Chuyện chỉ có ở Kon Sơ Lal

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ số tiền quỹ hơn 2 tỷ đồng thu được sau khi bán nhiều cây cột, ván bằng gỗ trắc còn sót lại của ngôi nhà rông sau cơn hỏa hoạn và tiền nhận khoán bảo vệ 600 ha rừng, dân làng Kon Sơ Lal (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) đã “dệt” nên những câu chuyện đậm chất nhân văn mà chỉ nơi này mới có.  
Bất ngờ khi được biết quỹ chung này được dân làng dùng làm công trình nước tự chảy, mua xe ô tô 7 chỗ và máy móc nông nghiệp phục vụ các hoạt động của dân làng, chúng tôi quyết tâm tìm về Kon Sơ Lal để “mục sở thị”.
Đưa nước từ núi về làng
Cơn mưa giữa mùa kéo dài lê thê khiến hành trình về xã Hà Tây của chúng tôi chậm lại. Các anh lãnh đạo xã lo lắng thay phiên nhau gọi điện hỏi thăm. Khi chúng tôi đến trụ sở UBND xã thì trời đã ngả về trưa. Ông Nguyễn Đức Minh-Bí thư Đảng ủy và ông Biên-Phó Chủ tịch HĐND xã niềm nở đón tiếp chúng tôi rồi dẫn đường về làng Kon Sơ Lal. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là ngôi nhà rông giữa làng. Mái nhà rông sừng sững, uy nghi như một chiếc rìu đặt ngược chĩa vào trời xanh. Vật liệu chính để làm nhà rông là gỗ, tre và cỏ tranh. Bên trong, một nhóm thanh niên đang nghỉ trưa. Cách đó độ hai chục bước chân là một trong tổng số 19 bể chứa nước của công trình nước tự chảy do dân làng cùng một số Mạnh Thường Quân đóng góp kinh phí, công sức làm nên.    
Nước từ bể tổng chảy về phục vụ nhu cầu sinh hoạt của dân làng. Ảnh: N.T
Nước từ bể tổng chảy về phục vụ nhu cầu sinh hoạt của dân làng. Ảnh: N.T
Trước đây, Kon Sơ Lal từng có một ngôi nhà rông được mệnh danh đẹp nhất nhì Tây Nguyên dựng bằng gỗ trắc, mái lợp cỏ tranh. Có những cây cột to hơn một vòng ôm của thanh niên lực lưỡng. Giữa năm 2015, tia sét trong cơn mưa giông đã thiêu rụi phần mái nhà rông làng Kon Sơ Lal. Khi dân làng đang buồn tiếc vì nhà rông to đẹp bị Yàng làm cháy thì có thương lái đến trả hơn 2 tỷ đồng để mua số gỗ trắc còn sót lại. Sau nhiều cuộc họp, người làng đồng ý bán số gỗ trên rồi trích hơn 1 tỷ đồng làm lại nhà rông mới, sau đó chia cho mỗi hộ dân trong làng 500 ngàn đồng, còn hơn 1 tỷ đồng là quỹ chung được gửi vào ngân hàng. Một nguồn kinh phí khác cũng được đưa vào quỹ làng là tiền Nhà nước chi trả cho dân làng nhận bảo vệ 600 ha rừng. Tiền lãi của quỹ sẽ được rút ra để phục vụ cho hoạt động chung như: hội làng, thăm người già đau yếu, hỗ trợ học sinh mồ côi, mua sắm đồ đạc, sửa chữa đường sá, cầu cống trong làng…
Nói về công trình nước tự chảy trị giá hơn 150 triệu đồng vừa được đưa vào sử dụng không lâu, ông Hyưnh-già làng Kon Sơ Lal-kể lại: “Làng từng có 2 công trình nước tự chảy do Nhà nước làm cho và cũng có nhiều nhà có giếng, nhưng cứ đến mùa khô là thiếu nước trầm trọng. Dân làng họp rồi quyết định làm công trình nước tự chảy mới. Có nhà hảo tâm hỗ trợ 4.000 m ống phi 45 và 500 m ống phi 75 cùng 1 bể inox dung tích 5.000 lít nước, làng chi thêm 145 triệu đồng tiền lãi từ quỹ chung và đóng góp hàng ngàn ngày công để làm công trình. Chúng tôi chọn một chỗ trên núi Kông Ju-nơi có suối Đak Toak chảy qua-làm điểm xây bể chứa đầu nguồn với dung tích khoảng 30 m3. Dân làng cũng đào thêm khoảng 9.000 m hào để đặt ống dẫn nước về bể tổng có dung tích 50 m3 rồi dẫn về 18 điểm lấy nước ở quanh làng”.
Trưởng thôn Khyơn tiếp lời: “Từ khi đưa công trình nước tự chảy vào sử dụng đến nay, dân làng mình mừng lắm, có đủ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nước suối chảy từ trên núi cao về nên rất sạch. Chúng tôi còn làm đường ống dẫn vào nhà rông và đặt 2 cái phuy để mọi người vệ sinh, lấy nước uống rượu ghè khi làng hội họp”.
