(GLO)- Vùng đất tuyệt vời dành cho sáng tạo là cảm nhận của các thành viên trong đoàn văn nghệ sĩ Gia Lai tham gia Trại sáng tác Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Sự tĩnh lặng của một vùng núi mờ sương và những chuyến thực tế bổ ích đã giúp họ tìm về với những cảm xúc chân thực nhất, lắng sâu nhất.
Từ ngày 16 đến 29-3, Trại sáng tác Tam Đảo do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học Nghệ thuật (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức đã đón 15 hội viên thuộc 6 chuyên ngành của Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai. Nhiều người lần đầu đến với “thành phố sương mù” nên rất thích thú.
Trò chuyện cùng chúng tôi, nhà thơ Phạm Đức Long chia sẻ: Với những người có nhu cầu tĩnh tâm để viết, Trại sáng tác Tam Đảo là nơi lý tưởng với khí hậu mát mẻ, yên tĩnh, thơ mộng... dễ tập trung sáng tác. “Với tôi, khung cảnh này quá tuyệt!”-nhà thơ bộc bạch.
Sau gần 10 ngày ở đây, ông đã viết 3 bài thơ lấy cảm hứng về cảnh đẹp nơi này. Đó là những dòng đầy tâm cảm: “Trời thả mù vào em/Bên nhau mà ngỡ như trong mộng ảo/Lạc giữa thoáng gập ghềnh Tam Đảo/Ngày lên buồn ngập ngừng mãi lối quanh/Đường trên non/Mái phố/Mái rừng/Yên ả rêu/Đìu hiu cỏ/Dấu chân tiên lưng chừng sương phủ/Tam Đảo mờ/Thương nhớ giăng giăng (Ngày Tam Đảo mờ sương).
Ông cũng nộp cho Ban tổ chức 2 truyện ngắn mà mình tâm đắc. Truyện ngắn “Bóng mộc đè” nói về đề tài thời cuộc cùng những chiêm nghiệm đau đáu phận người qua bối cảnh một thời ở Gia Lai. Truyện ngắn “Đoản Mộng” viết về đề tài nông thôn miền núi phía Bắc với những được-thua, chìm-nổi của con người trước cuộc mưu sinh.
|
Hoàng hôn Tam Đảo. Ảnh: HÙNG HOA LƯ |
Lần đầu đến Tam Đảo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư lỉnh kỉnh máy ảnh, đồ nghề chuyên dụng và tất nhiên không thể thiếu thiết bị flycam. Ông hào hứng: “Núi rừng nơi đây quá mênh mông, hùng vĩ, chiếc flycam của tôi suýt lạc mất 2 lần. Khí hậu thì y như trong 1 cái tủ lạnh khổng lồ”. Khung cảnh mới lạ khiến ông phấn chấn thốt lên 2 chữ “tuyệt vời”.
Sáng nào, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư cũng dậy sớm nhất để chụp cho được bộ ảnh “Tam Đảo trong sương”. Sau chuyến thực tế về tỉnh Phú Thọ, ông còn có dịp tham quan Đền Hùng, thăm làng nghề làm nón Sai Nga (xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê) nên sở hữu những bức ảnh nghệ thuật rất đẹp. Đặc biệt, tại TP. Việt Trì, ông đã ghi lại toàn cảnh nơi hội tụ của 3 con sông lớn gồm sông Hồng (đoạn chảy qua Việt Trì gọi là sông Thao), sông Lô và sông Đà. Ông cũng không quên khoe những bức ảnh chụp hoa xoan-loài hoa xứ Bắc đang nở khắp vùng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân (chuyên ngành Văn nghệ dân gian) cho hay, trong khoảng thời gian ở Tam Đảo, bà đã kịp hoàn thiện các bài viết, công trình nghiên cứu trước đó gồm: “Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số phía Bắc trên quê hương mới Gia Lai” và “Ý thức của các dân tộc thiểu số trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống tại Gia Lai”. Chuyến thực tế tại Phú Thọ thăm các làng nghề truyền thống, tìm hiểu tín ngưỡng dân gian giúp bà có cái nhìn đa chiều làm cơ sở đối chiếu, so sánh-một đòi hỏi thiết yếu đối với người làm công tác nghiên cứu khoa học.
“Cũng là nghề truyền thống như làm nón, đan lát nhưng cách làm của họ rất khác. Một số mặt hàng hướng đến xuất khẩu nên tính chuyên môn hóa rất cao, hầu hết sử dụng vật liệu có sẵn từ thiên nhiên. Ở đây còn có những cơ sở thu gom lớn để xuất hàng đi, trong khi ở tỉnh ta thì bà con chủ yếu là tự thân vận động. Làm sao để bà con các làng nghề ở Gia Lai sống được bằng nghề truyền thống là điều cần nghiên cứu”-TS. Nguyễn Thị Kim Vân trăn trở.
|
Tam Đảo mùa sương mù. Ảnh: Hùng Hoa Lư |
Trại sáng tác Tam Đảo đã khép lại. Sau khi tham gia Trại sáng tác, số lượng tác phẩm của các hội viên ngày một nhiều thêm, sự gắn kết như trong một gia đình giữa các thành viên cũng khiến ai nấy ấm lòng.
LAM NGUYÊN