Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, phát triển đô thị là động lực tăng trưởng cho tất cả các quốc gia. Các đô thị đã có đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN) |
Những vấn đề đặt ra cho điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị lớn ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay là nội dung được nhiều cấp, ngành, người dân quan tâm. Đặc biệt là khi Bộ Xây dựng trình lên Chính phủ, Quốc hội chủ trương xây dựng Luật Quy hoạch đô thị nông thôn trên cơ sở 2 luật là Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng sửa đổi.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, phát triển đô thị là động lực tăng trưởng cho tất cả các quốc gia. Các đô thị đã có đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Do đó, quy hoạch xây dựng đô thị đóng vai trò rất quan trọng. Quy hoạch chung phân khu, quy hoạch chi tiết được thực hiện tốt thì mới có chương trình, dự án đầu tư hiệu quả. Hiện nay, việc điều chỉnh quy hoạch đang diễn ra phổ biến ở các địa phương, tuy nhiên lại gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Liên quan đến nội dung này, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, ở mỗi quốc gia, quy hoạch luôn phải đi trước một bước, trở thành công cụ cần thiết để quản lý, kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn, hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi lập quy hoạch. Trong số đó, quy hoạch tỉnh được xác định là một trong những quy hoạch quan trọng, được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, tính đến tháng 11/2022, mới có Bắc Giang và Hà Tĩnh được duyệt quy hoạch tỉnh và có khoảng 15 tỉnh đã nộp quy hoạch lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chờ được phê duyệt. Như vậy, số lượng quy hoạch tỉnh cần được duyệt rất lớn. Nếu quy hoạch tỉnh được duyệt thì những quy hoạch khác có liên quan và các dự án trên địa bàn mới có căn cứ để triển khai.
Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch tỉnh đã có nhiều vướng mắc. Theo Luật Quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia phải có trước, sau đó đến quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch đất quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thế nhưng hệ thống quy hoạch cấp trên hiện nay chưa có - ông Chính chia sẻ.
Việc chưa ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch cấp vùng đã và đang gây khó khăn cho các địa phương trong định hướng phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong khi Luật Quy hoạch quy định quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Quy hoạch, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm đảm tính thống nhất, khớp nối hệ thống quy hoạch trong cả nước, làm căn cứ để lập quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Thế nhưng, theo ông Chính, sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực đã bộc lộ nhiều vấn đề về quy trình thực hiện và nội dung quy hoạch, làm mất tính kết nối dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo. Việc chưa ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã gây thiếu căn cứ để phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh…
Các thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng đã được lập Quy hoạch chung xây dựng cho 20 năm và tầm nhìn đến 30, 40 năm. Trên thực tế, các quy hoạch này đã phát huy tác dụng trong việc triển khai xây dựng và quản lý đô thị có hiệu quả. Nếu thực hiện quy hoạch tỉnh cho 5 đô thị Trung ương theo Luật Quy hoạch thì lại khó thực thi do những nội dung quan trọng như tổ chức không gian, tổ chức cảnh quan, tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và tổ chức quản lý các khu chức năng khó thực hiện...
Nếu lập quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch thì khối lượng thông tin cần tích hợp là rất lớn… Ông Trần Ngọc Chính khẳng định, việc điều chỉnh quy hoạch ở các thành phố lớn; trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan chặt chẽ đến Luật Quy hoạch 2017 và Luật Quy hoạch đô thị.
Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trương Văn Quảng phân tích, quy hoạch tỉnh chịu sự tác động của Luật Quy hoạch, quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương ở vị trí là cấp tỉnh chịu sự tác động của Luật Quy hoạch còn ở vị trí là đô thị, thành phố lại chịu tác động của Luật Quy hoạch đô thị.
Như vậy, quy hoạch tỉnh đang ở tình trạng tích hợp quy hoạch, tuy nhiên chưa đáp ứng phương pháp quy hoạch tích hợp. Bản chất của quy hoạch tỉnh vẫn thiên về quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, có thêm phần tổ chức không gian nhưng chưa rõ ràng, còn mơ hồ.
Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải làm rõ hơn nội dung về tính tích hợp của quy hoạch chung đô thị, khả năng trùng khớp nội dung giữa quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, cách tiếp cận 2 loại quy hoạch này và khả năng tích hợp 2 quy hoạch thành 1…
Ảnh minh họa (Nguồn:TTXVN) |
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia cho rằng, cần phải làm rõ khái niệm thành phố lớn. Một thành phố lớn được xác định theo các tiêu chí như dân số, đất xây dựng đô thị, nhân tố tạo nên sức hút hoạt động kinh tế, hạ tầng đô thị, kinh tế. Dân số của thành phố lớn là từ 5-10 triệu người.
Do mang tính phức tạp, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch thành phố lớn cần có tính chiến lược. Tuy nhiên, trong Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch thành phố lớn lại có sự khác nhau. Theo đó, khái niệm và quy định pháp luật giữa thành phố trực thuộc Trung ương với đơn vị hành chính tỉnh, nội dung cụ thể về quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và quy hoạch tỉnh.
Như vậy, việc quy hoạch chung cho các thành phố lớn cần tập trung vào một số vấn đề như chuyển từ quy hoạch tổng thể theo chỉ tiêu kỹ thuật dựa trên dự báo sang quy hoạch chiến lược; chuyển từ quy hoạch thời điểm sang quy hoạch là quá trình với nội dung 3 bước lập quy hoạch chính; thực hiện quy hoạch và đánh giá quy hoạch 5 năm một lần bởi bộ chỉ số theo dõi. Đồng thời, tìm hướng tiếp cận về kinh tế trong quy hoạch chung thành phố lớn…
Theo Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)