Buồn vui họp lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong khoảng 3 năm vừa qua, tôi nhận được không biết bao nhiêu lời mời họp lớp hoặc hội khóa. Trước đây, bố mẹ tôi từng nhiều lần thay đổi chỗ ở; mỗi lần như vậy, tôi và các anh chị em lại phải chuyển trường. Cả tuổi thơ chúng tôi đã học qua không biết bao nhiêu ngôi trường thì bây giờ có bấy nhiêu lời mời họp lớp hoặc hội khóa.
Hè vừa rồi, tôi tham gia hội khóa cấp II. Đó là một cuộc gặp gỡ rất ý nghĩa sau 20 năm ra trường, có rất nhiều chuyện để nói, để kể. Vui đó, nhưng cũng đầy những nỗi buồn, mất mát. Chúng tôi là thế hệ sinh ra đầu những năm 80 của thế kỷ trước, xuất phát điểm gần như ngang nhau. Gia đình khó khăn, chúng tôi chỉ biết có mỗi việc học tập. Nhưng chính vì vậy mà ngày hội khóa có rất nhiều kỷ niệm để ôn lại như chuyện tuổi thơ đói nghèo, bạn bè cùng chia sẻ một bánh lương khô, một gói bột đậu nành tiêu chuẩn gì đó mà tôi không rõ lắm, nhưng nhà có, nhà không. Tôi nhớ bố bạn Quang là bộ đội, thỉnh thoảng tiêu chuẩn có vài bánh lương khô mang về cho gia đình. Quang thường để dành mang lên chia sẻ với chúng tôi. Đổi lại cậu được chúng tôi cho... nhìn bài trong các tiết kiểm tra. Quang gầy và cao lênh khênh, học kém nhất lớp, nhưng bây giờ đã trở thành người đàn ông chững chạc, làm việc trong một ngân hàng lớn ở TP. Hồ Chí Minh với mức thu nhập khá, mua được nhà, xe ô tô. Chúng tôi đều mừng cho sự trưởng thành của bạn bè như vậy.
Cũng bởi đa phần là con nhà nghèo nên hồi đó, mỗi khi có thức quà vặt là chúng tôi sướng điên lên, hồ hởi chia nhau. Nhắc lại chuyện cũ, cả lớp rưng rưng nhớ đến bạn Thể. Nhà Thể nghèo, đông anh em lại mồ côi bố từ nhỏ. Ra dáng một người anh cả với bạn bè trong lớp, lúc nào Thể cũng nhường nhịn mọi người. Trong mọi trò nghịch ngợm, Thể đều là thủ lĩnh, nhưng hễ “có chuyện”, “gây hậu quả”, lúc nào bạn cũng là người đầu tiên đứng ra chịu trách nhiệm. Chúng tôi nhắc rất nhiều đến Thể trong ngày họp lớp dù bạn đã không còn nữa. Thể bị bệnh nặng và ra đi khi chưa kịp vợ con gì. Chúng tôi đến nhà thắp cho Thể nén nhang. Vẫn ngôi nhà ngói cũ ấy bên bờ sông, chỉ có điều nền đất đã được thay bằng những viên gạch nung. Chúng tôi thống nhất sẽ kêu gọi đóng góp để nay mai hỗ trợ sửa chữa hoặc có thể xây mới lại ngôi nhà cho người mẹ già của bạn.
20 năm ra trường, chúng tôi có nhiều cảm xúc trong ngày gặp lại như vậy. Nhưng cũng là chuyện họp lớp thì họp lớp cấp III lại nhàm chán đến mức mấy năm gần đây, tôi không còn hào hứng, thậm chí từ chối tham gia. Hai năm họp một lần nhưng ngày càng ít người có mặt. Có lẽ việc họp lớp quá thường xuyên khiến nhiều người nhàm chán, nhất là bây giờ mọi người đều có số điện thoại, Zalo, Facebook của nhau nên nhu cầu gặp gỡ ngoài đời thực cũng khác. Tôi nhớ lần họp lớp gần đây nhất là vào dịp Tết cổ truyền, chẳng ai thiết ăn uống, nói chuyện gì. Mỗi người ôm một chiếc điện thoại, thờ ơ với bạn bè xung quanh. Hoặc có nhóm tụ lại nói chuyện riêng, bỏ mặc những gì đang diễn ra. Sau lần đó, chúng tôi quyết định tạm dừng việc họp lớp một thời gian và chưa biết khi nào mới tổ chức họp lại.
Xung quanh chuyện họp lớp cũng có nhiều bi hài. Dịp nghỉ lễ năm ngoái, tôi về thăm quê đúng dịp hội bạn cấp I tổ chức hội khóa. Tôi chỉ học đúng 2 năm ở quê, sau đó chuyển trường theo bố mẹ, vì vậy mà nhiều bạn học không nhận ra tôi, phần tôi cũng thấy lạ với nhiều người. Nhưng cũng trong cuộc hội khóa này xảy ra một chuyện không hay khi tôi bị một bạn nam quá chén có hành vi thiếu tế nhị. Cuộc vui cuối cùng không trọn vẹn. Sau lần đó, nghĩ về việc họp lớp hay hội khóa, tôi không còn mấy hào hứng.
Vài năm trở lại đây, chuyện họp lớp, hội khóa bỗng dưng nở rộ. Ai cũng mong gặp lại bạn bè cũ sau nhiều năm xa cách, ôn lại kỷ niệm với thầy cô. Có những khóa học tổ chức hội khóa còn làm được nhiều việc ý nghĩa như: gây quỹ trao học bổng cho các em khóa sau, giúp đỡ bạn bè, thầy cô bệnh tật, khó khăn… Nhưng nếu bị lạm dụng tổ chức thường xuyên và rời rạc, không có kế hoạch chỉn chu, ắt sẽ đến lúc họp lớp chẳng còn mấy ai quan tâm, mất đi ý nghĩa thiêng liêng của ngày gặp lại.
 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2-Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.