến các chuyên gia để nhận được sự hỗ trợ và tìm cách tháo gỡ. Đặc biệt, giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành vừa qua để lại những dư chấn nặng nề đối với đời sống xã hội trên mọi lĩnh vực, tác động không nhỏ đến sức khỏe tâm thần của nhiều người. Chính vì thế, Liên hợp quốc đã gọi năm 2021 là “năm để chữa lành” (Year of Healing).

Trong phát biểu chúc mừng năm mới được đăng trên Twitter (hiện đổi tên là X), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chia sẻ: “Hãy biến năm 2021 thành một năm để chữa lành thương tích. Chữa lành hậu quả của loại virus nguy hiểm chết người. Chữa lành thương tích cho nền kinh tế và xã hội. Loại bỏ những đường ranh giới. Và bắt đầu hành động để chữa lành hành tinh của chúng ta”.

Xét ở góc độ cá nhân, chữa lành giúp con người hồi phục, xoa dịu những thương tổn về cảm xúc, tinh thần, tâm trí, cơ thể là hoàn toàn cần thiết. Sẽ không có gì đáng nói nếu nhu cầu chính đáng này gặp được những chuyên gia đích thực, sẵn sàng lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ bằng những phương pháp khoa học.

Đáng buồn là “khóa học chữa lành” mở ra nhan nhản trên mạng xã hội đang có những dấu hiệu trục lợi, lừa đảo với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, “treo đầu dê bán thịt chó” mà chữa lành chỉ là “mồi nhử” những người nhẹ dạ tham gia để từ đó các đối tượng lừa đảo dễ bề khai thác.

Đơn cử như việc thu lợi từ tiền học phí. Không khó để tính toán mức doanh thu từ các lớp “chữa lành cấp tốc”. Như một khóa học chữa lành nâng cao online qua Zoom đang được quảng cáo trên mạng cho thấy, với thời lượng học dự kiến từ 40-50 giờ, mức chi phí mà học viên phải bỏ ra là 15 triệu đồng. Vì số học viên đăng ký tham gia không hạn chế nên mỗi khóa học có thể tiếp nhận hàng trăm người, đồng nghĩa với số tiền thu về của người tổ chức sau mỗi khóa học là rất lớn.

Xuất phát từ các vấn đề của bản thân khá trầm trọng nên nhiều người cho biết sẵn sàng chấp nhận tốn kém miễn sao có kết quả. Tuy nhiên, không ít người đã bày tỏ sự thất vọng và bức xúc vì nội dung mà các “chuyên gia” rao giảng trên lớp chỉ là những kiến thức chắp nhặt, mâu thuẫn, phản khoa học khiến người học càng nghe càng mông lung, hỗn loạn.

Nhiều lớp học chữa lành thực chất là bán hàng đa cấp trá hình, tại đó các “chuyên gia” tích cực mời chào học viên mua “vật phẩm chữa lành”, “thực phẩm chữa lành” không rõ nguồn gốc xuất xứ, càng mua nhiều giá càng rẻ, thứ hạng trong lớp càng cao, càng có cơ hội được học các khóa tư vấn chuyên sâu với giá ưu đãi.Các dịch vụ ăn theo nhu cầu chữa lành cũng nở rộ như: Du lịch chữa lành, ăn kiêng chữa lành, thiền chữa lành, yoga chữa lành, viết chữa lành… và thậm chí xuất hiện cả “quán ăn chữa lành”, “tiệm cà-phê chữa lành”, “quán nhậu chữa lành”.

Đáng lo ngại đã xuất hiện khóa học “chữa lành tự kỷ” dành cho trẻ em-một vấn đề mà hiện chưa có bất kỳ tổ chức, cá nhân hay đơn vị, hiệp hội tâm lý, tâm thần nào khẳng định trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể trở lại bình thường, do vậy các khóa học chữa lành cho nhóm đối tượng này là điều không thể. Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà-một người mẹ có con tự kỷ bày tỏ bức xúc: Mọi lời quảng cáo “chữa lành” cho trẻ tự kỷ là lừa đảo, thậm chí là tội ác!

Sự bùng nổ các khóa học núp dưới việc chữa lành, khai mở thế giới nội tâm, nhất là với hình thức trực tuyến hiện nay mang tính chất tự phát, ăn theo trào lưu, chưa có sự kiểm soát, cho phép của cơ quan chức năng nên dẫn đến tình trạng bát nháo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhiều người do cả tin, không tìm hiểu kỹ nên đã nghe theo những lời mời chào ngon ngọt của các “dịch vụ chữa lành” để rồi tiền mất tật mang, những vấn đề tâm lý của bản thân không những không được tháo gỡ mà lại chất chồng thêm nhiều ưu phiền, bế tắc.

Thậm chí, đang có dấu hiệu phát sinh hoạt động tà đạo núp bóng khóa học chữa lành, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Những diễn biến phức tạp của vấn đề này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, chấn chỉnh kịp thời.

Cần thấy rằng, với tính chất là một loại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường, các khóa học cũng như dịch vụ chữa lành phải tuân theo khung khổ pháp lý và đáp ứng những điều kiện nhất định cũng như cần tuân thủ đạo đức hành nghề. Vì đây là lĩnh vực liên quan sức khỏe thể chất và tinh thần của con người nên các hoạt động tư vấn cần có sự tham gia của bác sĩ tâm lý - những người được đào tạo, có bằng cấp, kiến thức về dịch vụ mình cung cấp. Những dịch vụ đặc thù như yoga, thiền,… cũng cần người hướng dẫn có chuyên môn, kỹ năng thật sự thì mới phát huy hiệu quả.

Về phía cộng đồng, mỗi cá nhân cần hết sức thận trọng, tỉnh táo. Khi gặp vấn đề về tâm lý, người dân nên tìm đến những cơ sở y tế, dịch vụ uy tín, được cấp phép, tránh sa vào “ma trận” của quảng cáo, thông tin không được kiểm chứng để rồi đánh đổi bằng chính sự tổn thương, mất mát của mình lần nữa. Tuyệt đối không thần thánh hóa “phương pháp chữa lành”, coi đó như là phương thuốc thần diệu để thay đổi cuộc sống của mình.

Quan niệm này vô hình trung tạo mảnh đất màu mỡ cho một số tổ chức, cá nhân triệt để khai thác, trục lợi. Đồng thời chúng ta cũng cần nhận thức một cách tỉnh táo rằng, việc chữa lành là cần thiết song cũng cần có thời gian, sự kiên nhẫn và nỗ lực tự thân. Nếu bản thân không mở lòng, chưa sẵn sàng vượt qua những nỗi đau, mất mát trong tâm hồn mình thì không ai có thể thay mình làm được điều đó. Và khi phát hiện những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo lợi dụng hoạt động chữa lành, người dân cần cảnh báo tới cộng đồng và báo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.