Máy xay xát gạo được mua từ tiền quỹ đang phục vụ nhu cầu của người dân.Ảnh: N.T
Máy xay xát gạo được mua từ tiền quỹ đang phục vụ nhu cầu của người dân. Ảnh: N.T
Theo chân lãnh đạo xã Hà Tây “mục sở thị” công trình nước tự chảy của làng Kon Sơ Lal mới thấu hiểu được những vất vả của người dân trong quá trình thi công. Hơn 4,5 km đường ống dẫn nước chôn dưới đất chạy quanh co qua đồi núi, ruộng đồng đưa nước từ đỉnh núi về làng. Đường lên bể chứa đầu nguồn ở núi Kông Ju trơn trượt, lầy lội. “Để hoàn thành công trình này là sự nỗ lực, đồng lòng dân làng Kon Sơ Lal. Họ thay phiên gánh từng viên gạch, bao xi măng lên núi cao và đào hào để đặt ống dẫn nước. Dù vất vả nhưng dân làng đoàn kết một lòng, không tiếng than trách”-ông Biên chia sẻ.
Sắm ô tô, máy móc phục vụ sinh hoạt cộng đồng
Bên cạnh việc chung sức xây dựng công trình nước tự chảy phục vụ sinh hoạt hàng ngày, dân làng Kon Sơ Lal còn thống nhất trích tiền lãi của quỹ chung để mua sắm xe ô tô và máy móc, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Tất cả được bảo quản trong khuôn viên rộng khoảng 1 ha của nhà rông. 
Đầu tiên phải kể đến 2 chiếc máy xay xát lúa. Khi chúng tôi đến, những mẻ gạo trắng thơm đang chảy ra trong tiếng máy nổ xình xịch. Xát xong 2 bao gạo cho một người dân, anh Tăng vui vẻ cho hay: “Máy này được mua mấy năm rồi. Có 30 tổ tự quản do làng lập ra để thực hiện việc xay xát gạo cho bà con, mỗi tổ làm 1 ngày. Công xay xát 1 bao lúa là 10.000 đồng. Gia đình nào không trả tiền thì để cám lại, hôm sau sẽ có người của tổ tự quản mang cám đi bán. Tiền bán cám hay phí xát gạo được dùng để trả tiền điện, sửa chữa máy móc, còn dư thì góp vào quỹ làng. Nhà nào nghèo quá thì miễn phí. Cái này có ý nghĩa thiết thực, ai cũng mừng”.
Làng Kon Sơ Lal còn có 1 chiếc máy gặt, 2 máy cày là của chung. Đến thời kỳ gieo trồng, những chiếc máy nông nghiệp này quần thảo trên cánh đồng giúp dân. “Có máy móc, công việc đồng áng của người làng đỡ vất vả hơn. Như tôi có 3 sào lúa, khi vào vụ gieo trồng phải mất hơn 1 tuần để làm đất nhưng nay chỉ cần 1 buổi. Khi gặt thì đã có máy nên cũng tốn ít công hơn”-ông Hyưnh kể thêm.
Vận chuyển ống nước xây dựng công trình nước tự chảy của làng. Ảnh: N.T
Vận chuyển ống nước xây dựng công trình nước tự chảy của làng. Ảnh: N.T
Đặc biệt, đầu năm 2019, một chiếc xe ô tô 7 chỗ đời mới trị giá gần 400 triệu đồng được mua về. Chiếc xe này được mua để chở người làng bị ốm đau đi bệnh viện; đi thăm họ hàng nơi xa; mua sắm đồ đạc khi có hội làng. Trưởng thôn Kon Sơ Lal bộc bạch: “Có nhiều người bị đau ốm lúc đêm khuya được chở tới bệnh viện kịp thời. Như mới đây có ca sinh khó, nhờ có xe chở đi mà mẹ tròn con vuông. Xe phục vụ người làng thì giá rẻ hơn. Ví dụ như đi TP. Kon Tum thì hết 500 ngàn đồng, tài xế nhận 100 ngàn đồng, còn 400 ngàn bỏ quỹ, đổ xăng”.
Ngoài việc mua sắm máy móc, dân làng Kon Sơ Lal còn sử dụng tiền quỹ để làm đường giao thông giúp việc đi lại thuận tiện hơn. Cùng chúng tôi ra thăm con đường nội đồng, Phó Chủ tịch HĐND xã Hà Tây hồ hởi: “Con đường này dẫn ra khu sản xuất của làng. Ngày trước, đường nhỏ, dốc và không có cống khiến việc đi lại khó khăn. Năm trước nữa, dân làng đã trích hơn 20 triệu đồng tiền quỹ mua cống rồi xây kiên cố; thuê máy múc gạt cho rộng đường ra và hạ độ dốc. Tôi cũng được giao xây cống này đấy. Bây giờ thì đường đẹp, chở nông sản dễ dàng hơn”.
Trong bữa cơm trưa, Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây thông tin thêm: Kon Sơ Lal là làng có điều kiện kinh tế phát triển nhất và được chọn để xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Dân làng Kon Sơ Lal rất đoàn kết, chăm chỉ làm ăn, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Diện tích đất canh tác nông nghiệp của 145 hộ dân làng này lên đến hàng trăm héc ta. Người dân trồng đầy đủ các loại cây nông nghiệp. Vài năm nữa, làng Kon Sơ Lal sẽ xuất hiện rất nhiều hộ giàu cho mà xem”-ông Minh quả quyết. 
NGUYỄN TÚ-NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).