Camera giám sát xe khách: Giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời hạn doanh nghiệp (DN) vận tải phải hoàn thành việc lắp camera giám sát trên xe khách theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã hết. Các đơn vị vận tải đang chạy đua nước rút để lắp đặt camera theo quy định khi đưa phương tiện vào hoạt động. Đây là giải pháp để quản lý tài xế, hạn chế tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Bá Minh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài chính-Kế hoạch-Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) cho biết: Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, trước ngày 1-7-2021, xe ô tô kinh doanh vận tải bao gồm xe chở khách từ 9 chỗ trở lên (cả lái xe), xe container, xe đầu kéo phải lắp camera giám sát trên xe để ghi hình, lưu trữ hình ảnh trong suốt quá trình tham gia giao thông và truyền dữ liệu về máy chủ của DN kinh doanh vận tải và máy chủ của Tổng cục Đường bộ. “Trước tình hình dịch Covid-19 tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh vận tải, Chính phủ đã quyết định lùi thời gian xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức chưa lắp camera giám sát đến hết ngày 31-12-2021. Tiếp theo đó, Bộ GT-VT đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-10-2021, làm rõ nội dung liên quan đến việc các phương tiện kinh doanh vận tải khi đăng kiểm cần phải trang bị hệ thống camera giám sát trong xe đối với các phương tiện bắt buộc phải lắp đặt theo Nghị định số 10”-ông Minh thông tin.
Cũng theo ông Minh, việc lắp camera giúp DN và cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác giám sát hoạt động trên xe; đồng thời, có được dữ liệu thông tin cần thiết để sử dụng, trích xuất khi cần xác minh lại sự việc liên quan. Ngoài sử dụng hệ thống trang-thiết bị camera phù hợp tiêu chuẩn, DN còn có thể xem trực tuyến video (livestream), xem lại video (playback), xem ảnh chụp tự động, lưu ảnh và video xuống các thiết bị như: máy tính, smart phone…
Người điều hành doanh nghiệp vận tải có thể quan sát phương tiện từ xa thông qua camera giám sát bên trong xe. Ảnh: Lê Hòa
Người điều hành doanh nghiệp vận tải có thể quan sát phương tiện từ xa thông qua camera giám sát bên trong xe. Ảnh: Lê Hòa
Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai-cho rằng: Kinh doanh dịch vụ vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện. Quy định lắp camera nhằm mục đích tăng cường quản lý, giám sát. Doanh nghiệp bước vào sân chơi là phải tuân thủ quy định và điều kiện của cơ quan quản lý.
Cũng theo ông Hải, hơn 90% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ tài xế. Lắp camera trước hết giúp DN giám sát được hoạt động của tài xế trong quá trình làm việc. Chúng ta gắn phía trước xe khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết” để làm gì? Vậy nên không thể nói khó khăn mà không lắp đặt, chỉ là tính toán như thế nào để phù hợp với tình hình và giúp DN giảm được áp lực đầu tư trong bối cảnh nguồn thu dịch vụ vận tải khó khăn như hiện nay.
Về phía Công ty TNHH vận tải Hồng Hải do ông Nguyễn Hồng Hải làm chủ cho biết, đơn vị đã lắp camera từ gần 15 năm nay để giám sát quá trình làm việc của nhân viên, tài xế. “Chúng tôi có tất cả khoảng 30 đầu xe kể cả xe trung chuyển. Trung bình mỗi xe lắp đặt 2 mắt camera với chi phí 6-7 triệu đồng. Nếu dồn một lúc sẽ là khoản đầu tư không nhỏ và chưa cần thiết khi rất nhiều xe còn nằm yên trong bến bãi chưa hoạt động. Bởi vậy, chiếc nào đưa ra chạy chúng tôi đầu tư lắp đặt”-ông Hải bày tỏ.
Tương tự, ông Đặng Văn Hiền-Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH dịch vụ vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai-cũng cho rằng: Doanh nghiệp đã thực hiện lắp đặt camera được 6/30 phương tiện. Chi phí lắp đặt trung bình 6 triệu đồng/xe cho loại có 2 mắt quan sát. “Doanh nghiệp đang có xe chạy 2 tuyến: Gia Lai-Đà Nẵng, Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh, tần suất mỗi tuyến 1 chuyến/ngày. Lượng khách chỉ đạt 50-60% số ghế thiết kế. Trong khi chi phí tái hoạt động lên đến 20-30 triệu đồng/phương tiện. Việc đầu tư lắp đặt camera trên toàn bộ số xe là chưa phù hợp. Do vậy, xe chạy tới đâu thì làm tới đó sẽ giảm áp lực đầu tư cho DN, đồng thời phát huy được giá trị của thiết bị khi lắp đặt”-ông Hiền cho hay.
Sở Giao thông-Vận tải yêu cầu các bến xe khách tăng cường giám sát việc thực hiện lắp camera của các phương tiện xe khách khi ra vào bến. Ảnh: Lê Hòa
Sở Giao thông-Vận tải yêu cầu các bến xe tăng cường giám sát việc thực hiện lắp camera trên phương tiện xe khách khi ra vào bến. Ảnh: Lê Hòa
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-1-2022 tiến hành xử phạt 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển; 5-6 triệu đồng với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải khách, dịch vụ hỗ trợ vận tải không lắp đặt camera hoặc lắp nhưng không lưu trữ hình ảnh trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) 1-3 tháng đối với xe vi phạm.
Năm 2020, Công ty TNHH một thành viên Đức Đạt Thành Gia Lai đã đầu tư gần nửa tỷ đồng để lắp đặt camera trên toàn bộ phương tiện xe khách. “Chúng tôi lắp loại 6 mắt, chi phí lắp đặt và đường truyền ước tính gần 20 triệu đồng/phương tiện. Tuy nhiên, thiết bị lại không phù hợp với tiêu chuẩn do Tổng cục Đường bộ công bố. Giờ thì đầu tư lại toàn bộ hệ thống camera”-ông Trần Văn Uông-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đức Đạt Thành Gia Lai-bày tỏ.
Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT-cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GT-VT và Tổng cục Đường bộ, Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo các bến xe, đơn vị vận tải tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định. Tính đến ngày 14-12-2021, toàn tỉnh có 449/1.133 xe đã thực hiện lắp đặt (đạt 39,63%) và tiếp tục tăng dần khi hết thời hạn áp dụng thực hiện việc xử phạt. Trong số xe chưa lắp đặt camera có 650 xe không hoạt động (chiếm 95%). Các đơn vị vận tải báo cáo trước ngày 1-1-2022 khi đưa phương tiện vào kinh doanh sẽ thực hiện lắp đặt camera theo quy định.
Cũng theo ông Hạnh, Sở GT-VT yêu cầu các bến xe khách tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở các đơn vị vận tải thực hiện lắp camera. Đồng thời, Sở giao Thanh tra Sở chủ trì cùng với Phòng Quản lý Phương tiện và Người lái phối hợp với các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn có phương án, giải pháp hỗ trợ các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tránh xảy ra ùn tắc cục bộ hoặc xảy ra những vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm định thuộc đối tượng lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

(GLO)- Với phương châm “Bạn uống, tôi lái”, dịch vụ lái xe hộ chuyên nghiệp là giải pháp được nhiều khách hàng lựa chọn sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc có nhu cầu đi công tác, du lịch xa để bảo đảm cả người và phương tiện đều an toàn.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất