'Biệt đội' giải cứu thú rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với 95.000 ha rừng nguyên sinh, sở hữu 132 loài thú và hàng trăm loài chim, bò sát, Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) luôn trở thành tâm điểm của thợ săn và lâm tặc.   

Đường vào rừng Pù Mát của những chiến binh bảo vệ thú rừng. Ảnh: LÊ THÀNH
Đường vào rừng Pù Mát của những chiến binh bảo vệ thú rừng. Ảnh: LÊ THÀNH

Cuộc “chiến đấu” của biệt đội bảo vệ thú rừng ở đây vì thế luôn khốc liệt.

Những “chiến binh” quả cảm
9 giờ sáng, ở H.Con Cuông (Nghệ An), nắng đã như dội lửa. Khu rừng già Vườn quốc gia Pù Mát nằm kề bên như cái “máy lạnh” khổng lồ cũng không làm dịu bớt được cái nóng rát bỏng thịt da ở vùng được mệnh danh là “chảo lửa” này. Đội trưởng Đội bảo vệ động vật hoang dã Pù Mát Lê Tất Thành nói với tôi, sáng mai, anh em lại vào rừng. “Nắng thế này trong rừng có đỡ hơn không?”, tôi hỏi. “Có đỡ hơn, nhưng ban ngày cũng nóng nực lắm. Leo dốc mồ hôi cứ vãi như tắm, ướt hết cả áo”, anh Thành nói.
Sau 2 năm ra đời, “biệt đội” giải cứu thú rừng Pù Mát phối hợp kiểm lâm đã tháo dỡ và phá hủy gần 6.500 bẫy thú, phá hơn 300 lều lán trong rừng, thu giữ hàng chục khẩu súng săn, giải cứu hàng trăm thú rừng mắc bẫy.
Anh Thành và các thành viên của đội vừa mới trở về từ hôm thứ bảy tuần trước sau chuyến đi dài 9 ngày. Chỉ nghỉ 2 ngày, các anh lại quay lại rừng. “Lâm tặc, thợ săn giờ ranh lắm, họ theo dõi hành trình của chúng tôi. Có thể họ biết anh em vừa ra khỏi rừng nên sẽ vào. Do đó, anh em phải đánh du kích, bất ngờ”, anh Thành giải thích.
Hành trang mang theo khi vào rừng của những thành viên “biệt đội” này là gạo, cá khô, thịt lợn ướp muối, nồi, võng, tăng, thuốc men... Mỗi người gùi một bao tải nặng chừng 20 kg trên lưng. Để có sức băng rừng dài ngày trong điều kiện thời tiết bất lợi, anh em còn kèm theo vịt, gà lủng lẳng bên hông để vào rừng ăn lấy sức. Mỗi lần vào rừng được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 7 - 8 người, gồm thành viên của đội bảo vệ động vật hoang dã và kiểm lâm viên của Vườn quốc gia Pù Mát. Anh Thành bảo phải phối hợp như thế đám thợ săn mới sợ, chứ anh em của đội tay không bắt giặc thì rất khó “chiến đấu” được với những tay thợ săn tinh quái, liều lĩnh này.
Sáng sớm băng rừng đi. Đêm mắc võng ngủ. Tối đâu cũng là nhà, gặp nguồn nước ở đâu nấu ăn ở đó. Có ngày, các thành viên trong nhóm đã phải đi cả chục cây số trong rừng vẫn không gặp nguồn nước. Không có nước, ban đêm các thành viên phải dùng bao ni lông mang theo hứng nước sương từ thân cây lớn có rêu mọc để dùng. Vắt, muỗi rừng, ruồi vàng, cành cây mục gãy đổ và lũ ào về bất ngờ là những mối đe dọa thường trực.

