Emagazine

E-magazine Cà phê chất lượng cao: Hướng tới thị trường tiêu thụ bền vững

Cà phê chất lượng cao bao hàm yếu tố chất lượng đầu vào ở tất cả các khâu sản xuất, từ chọn nguồn giống, trồng trọt, thu hoạch đến sơ chế, chế biến; đồng thời, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân, nhà thu mua, nhà rang xay để nâng cao chất lượng cà phê.

Anh Đoàn Anh Tuấn (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) bước đầu thành công với mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao. Năm 2019, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Chế tạo máy (Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh), anh quyết định về quê nhà để xây dựng mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao. Anh Tuấn chia sẻ: Sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các trang trại cà phê hữu cơ ở Lâm Đồng, Đak Lak, Đak Nông cũng như kết nối với các diễn đàn cà phê trong và ngoài nước, anh nhận thấy Gia Lai có nguồn nguyên liệu dồi dào với những vườn cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ ngày càng nhiều. Nếu sản phẩm được chú trọng từ khâu chăm sóc đến sơ chế, chế biến sẽ tạo lợi thế cạnh tranh không chỉ về độ sạch mà còn về chi phí. Ban đầu, anh áp dụng phương pháp sản xuất này trên 4 ha cà phê của gia đình. Thay vì sử dụng phân hóa học như trước, anh dùng phân hữu cơ bón cho vườn cà phê. Đồng thời, anh chủ động sử dụng các phương pháp tự nhiên để bảo vệ vườn cây khỏi sâu bệnh chứ không dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ.

Năm 2022, sản phẩm cà phê do anh Tuấn làm ra lọt top cà phê đặc sản (được chấm trên 80 điểm) tại cuộc thi ở tỉnh Đak Lak. Hiện nay, với vùng nguyên liệu gần 15 ha, mỗi năm, anh Tuấn cung cấp cho thị trường trong nước trên 15 tấn cà phê nhân xanh và 2 tấn cà phê rang xay thành phẩm. Đặc biệt, khi được chính quyền và ngành chức năng địa phương tiếp sức xây dựng thành sản phẩm OCOP, các sản phẩm cà phê chất lượng cao của anh Tuấn được thị trường tiếp nhận với giá tương đối cao. Với dòng sản phẩm cà phê nhân xanh, giá dao động 70-90 ngàn đồng/kg, lợi nhuận gấp 2-3 lần so với sản xuất theo lối truyền thống. Đặc biệt, dòng cà phê đặc sản rang xay có giá 400 ngàn đồng/kg.

“Hiện nay, sản phẩm cà phê của tôi vẫn đang dừng lại ở thị trường trong nước, chủ yếu là ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tôi đang hướng đến tạo ra sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ, vừa sản xuất, vừa chế biến theo công nghệ hiện đại để có thể vươn tầm ra thị trường ngoài nước”-anh Tuấn cho biết.

Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên do anh Nguyễn Hải Phong làm Giám đốc điều hành là một trong những đầu mối chính bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân cũng như hợp tác xã ở Gia Lai và Kon Tum. Đây là những nơi đã được anh Phong tìm hiểu, khảo sát và đánh giá là có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cho ra những hạt cà phê có chất lượng tốt, hương vị đặc trưng. Trung bình mỗi vụ, Công ty thu mua và sơ chế khoảng 260 tấn cà phê nhân xanh theo phương pháp Honey và Natural. Mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 200 tấn cà phê nhân xanh sang thị trường Nga và Oman. Anh Phong nhận định: “Cà phê chất lượng cao là loại cà phê được sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch. Để nâng cao giá trị cà phê, đảm bảo cuộc sống ổn định của người trồng cần đẩy mạnh các chương trình sản xuất cà phê bền vững, cà phê chất lượng có các chứng nhận quốc tế. Sau nhiều năm nỗ lực, với thương hiệu Kopic Coffee, sản phẩm của Công ty đã có chỗ đứng trên thị trường”.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, huyện tập trung quy hoạch, hỗ trợ đầu tư xây dựng vùng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn khoảng 28.000 ha, trong đó có khoảng 1.000 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ. “Yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, cà phê hay những loại thực phẩm khác cũng phải bắt kịp với xu hướng, nếu không sẽ bị đào thải. Do đó, thời gian tới, huyện tập trung tái cơ cấu toàn diện theo chuỗi giá trị sản phẩm từ địa phương đến cấp quốc gia; sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường”-ông Nguyễn Kim Anh thông tin.

Theo ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tại Gia Lai đã xây dựng chiến lược kinh doanh, xuất khẩu phù hợp cho dòng cà phê chất lượng cao trong xu thế chung khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp, cá nhân trong việc hướng dẫn bảo hộ nhãn hiệu và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, định hướng cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng sạch, thân thiện môi trường, góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu cà phê Gia Lai.

Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích 98.728 ha; trong đó có 88.690 ha cho sản phẩm; hơn 36.620 ha sản xuất theo các chứng nhận như VietGAP, 4C, Rainforest, Organic. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và 99 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến cà phê (trong đó có 47 cơ sở chế biến cà phê bột, hạt rang và hòa tan). Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Gia Lai, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 490 triệu USD, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu chọn tạo, đưa vào sản xuất các giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu cũng như đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trồng, chăm sóc và thu hái cà phê. Đồng thời, đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị bền vững, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đẩy mạnh việc liên kết 5 nhà: nhà nông-nhà khoa học-doanh nghiệp-ngân hàng-Nhà nước trong nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê. Chú trọng việc tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nói chung và quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê nói riêng. Tăng cường kết nối giữa người sản xuất, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã và những nhà rang xay, chế biến, tiêu thụ cà phê trong và ngoài nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cà phê Gia Lai, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao ở các thị trường xuất khẩu”.

Có thể bạn quan tâm

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

(GLO)- Điều gì đã gắn kết những người lính tình nguyện Việt Nam để làm nên khúc khải hoàn trên chiến trường K? Đó có phải là tình đồng đội thiêng liêng, cao cả; là sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và cũng đầy ân tình đối với người dân nước bạn, thậm chí với cả người ở phía bên kia chiến tuyến?

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

E-magazineXây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

(GLO)- Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đang bước đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Khúc hoan ca làng chài

E-magazineKhúc hoan ca làng chài

(GLO)-

Từ dăm con thuyền dạt trôi giữa mênh mông sông nước Sê San ngày nào đã hình thành 1 làng chài với hơn 30 hộ dân. Hôm nay, làng chài trên dòng Sê San đã đổi vận từ con cá và du lịch.

Xuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

E-magazineXuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhận được nhiều đơn hàng hơn so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan, kỳ vọng tạo đột phá cho ngành xuất khẩu nông sản của tỉnh trong năm 2024.
Cô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

E-magazineCô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

(GLO)- Đang yên đang lành với công việc có thu nhập cao tại TP. Hồ Chí Minh, cô gái quê Gia Lai Trương Mỹ Châu (SN 1990) quyết định “đặt xuống mọi thứ” để thực hiện chuyến xuyên Việt, rồi xuyên Á bằng xe đạp.

Chàng trai Bahnar dẫn nước về làng

E-magazineChàng trai Bahnar dẫn nước về làng

(GLO)-Xuân này tròn 3 năm kể từ lúc dân làng Hrach (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) đón nguồn nước ngọt lành từ đỉnh núi Bok Ưng về tưới mát cả một vùng khô cằn. Câu chuyện về chàng trai Đinh Hmach dẫn nguồn nước về làng được đồng bào Bahnar nơi đây truyền tai nhau như một kỳ tích.