Buôn bán lấn chiếm lòng lề đường Lê Đại Hành

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân chấn chỉnh nhưng tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường Lê Đại Hành (thuộc tổ 2, phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) vẫn xảy ra, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo phóng viên ghi nhận, tầm 16-17 giờ hàng ngày, cảnh mua bán ở khu vực này rất lộn xộn, hàng hóa bày tràn ra 2 bên lề đường. Nhiều người đi xe máy, ô tô vô tư dừng dưới lòng đường mua hàng. Cảnh mua bán lộn xộn khiến đoạn đường bị thu hẹp trong khi lưu lượng người, xe qua lại khá đông.  
Anh Trần Thanh Quế (tổ 4, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là tài xế xe tải thường xuyên đi qua đoạn đường này. Anh bức xúc cho biết: “Ngày nào tôi cũng đều đi qua đây, vất vả và mất thời gian lắm, đi không cẩn thận là va quệt ngay. Người bán cứ bán, người mua cứ mua, ngang nghiên ngay trên lòng đường, ra sức bấm còi mà họ coi như không”.
Đường Lê Đại Hành dẫn ra đường Trường Sơn có mật độ người và phương tiện lưu thông cao. Các xe hàng rong lưu động thường tụ tập ngay ngã ba đông người để thuận tiện mua bán khiến lòng đường bị thu hẹp lại và đã có nhiều vụ va quệt giao thông xảy ra.
Mặc dù có biển cấm họp chợ nhưng người dân vẫn bày bán tràn ra đường. Ảnh: Hà Phương
Mặc dù có biển cấm họp chợ nhưng người dân vẫn bày bán hàng hóa tràn ra đường. Ảnh: Hà Phương
Theo một số tiểu thương tại chợ Yên Thế, chủ hộ bán bên trong chợ chịu nhiều khoản thuế phí từ tiền vệ sinh, chỗ ngồi, điện, nước... nhưng khách hàng ít vào mua vì ngoài đường đã có nhiều hàng hóa. Người bán ngoài đó rõ ràng có lợi hơn mà không phải đóng một khoản thuế, phí gì. Mỗi lần đội trật tự đô thị đến thì họ dọn vào, xong rồi lại bày ra. Bà con người dân tộc thiểu số các làng gần đó đem hàng hóa, sản phẩm ra bày bán cũng góp phần làm cho đoạn đường thêm lộn xộn, nhếch nhác.
Ông Trần Đại Trí-Chủ tịch UBND phường Yên Thế thừa nhận việc người dân lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, đặc biệt là 2 bên đường Lê Đại Hành. Lực lượng chức năng địa phương ra quân 2 lần mỗi ngày (7-11 giờ và 14-17 giờ) để giải tỏa lập lại trật tự an toàn giao thông nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức kém của cả người bán lẫn người mua.
“Địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về trật tự xã hội, an toàn giao thông. Phường cũng sẽ họp bàn giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán nói trên”-ông Trí cho biết.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.