Vừa gùi nặng vừa băng rừng. Ảnh: LÊ THÀNH
Vừa gùi nặng vừa băng rừng. Ảnh: LÊ THÀNH
Phá bẫy, giải cứu thú rừng
Anh Thành kể những chuyến vào rừng Pù Mát đầu tiên của anh và các thành viên trong “biệt đội” không phải là sự hiểm trở của núi rừng nơi này, dù nó cũng rất khủng khiếp (Pù Mát tiếng Thái nghĩa là nhiều con dốc cao), nhưng nỗi ám ảnh nhất là bẫy thú do thợ săn đặt la liệt trong rừng. Các loại bẫy thòng lọng, bẫy kẹp để bắt thú được giăng như thiên la địa võng, kéo dài hàng trăm mét.
Đội bảo vệ động vật hoang dã Pù Mát ra đời từ năm 2018 với 15 thành viên, do Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại VN chi trả lương. Đây cũng là “biệt đội” duy nhất ở VN do trung tâm này thành lập, huấn luyện và duy trì để giải cứu và bảo vệ thú rừng. Những thành viên này đều là kỹ sư, cử nhân lâm nghiệp, được tuyển dụng đào tạo, tập huấn kỹ lưỡng. Đợt tuyển dụng đầu tiên, có 170 ứng viên tham gia dự tuyển, nhưng chỉ có 7 người vượt qua được sự lựa chọn khắt khe này, trong đó có anh Thành. “Không chỉ đòi hỏi kiến thức, kỹ năng đi rừng, sức khỏe tốt, để được chọn, ứng viên phải yêu rừng, đặc biệt yêu động vật hoang dã”, anh Thành nói. Thu nhập chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng, khó tương xứng với công sức bỏ ra, nhưng từ khi được tuyển chọn, 15 thành viên của đội rất gắn bó, đam mê với công việc. 
Sau khi giăng bẫy, đám thợ săn dựng lán và sống dài ngày trong rừng để chờ thành quả. Những con thú có giá trị thương mại cao bị dính bẫy, họ bắt rồi cho gùi ra khỏi rừng để bán ngay, những loại ít giá trị hơn, họ xẻ thịt rồi hong khô bằng củi ngay trong rừng. Khi thợ săn rút ra khỏi rừng, những chiếc bẫy này vẫn tồn tại và những con thú khác đi ngang qua lại tiếp tục dính bẫy và chết rục.
Khi những thành viên “biệt đội” giải cứu phát hiện được, những con thú dính bẫy bị thương sẽ được sơ cứu rồi thả ra, nặng hơn thì được mang ra trung tâm cứu hộ của Vườn quốc gia Pù Mát để điều trị. Trong bộ ảnh hàng trăm bức chụp những con thú bị dính bẫy bị thương hoặc đã chết trong rừng mà đội của Thành bắt gặp, rất nhiều con thú dính bẫy bỏ lại không kịp phát hiện để giải cứu, đã bị chết rục. “Những hình ảnh này rất xót xa, ám ảnh anh em chúng tôi, nhất là trước những con khỉ, voọc bị dính bẫy, cơ thể bê bết máu trong khi những con khỉ, con voọc trong đàn đứng bên cạnh bất lực nhìn đồng loại đang đau đớn cầu cứu. Trước những chiếc bẫy bằng dây thép, ngay cả thú lớn như lợn rừng, gấu cũng bó tay, huống hồ những con khỉ, voọc yếu đuối”, anh Thành nói.

Dựng lán để sống với rừng. Ảnh: LÊ THÀNH
Dựng lán để sống với rừng. Ảnh: LÊ THÀNH
2 năm qua, kể từ khi thành lập đội, anh Thành và các thành viên trong đội cùng lực lượng kiểm lâm đã thực hiện hàng trăm chuyến đi rừng, “lội” khắp cánh rừng già Pù Mát gần 95.000 ha, chu vi hơn 210 km này và đã đối đầu với hàng trăm nhóm thợ săn thú. “Trước khi gia nhập đội, tôi nặng 82 kg, nay chỉ còn 70 kg”, anh Thành nói. Khi bị phát hiện, tịch thu thú bị bẫy, có những nhóm thợ săn mang dao, súng săn ra chống trả. “Nếu để xảy ra đụng độ, sẽ rất bất lợi cho anh em vì chúng tôi không có công cụ hỗ trợ nào, trong khi thợ săn và lâm tặc luôn mang theo súng. Do đó, chúng tôi phải tìm cách để hóa giải”, anh Thành kể. Bằng kinh nghiệm và kỹ năng đã được huấn luyện, các thành viên của đội cùng lực lượng kiểm lâm đã tìm cách “hóa giải” thành công những cuộc chạm trán có thể xảy ra xung đột, chống trả của lâm tặc. Và họ đã thu giữ, phá hủy các bẫy thú, súng săn và xử lý người vi phạm.
Cuộc sống gần như đã bám chặt vào rừng, nên sau khi bị bắt, bị xử lý, những tay thợ săn, lâm tặc này lại tiếp tục vào rừng và dùng các chiêu khác để đối phó. “Họ làm bẫy lẻ, không làm lán ở gần suối như trước nữa mà mắc võng ở trên cao để chờ. Đến khu vực đặt bẫy lẻ, họ không để lại dấu vết khiến anh em chúng tôi rất khó phát hiện”, anh Thành kể. Vừa đặt bẫy, thợ săn vừa dùng súng để săn tìm, bắn thú. Đây thực sự là thách thức mới của “biệt đội” bảo vệ thú rừng ở đây.
Anh Thành kể năm 2019, 5 thợ săn ở xã Tam Quang (H.Tương Dương, Nghệ An) mang theo 5 khẩu súng săn và bẫy thú vào rừng Pù Mát săn thú. Nhóm này phát hiện 1 con voọc xám và dùng súng bắn chết. Kinh nghiệm cho họ biết sau khi con cái bị bắn, con voọc đực sẽ đến khu vực đó để cứu “vợ”, nên nhóm này treo con cái đã chết lên cây rồi phục bên dưới. Một lúc sau, con voọc đực xuất hiện, đến bên xác “vợ” và bị nhóm này dùng súng hạ gục. Chiều hôm đó, những “chiến binh” bảo vệ thú rừng và kiểm lâm viên đi tuần, đến đây phát hiện được nhóm này cùng 2 con voọc đã bị bắn chết, 2 con lợn rừng vừa săn được. 5 thợ săn bị bắt, bị khởi tố.
(còn tiếp)
Theo Khánh Hoan (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.