Cải cách hành chính ở Gia Lai kỳ 1: Những kết quả bước đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác cải cách hành chính (CCHC) là nội dung quan trọng gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Quá trình CCHC liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua, công tác CCHC của tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả quan trọng, song cũng còn không ít khó khăn, hạn chế, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị và giải pháp hiệu quả hơn.  
Người dân được hướng dẫn quy trình thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Phương Linh
Người dân được hướng dẫn quy trình thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Phương Linh

Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Nhiều mô hình CCHC đã phát huy hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc cho tổ chức và cá nhân.

Nhiều mô hình CCHC hiệu quả
Là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, vì vậy, khi tỉnh triển khai chương trình tổng thể CCHC nhà nước, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đều triển khai thực hiện với nhiều mô hình phù hợp. Tất cả đều hướng đến mục tiêu cải tiến toàn diện hệ thống hành chính nhà nước, giúp cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tốt hơn.
Theo kết quả công bố của Bộ Nội vụ, năm 2019, tổng số điểm Chỉ số CCHC của tỉnh Gia Lai là 80,58/100 điểm, xếp vị trí thứ 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 9 bậc so với năm 2018). Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019 của tỉnh đạt 84,45%, xếp vị trí thứ 38/63 tỉnh, thành, tăng 18 bậc so với năm 2018.

Từ đầu năm 2020, UBND tỉnh chính thức triển khai thực hiện đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ dịch vụ hành chính công sang Bưu điện tỉnh. Đến nay, tỉnh đã thí điểm chuyển giao bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sang bưu điện cùng cấp, làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 12 UBND cấp huyện, 9 UBND cấp xã. Giai đoạn 2017-2019, Bưu điện tỉnh đã tiếp nhận 94.903 hồ sơ sử dụng dịch vụ Bưu chính công ích, tăng 41% so với trước khi tham gia đề án thí điểm.

Nguyễn Thị Thanh Vân-Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh-cho biết: “Người dân giờ đây chỉ cần đến nộp hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) tại Bưu điện và yên tâm kết quả gửi về tận nhà. Đề án phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất; hỗ trợ quản lý, kiểm soát tốt quy trình giải quyết TTHC, góp phần phòng-chống tham nhũng và tiêu cực, cải tiến phương pháp làm việc của cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả, tiết kiệm nhân lực, chi phí”.

