Cách làm hay của những nữ triệu phú dân tộc thiểu số ở Chư Păh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở Chư Păh (tỉnh Gia Lai) cần cù, chịu khó, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết tích lũy để thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều chị em khác trong làng để cùng áp dụng, giúp nâng cao thu nhập.

Làm giàu nhờ cần cù, tích lũy

Về làng Yăng 2 (xã Ia Phí, huyện Chư Păh) hỏi thăm chị Rơ Châm Bơih, người Jrai ai cũng biết. Không chỉ vì chị là hội viên Chi hội phụ nữ làng Yăng 2 năng nổ trong hoạt động Hội mà còn là tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo và vươn lên làm kinh tế giỏi được mọi người ngưỡng mộ.

z5925675696035-2bd32232fb428af3cd385b56838a80a0-2.jpg
Nhờ cần cù, siêng năng, biết tích lũy mà chị Rơ Châm Bơih (làng Yăng 2, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) sở hữu 6,8 ha đất trồng cà phê xen cây ăn quả, hồ tiêu, cao su, mỗi năm đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: Đinh Yến

Năm 1985, chị Bơih lập gia đình riêng. Cuộc sống luôn chật vật khi 2 đứa con lần lượt ra đời, trong khi nhà chỉ có 2 sào đất trồng lúa, 1 sào trồng mì của bố mẹ 2 bên cho.

Chị Bơih chia sẻ: “Lúc ấy, gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng chúng tôi luôn tìm cách xoay xở để thay đổi. Tôi bàn với chồng tích lũy lúa đổi lấy 1 con bò để phát triển chăn nuôi và lấy phân bón cho cây trồng. Chúng tôi đi nhặt phân bò để bón cho 2 sào lúa đạt năng suất cao. Mỗi vụ, chúng tôi thu về 9 bao lúa, gia đình ăn hết 5 bao, còn 4 bao để lại tích trữ. Sau 2 vụ, gia đình có được 8 bao lúa để đổi lấy 1 con bò nhỏ làm giống chăn nuôi”.

Cứ như thế, với sự cần cù, chịu thương chịu khó và biết cách tích lũy, 3 năm sau, gia đình chị Bơih đã có thêm 3 con bò. Đặc biệt, gia đình chị Bơih đặt ra phương châm “bò đổi đất” từ năm 1990 đến nay. Nhờ thế, từ 1 con bò rồi nhân đàn lên 10 con. Chị Bơih lại bàn với chồng đổi bò lấy đất sản xuất (2 con bò đổi 1 ha đất rẫy) với bà con dân làng.

Nhờ thế, đến nay, gia đình chị Bơih đã sở hữu 6,8 ha đất trồng cà phê, trong đó có 2,8 ha cà phê trồng xen với cây mắc ca, hồ tiêu, bơ; 1 ha cao su; 500 trụ hồ tiêu; 1 ha lúa. Với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, gia đình còn lãi hơn 500 triệu đồng; vợ chồng chị có tiền sắm máy cày, xe công nông, mua ô tô phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

Chị Bơih có điều kiện chăm sóc 2 con ăn học trưởng thành, xây dựng gia đình riêng và có công việc ổn định. Hiện, vợ chồng chị Bơih chỉ giữ lại 2,8 ha cà phê trồng xen cây ăn quả; số đất sản xuất còn lại đã chia cho các con để phát triển kinh tế. Chị Bơih phấn khởi nói: “Nhờ chăm chỉ lao động, áp dụng giống cây trồng mới cho năng suất vào sản xuất và nhất là biết tiết kiệm chi tiêu để tái đầu tư mà vợ chồng tôi đã gây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay”.

z5925678356052-6c99591891fd62d5ab5db5decde20a25-6781.jpg
Chị Rơ Châm Bơih (bìa phải) giới thiệu với cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Phí (huyện Chư Păh) về kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, cho sản lượng cao. Ảnh: Đinh Yến

Chị Rơ Châm Phyul-Chi hội trưởng phụ nữ làng Yăng 2-cho hay: “Cách đây 18 năm, mua 1 ha đất rẫy trồng cà phê chỉ có 500 ngàn đồng nhưng chị Bơih đã bỏ ra 3 triệu đồng từ bán hồ tiêu để giúp chị em khó khăn trong làng. Ngoài ra, chị Bơih còn thường xuyên giúp đỡ lúa, gạo, giống cây cà phê, hồ tiêu cho một số hội viên phụ nữ nghèo; hỗ trợ một số hộ vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế… Hàng năm, chị còn tạo việc làm thời vụ cho 30 lao động. Mong rằng hội viên phụ nữ trong làng mình sẽ học theo chị Bơih để làm giàu chính đáng”.

