Cần đưa hồ đập thuộc các công ty cà phê về địa phương quản lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Vừa qua, huyện Ia Grai kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chỉ đạo và hỗ trợ các công ty cà phê trực thuộc đứng chân trên địa bàn huyện lập thủ tục bàn giao hệ thống hồ đập về địa phương quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phan Đình Thắm, toàn huyện Ia Grai có 42 hồ thủy lợi và 20 đập dâng, tổng năng lực tưới theo thiết kế 6.436 ha cây trồng. Trong đó, Đội quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện quản lý 9 hồ thủy lợi và 14 đập dâng; các công ty cà phê đứng chân trên địa bàn huyện quản lý 33 hồ thủy lợi và 6 đập dâng.

Để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng của từng công trình. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, chủ đầu tư và đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn khi vận hành.

“Để thống nhất quản lý và sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi, UBND huyện đã có nhiều văn bản đề nghị các công ty cà phê bàn giao các công trình hồ đập về địa phương quản lý. Tuy nhiên, nhiều hồ, đập của các công ty được xây dựng từ rất lâu, không có hồ sơ thiết kế, hồ sơ xây dựng nên còn vướng mắc trong quá trình bàn giao”-ông Thắm thông tin.

Hồ thủy lợi do Công ty Cà phê Ia Sao 2 (huyện Ia Grai) quản lý nằm trên phần diện tích đất đã được trả về địa phương. Ảnh: L.N

Hồ thủy lợi do Công ty Cà phê Ia Sao 2 (huyện Ia Grai) quản lý nằm trên phần diện tích đất đã được trả về địa phương. Ảnh: L.N

Ông Nguyễn Ngô Hùng-quyền Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 2-cho biết: Ngày 18-6-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 275/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa. Thực hiện quyết định này, Công ty đã trả đất về cho địa phương quản lý hơn 473,3 ha. Đến ngày 28-8-2018, UBND tỉnh có Quyết định số 415/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án sử dụng đất của UBND huyện Ia Grai đối với phần diện tích đất Công ty Cà phê Ia Sao 2 trả về địa phương quản lý. Trong số hơn 473,3 ha trả về địa phương quản lý có 8 công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp (3 công trình có hồ sơ, 5 công trình không còn hồ sơ).

Sau khi nhận bàn giao, UBND huyện Ia Grai giao Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Đội công trình thủy lợi quản lý. “Tuy nhiên, Công ty vẫn đang quản lý 8 hồ thủy lợi. Các hồ thủy lợi này chủ yếu được xây dựng cách đây khoảng 25-35 năm nên một số công trình không có hồ sơ. Công ty đã có ý kiến với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam để kiến nghị với Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ khó khăn về thủ tục để bàn giao các hồ đập về cho địa phương quản lý”-ông Hùng thông tin thêm.

Còn ông Trịnh Xuân Bảy-Phó Giám đốc phụ trách Công ty Cà phê Ia Sao 1 (xã Ia Yok) thì cho hay: Ngày 10-8-2020, UBND tỉnh có Quyết định số 80/QĐ-UBND về việc thu hồi 117,11 ha đất của Công ty để giao lại UBND huyện Ia Grai quản lý để thực hiện theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt tại các xã: Ia Yok, Ia Bă, Ia Hrung.

Trong số diện tích này có 2 hồ, đập. Hiện nay, 2 hồ, đập này chưa bàn giao được do không còn hồ sơ nên địa phương chưa nhận. Đến ngày 28-4-2022, Công ty đã tiến hành giao đất và các hồ sơ liên quan cho địa phương. Biên bản giao đất tại thực địa có ghi đối với đất phi nông nghiệp (thủy lợi) địa phương sẽ tiếp nhận theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh; sau khi có phương án sử dụng hồ, đập do Sở Nông nghiệp và PTNT lập được UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở quản lý, sử dụng theo quy định.

“Công ty vẫn đang quản lý 2 hồ, đập này. Do không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng nên 2 công trình đã xuống cấp. Quan điểm của Công ty là thống nhất điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi hiện tại của đơn vị về cho địa phương quản lý”-ông Bảy nói.

Trước đó, ngày 11-3-2021, Sở Nông nghiệp và PTNT có Công văn số 640/SNNPTNT-CCTL gửi UBND tỉnh về việc xin chủ trương tổ chức nhận điều chuyển các hồ chứa của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam quản lý trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 1-4-2021, UBND tỉnh có Công văn số 383/UBND-NL gửi Tổng Công ty Cà phê Việt Nam trong đó có nội dung: Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương để có ý kiến chỉ đạo việc điều chuyển các hồ, đập thủy lợi do các công ty thành viên thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam quản lý trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chỉ đạo các công ty thành viên thực hiện rà soát, khôi phục hồ sơ thiết kế, hồ sơ tài chính, hồ sơ phục vụ công tác điều chuyển theo quy định.

Đến ngày 26-8-2021, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam có Công văn số 442/TCT-KHNN về việc bàn giao công trình hồ đập về địa phương quản lý. Hiện địa phương và các sở, ngành của tỉnh đã có nhiều văn bản, tổ chức các cuộc họp để tháo gỡ khó khăn nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc một số thủ tục, hồ sơ hồ đập dẫn đến chưa triển khai công tác bàn giao hồ đập về cho địa phương quản lý.

Trao đổi với P.V, ông Tống Thới Mốc-Bí thư Huyện ủy Ia Grai-cho biết: Huyện ủy đã làm việc với 7 công ty cà phê đứng chân trên địa bàn huyện. Hầu hết các công ty có phản ánh khó khăn về nguồn kinh phí để nạo vét, duy tu, bảo dưỡng các hồ đập và công tác quản lý hồ đập còn nhiều hạn chế dẫn đến không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; không đảm bảo tích nước phục vụ tưới tiêu cho mùa khô. Do đó, các công ty cũng có nguyện vọng bàn giao lại các hồ, đập cho địa phương quản lý.

Sau khi các hồ đập đưa về địa phương quản lý, huyện sẽ cân đối nguồn kinh phí triển khai nạo vét, gia cố đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa bão, đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng mùa khô. Ngoài ra, về lâu dài, địa phương tính toán, nghiên cứu đối với những hồ chứa lớn, có cảnh quan đẹp có thể khai thác du lịch, dịch vụ nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

“Hiện còn vướng một số hồ sơ, thủ tục trong việc bàn giao các hồ, đập. Do vậy, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các công ty cà phê trong việc lập thủ tục, hồ sơ bàn giao các hồ đập về địa phương quản lý theo quy định”-Bí thư Huyện ủy Ia Grai thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

(GLO)- Mạng lưới giao thông kết nối đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường đến vùng khó đang dần hoàn thiện mang đến cơ hội phát triển, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.