Khá hài lòng khi đến nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa-Bưu điện huyện Chư Prông, ông Hoàng Văn Phong (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) vui vẻ nói: “Trước đây, tôi rất ngại phải đi làm thủ tục các loại giấy tờ, sổ sách bởi quy trình rắc rối, phức tạp, nhân viên lại không nhiệt tình. Nhưng khi Bộ phận một cửa chuyển sang Bưu điện huyện, đi làm thủ tục thấy thoải mái, kết quả cũng nhanh hơn. Nhiều thủ tục nếu yêu cầu thì nhân viên Bưu điện sẽ đem đến giao tận nhà”.
Điển hình về thực hiện CCHC phải kể đến Sở Giao thông-Vận tải với việc rút ngắn thời gian cấp mới giấy phép lái xe các loại; theo quy định tối đa 10 ngày, nay xuống còn 2 giờ đồng hồ sau khi thí sinh vượt qua kỳ thi sát hạch. Từ ngày 15-12-2018 đến 13-12-2019, Sở đã giải quyết 31.297 hồ sơ (cắt giảm thời gian giải quyết từ 2, 3, 5 đến 10 ngày so với thời gian quy định). Lĩnh vực vận tải giải quyết trong ngày đạt 4.636 hồ sơ. Cấp mới giấy phép lái xe sau khi sát hạch 2 giờ cho 12.272 hồ sơ. Việc làm này của Sở Giao thông-Vận tải nhận được sự đồng thuận, đánh giá rất cao từ tổ chức và cá nhân.
Ông Nguyễn Trường Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-thông tin: “Việc cấp đổi và in giấy phép lái xe lưu động tại các điểm vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là mô hình hiệu quả. Sở đã phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe lưu động cho người dân xã Krong (huyện Kbang) và xã Ia Băng (huyện Đak Đoa), thời gian thực hiện trong vòng 2 giờ. Kết quả thời gian qua, Sở đã phối hợp cùng Bưu Điện tỉnh cấp đổi GPLX ở cấp huyện, xã là 16.308 hồ sơ, giúp tiết kiệm chi phí đi lại cho bà con”.
Ở cấp huyện, công tác CCHC cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các TTHC, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đơn cử, UBND thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) đã triển khai mô hình cải CCHC “3 trong 1” trao giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế tại gia đình trẻ em trên địa bàn. Chỉ sau 10 ngày nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa của thị trấn, cán bộ, công chức có trách nhiệm đến tận nhà người dân trao kết quả gồm: giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. 
Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-đánh giá: “Mô hình “3 trong 1” giúp người dân giảm bớt thời gian đi lại nhiều lần giữa các cơ quan. Sau khi đăng ký, cán bộ hộ tịch, tư pháp của thị trấn có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho các bộ phận thực hiện thủ tục nhập sổ hộ khẩu và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ, sau đó đem đến trao từng nhà”. Trong năm 2019, thị trấn đã trả kết quả cho 103 trường hợp.
Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh CCHC. Ban Thường vụ Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp và Sở Giao thông-Vận tải tổ chức hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết TTHC cho nhân dân”. Qua đó đã phát huy vai trò của tổ chức trong việc tham gia công tác CCHC của tỉnh. Ngành Y tế triển khai làm sổ khám bệnh điện tử giúp người dân rút ngắn thời gian làm thủ tục khám-chữa bệnh. 
Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương bố trí cán bộ, chiến sĩ duy trì làm việc ngày thứ bảy tại cơ quan để hướng dẫn người dân thực hiện TTHC. Việc triển khai cấp chứng minh nhân dân tại Bộ phận một cửa các cấp; cấp chứng minh nhân dân lưu động tại địa bàn vùng sâu, vùng xa và đến tận nhà, bệnh viện để giải quyết TTHC cho người dân có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Những con số ấn tượng  
Trao đổi với P.V, ông Võ Quốc Hùng-Phó Giám đốc Sở Nội vụ-đánh giá: “Công tác CCHC của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Các sở, ban ngành, đoàn thể các cấp và các cơ quan ngành dọc, người dân, doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng công tác CCHC. Tỉnh đã xây dựng 216 nội dung tuyên truyền CCHC, triển khai hiệu quả 26 sáng kiến, giải pháp mới về CCHC. Nhờ đó, công tác CCHC đạt được nhiều kết quả khả quan trong các lĩnh vực”.
Người dân được hướng dẫn quy trình thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Phương Linh
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Phương Linh

Cụ thể, tỉnh đã rà soát, hệ thống hóa hơn 21.066 văn bản quy phạm pháp luật đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hơn 1.650 văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện đăng tải và cập nhật văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật thường xuyên, đầy đủ, kịp thời và chính xác.

Cải cách TTHC là một trong những trụ cột trong CCHC nhà nước và là nội dung được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao. Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã ban hành 394 quyết định công bố 1.972 TTHC, tất cả đều được cung cấp ở mức độ 2, trong đó có 325 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 150 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tất cả các cấp đều triển khai mô hình “Một cửa”, “Một cửa điện tử liên thông”. Kết quả giải quyết TTHC hàng năm của tỉnh luôn đạt từ 89% trở lên.
Việc rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện trong tỉnh thực hiện đúng quy định. Tính đến ngày 20-4-2020, tỉnh đã tinh giản 2.389 biên chế (gồm: 265 biên chế công chức, 2.124 biên chế sự nghiệp, đạt 7,6%) và 128 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ (đạt 8,22%); giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP cho 1.077 đối tượng.
Nền hành chính ngày càng được hiện đại hóa và tỉnh đang nâng cấp Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai lên phiên bản 2.0. Có 2.300 công chức lãnh đạo, kế toán của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh được cấp chứng thư số cá nhân. 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và một số cơ quan nhà nước khác đã sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành.
Trục liên thông văn bản điện tử của tỉnh đảm bảo liên thông văn bản 4 cấp “Trung ương-tỉnh-huyện-xã”, kết nối với Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia. Tỷ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ là 57,86%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 98,63% trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trên hệ thống.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.