Nâng tầm sản phẩm địa phương để làm giàu

Vốn sinh ra và lớn lên ở tỉnh Đắk Lắk, nhưng chị H’Uyên Niê gặp và kết hôn với một bác sĩ là người làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. Sau đó, chị H’Uyên Niê tham gia vào Đoàn Ca múa nhạc Đam San ở TP. Pleiku. Nhưng rồi chị lại theo chồng về làng, tích cực tham gia hoạt động công tác xã hội, hiện chị là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Mơ Nông. Chị là người kết nối và gầy dựng thành công Tổ liên kết “Đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” và mô hình “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông vào năm 2021.

anh-3-7441-2116.jpg
Chị H’Uyên Niê (thứ 3 từ phải qua)-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh giới thiệu với du khách về sản phẩm dệt của Tổ liên kết . Ảnh: NVCC

Đầu tháng 9 vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trao giải chung kết Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” cấp vùng các sản phẩm của Tổ liên kết vào chung kết vùng và được Ban tổ chức đánh giá cao. Dự án hướng tới mục tiêu phát huy bản sắc văn hóa bản địa của người Jrai, góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân; nâng cao nhận thức của đồng bào về việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, đan lát, các món ăn truyền thống cơm lam, gà nướng, lá mì, cà đắng...

Ngược dòng thời gian những ngày đầu khởi nghiệp, chị H’Uyên Niê đã trải lòng: “Tôi muốn góp phần giúp gia đình và bà con nơi đây có thêm thu nhập nên quyết tâm khởi nghiệp với nghề dệt, đan lát. Hiện tại, nhờ việc kết nối dệt thổ cẩm, đan lát qua Tổ liên kết và phát triển mô hình “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông” đã tăng thêm thu nhập cho gia đình mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng và giúp dân làng có thêm thu nhập”.

Năm nay 71 tuổi nhưng bà Rơ Châm Mir (làng Kép 2)-thành viên Tổ liên kết rất vui, bởi nhờ có chị H’Uyên Niê mà tới giờ bà vẫn còn được dệt, được làm công việc mà mình yêu thích từ ngày còn bé. “Hơn thế nữa, thông qua Tổ liên kết, mình được Nhà thiết kế Minh Hạnh đặt dệt những tấm thổ cẩm giúp có thêm thu nhập mỗi tháng 5-6 triệu đồng để hỗ trợ con cháu trang trải cuộc sống”-bà Mir bộc bạch.

anh-1-6316-6959.jpg
Mô hình "Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông" dù mới đi vào hoạt động năm 2022 nhưng đến nay được nhiều đoàn du khách ghé thăm. Ảnh: NVCC

Mô hình "Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông" dù mới đi vào hoạt động năm 2022 nhưng đến nay được nhiều đoàn du khách ghé thăm. Hiện Tổ liên kết vận động các bà, các chị tổ chức dệt, các ông đan lát, còn thanh niên nấu các món ăn truyền thống, thiếu niên nhi đồng làm mẫu để du khách đến tham quan chụp ảnh, làm dịch vụ thu phí.

z5915485298590-8b36cde8bd756c458ec49cf7b2689b57-6274.jpg
Nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số huyện Chư Păh vừa được UBND huyện tặng giấy khen trong hoạt động phong trào, làm kinh tế giỏi. Ảnh: Đinh Yến

Theo bà Nguyễn Thị Bảy-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Păh: Chị Rơ Châm Bơih, H’Uyên Niê chỉ là 2 trong rất nhiều những điển hình phụ nữ người dân tộc thiểu số huyện Chư Păh vừa được UBND huyện tặng giấy khen trong hoạt động phong trào, làm kinh tế giỏi tại Hội nghị biểu dương phụ nữ làm kinh tế giỏi do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức.

Các chị em mỗi người có cách làm kinh tế khác nhau nhưng đều có chung ý chí, nghị lực, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết tiết kiệm chi tiêu, tích góp để tái đầu tư sản xuất và vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, giúp họ tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, cộng động và xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

(GLO)-Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân tại các xã nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt.