Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 3.130 ca mắc virus Adeno, 9 ca tử vong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phó GS-TS Trần Minh Điển-Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 3.130 ca mắc virus Adeno, 9 ca tử vong, tăng 2 ca so với con số báo cáo cách đây ít ngày. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện chưa phát hiện ổ dịch do virus Adeno trong cộng đồng.

Tại cuộc họp về thu dung, điều trị bệnh nhi mắc virus Adeno diễn ra chiều 3-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định virus Adeno không mới, đã lưu hành nhiều năm. Tuy nhiên virus này có khả năng gây ra nhiều bệnh khác nhau như viêm phổi, đau mắt đỏ,…và có khả năng đề kháng, chịu đựng với khí hậu hay các bề mặt nhiễm cao so với các loại virus khác như SARS-CoV-2.

Thứ trưởng Bộ y tế nhấn mạnh, vấn đề sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị rất quan trọng, nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị.

Toàn cảnh cuộc họp chiều 3-10 tại Bộ Y tế. Ảnh: Thu Trang/Báo Hà Nội Mới
Toàn cảnh cuộc họp chiều 3-10 tại Bộ Y tế. Ảnh: Thu Trang/Báo Hà Nội Mới

Phó GS, TS Trần Minh Điển-Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 3.130 ca mắc virus Adeno, 9 ca tử vong, tăng 2 ca so với con số báo cáo cách đây ít ngày. Ca bệnh có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay. Tuần từ 12-đến 18-9 chỉ ghi nhận 168 ca. Tuần qua (26-9 đến 2-10) ghi nhận gần 1.150 ca. Chỉ trong 3 tuần, viện này ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc virus Adeno. Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1-3 tuổi. Số ca mắc mới, ca nặng chưa dừng lại dù tốc độ gia tăng có dấu hiệu "đi ngang”, riêng bệnh nhân có địa chỉ tại Hà Nội ghi nhận tới 2.344 ca, tương đương 75% tổng số bệnh nhân. Ngoài ra, Bắc Ninh, Hưng Yên ghi nhận mỗi nơi 103 ca.

Báo Hà Nội Mới thông tin: Tính đến sáng 3-10, Bệnh viện Nhi Trung ương còn khoảng 300 ca mắc vi rút Adeno đang điều trị. Hiện có hơn 40 ca nặng, nguy kịch; trong đó có 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim, phổi nhân tạo); 2 ca lọc máu, 35 ca thở ô xy. 

Không chỉ gia tăng số bệnh nhân mắc Adenovirus so với các năm trước mà tỷ lệ số ca nhập viện cũng cao (chiếm trên 50% số ca phát hiện nhiễm bệnh). Trong 9 ca tử vong tại Bệnh viện Nhi trung ương liên quan đến vi rút Adeno có 4 ca mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, ung thư, viêm não, suy đa tạng…; 3 ca mắc bệnh cấp tính, đồng nhiễm các vi rút, vi khuẩn khác. Tuy nhiên, vào sáng 3-10, bệnh viện đã ghi nhận một ca tử vong 13 tháng tuổi có tiền sử khỏe mạnh, không bệnh nền. 

Tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, từ 24 đến 30-9 ghi nhận 13 ca mắc virus Adeno. Trong 9 ca đang điều trị, có 2 ca thở máy hỗ trợ. Cơ sở này sẵn sàng buồng điều trị riêng cho bệnh nhân nhiễm virus này, tránh lây lan trong điều trị.

Tại các bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Đông, tiếp nhận gần 40 bệnh nhi nhiễm virus này từ Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển về, hoặc từ các bệnh viện tư nhân...

Chăm sóc bệnh nhi mắc Adenovirus tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Thu Trang/Báo Hà Nội Mới
Chăm sóc bệnh nhi mắc Adenovirus tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Thu Trang/Báo Hà Nội Mới

Tại cuộc họp, liên quan đến việc phòng ngừa, cách ly trong bệnh viện, TS Nguyễn Trọng Khoa-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, phải phân luồng từ khu vực phòng khám. Khi chẩn đoán khẳng định trẻ mắc viurs Adeno phải có buồng điều trị riêng. Cùng với đó, vấn đề chỉ định xét nghiệm được nhiều chuyên gia nêu ý kiến và thống nhất quan điểm cần cá thể hoá từng bệnh nhân, không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, lãng phí.

Cuối giờ chiều 3-10, Hội đồng chuyên môn xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Adeno ở trẻ em tiến hành họp, dự kiến sẽ ban hành Hướng dẫn này vào ngày mai (4-10).

QUANG VĂN (tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.