Cần loại bỏ quan niệm môn chính, môn phụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Vừa qua, hàng trăm phụ huynh tại TP. Pleiku đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố làm rõ việc cô giáo dạy Âm nhạc ở Trường Tiểu học Cù Chính Lan đánh giá không đúng năng lực của học sinh. Sự việc này đã nhận được nhiều ý kiến, phần đa đồng tình cho rằng cách đánh giá của cô giáo không khách quan, thực chất.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng nhiều phụ huynh và học sinh vẫn còn tư tưởng xem nhẹ môn vốn được “ngầm” hiểu là môn phụ như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục công dân…

Rất đông phụ huynh học sinh bức xúc đối với cách giảng dạy, đánh giá xếp loại của cô giáo dạy môn Âm nhạc Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân. Ảnh: Quang Tấn

Rất đông phụ huynh học sinh bức xúc đối với cách giảng dạy, đánh giá xếp loại của cô giáo dạy môn Âm nhạc Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân. Ảnh: Quang Tấn

Bạn tôi là con nhà võ. Ngay từ nhỏ, bạn đã gắn bó, tập luyện và yêu quý võ thuật. Hăm hở mang tình yêu ấy đăng ký thi vào Khoa Giáo dục thể chất tại một trường đại học, bạn mong muốn trở thành giáo viên dạy thể dục trong khi phần đông bạn đồng trang lứa chọn các ngành: Tài chính-Ngân hàng, Kế toán-Kiểm toán hay Kinh tế đối ngoại... Không ít lần, bạn tôi chạnh lòng khi phải nghe điều không hay đến từ những người vốn chỉ coi Giáo dục thể chất là môn học phụ. Với quyết tâm gắn bó với con đường đã chọn, bạn tôi đã nỗ lực xóa mờ ranh giới môn chính với môn phụ, sáng tạo trong giảng dạy, truyền cảm hứng cho học sinh trong mỗi tiết học, tạo hứng thú để các em hiểu tầm quan trọng của việc rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất. Cũng nhờ vậy mà bạn tôi dần vượt qua những định kiến, được học sinh quý mến. Bạn còn tìm được những “hạt giống” tốt để gầy dựng cho môn võ Vovinam tại ngôi trường mà mình đang công tác.

Suốt một thời gian dài, việc đánh giá, xếp loại học sinh cuối năm, nhất là bậc THCS và THPT được tính bằng điểm trung bình tất cả các môn học. Để đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến, học sinh cũng cần đáp ứng tiêu chuẩn riêng đối với môn Toán, Ngữ văn. Cùng với đó, việc sắp xếp môn thi tốt nghiệp THPT và khối thi đại học để xét tuyển vào các ngành học cũng vô tình đem lại tư tưởng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” trong phụ huynh và học sinh đối với các môn học. Các khối ngành Kinh tế ưu tiên khối A với Toán-Vật lý-Hóa học hay khối D với Toán-Ngữ văn-Ngoại ngữ, khối ngành Y-dược là B với Toán-Hóa học-Sinh học, các ngành học xã hội là khối C với Ngữ văn-Lịch sử-Địa lý. Bóng dáng của các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất khá mờ nhạt và chỉ xuất hiện trong các bài thi xét vào các khối ngành thuộc năng khiếu như: Thanh nhạc, Kiến trúc, Hội họa. Và cách đây khoảng hơn 1 thập kỷ, khối ngành này vẫn chưa được nhiều phụ huynh và học sinh... để mắt đến. Cũng bởi vậy mà khi Giáo dục công dân trở thành một môn thi trong tổ hợp môn Khoa học xã hội tại kỳ thi tốt nghiệp THPT thì nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Trong rất nhiều ý kiến, có phụ huynh chỉ ra rằng, phần đa những học sinh xin được học bổng du học thường được đánh giá rất cao ở các môn năng khiếu như: Âm nhạc, chơi thể thao hay tinh thần tham gia các hoạt động xã hội. Đó là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định học sinh có được nhận vào học hay không, bên cạnh điểm số. Vì thế, tư tưởng môn chính, môn phụ cũng nên dần được loại bỏ. Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT. Đây là sự đổi mới của giáo dục khi xem các môn học công bằng như nhau để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Không còn môn này “gánh” điểm cho môn khác, các môn đều công bằng như nhau. Điều này sẽ giúp học sinh được thoải mái theo đuổi môn học thế mạnh cũng như có lựa chọn ngành nghề phù hợp với tố chất của mình.

Dù vậy, “tàn dư” của tư tưởng môn chính, môn phụ vẫn còn. Để giải quyết triệt để, thiết nghĩ, ngoài sự đổi mới trong phương pháp đánh giá, xếp loại thì mỗi giáo viên bộ môn cũng cần năng động, sáng tạo trong cách giảng dạy nhằm tạo hứng thú, khơi dậy niềm đam mê, yêu thích của các em học sinh. Cùng với đó, cha mẹ nên định hướng, khuyến khích con chọn ngành học thay vì áp đặt theo suy nghĩ của mình. Điều đó cũng giúp con cái nhận ra tố chất, sự yêu thích của mình đối với từng môn học để có những lựa chọn phù hợp hơn cho tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).