Bến xe Miền Đông mới vắng khách: Xe dù, bến cóc hớt tay trên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bến xe Miền Đông mới tại TPHCM đã có hơn 100 tuyến xe khách chuyển về hoạt động. Tuy nhiên mỗi ngày bến xe chỉ đón được khoảng... 900 hành khách. Ngoài nguyên nhân hành khách cho rằng địa điểm bến xe Miền Đông mới không thuận tiện thì nguyên nhân chính khiến bến xe này vắng khách là do tình trạng xe dù, bến cóc “hớt tay trên” ngay trong nội thành và Quốc lộ 1, 13.

Trong bến xe trá hình số 397 Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: Minh Quân
Trong bến xe trá hình số 397 Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: Minh Quân
Bến xe Miền Đông mới bị “hớt tay trên”
Trưa ngày 14.10, chúng tôi ghi nhận bãi xe 397 Đinh Bộ Lĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh) - nằm đối diện bến xe Miền Đông, có khoảng 40 xe giường nằm đi các tỉnh miền trung như: Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Huế,… Bên trong bãi, hoạt động lên xuống hàng hóa diễn ra tấp nập, nhiều hành khách vào đây đón xe khách trông như một bến xe thu nhỏ, dù nơi đây chỉ có chức năng giữ xe. Phía ngoài cổng luôn có người bảo vệ, soát vé và ngay lập tức đóng cổng kín mít khi có xe, khách vừa ra vào.
Dù lực lượng chức năng nhiều lần ra quân xử lý nhưng tình trạng hoạt động đón trả khách tại bãi đậu xe 397 Đinh Bộ Lĩnh vẫn còn diễn ra, gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông khiến người dân bức xúc. “Đây có khác gì bến xe đâu, ngày nào cũng có xe khách ra vào đón trả người nườm nượp. Từ ngày xe khách trong bến xe Miền Đông cũ dời ra bến xe mới ở ngoại thành, bãi xe này càng tấp nập hơn” - ông Trung, chạy xe ông gần cổng bãi xe này nói.
Gần đó, trên Quốc lộ 13 hướng từ trung tâm TPHCM ra ngã tư Bình Phước (Thành phố Thủ Đức) cũng trở thành nơi đón, trả khách. Sáng ngày 14.10, ghi nhận tại cửa hàng xăng nằm trên Quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Phước) có 5 xe khách giường nằm đậu tại đây để đón khách. Không khí bắt khách, chuyển đồ vào xe diễn ra rất náo nhiệt không khác gì bến xe.
Tương tự, Quốc lộ 1 (từ ngã tư Bình Phước) và xa lộ Hà Nội (từ khu du lịch Suối Tiên) hướng về bến xe Miền Đông mới hàng loạt "bến cóc" bủa vây. Đơn cử tại cây xăng đối diện Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (phường Tam Bình) có đến hàng chục xe khách lần lượt dừng để đón khách. Lơ xe nhanh tay vẫy khách đã hẹn sẵn hoặc những khách đang đứng đợi xe khác ở khu vực này. Mọi hoạt động đều diễn ra rất nhanh gọn.
Trên Quốc lộ 1 đoạn trước Khu du lịch Suối Tiên, nhiều ôtô khách đang chạy nhanh, khi thấy người xách hành lý đứng chờ lập tức xi nhan tấp vào mời chào, bất chấp dòng xe chạy phía sau. Đây là điểm nhiều người thường gọi điện đặt vé trước và đến chờ xe, hoặc khách vãng lai tới đón, khi lên xe mới trả tiền vé.
Cơ quan chức năng "bó tay"?
Theo ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM), bãi xe 397 đường Đinh Bộ Lĩnh thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, vì địa điểm này được cấp phép làm bãi giữ xe chứ không phải là điểm đón trả khách. Ông Hải cho biết, tình trạng xe vi phạm, tổ chức "bến cóc xe dù" ở một số khu vực, đặc biệt đoạn từ bến xe cũ đến ngã tư Bình Phước vẫn còn tồn tại, dẫn tới việc khách ít đến bến xe Miền Đông mới.
Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, để giúp bến xe Miền Đông mới hoạt động hiệu quả, Sở đã đề nghị Công an TPHCM chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý xe dù bến cóc, xe dừng, đỗ không đúng quy định. Sở GTVT cũng đề nghị UBND quận Bình Thạnh, Thành phố Thủ Đức giám sát hoạt động tại các bến bãi, điểm đón, trả khách tự phát, kiên quyết chấm dứt hoạt động các vị trí, bến bãi hoạt động không đúng quy định. “Việc xử lý xe dù bến cóc, nhất là các bến cóc núp bóng cây xăng cần phải có sự vào cuộc của địa phương bởi Thanh tra Sở không vào cây xăng kiểm tra được" - ông Hải nhấn mạnh.
Còn ông Đàm Phan Phát - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM - cho biết, bãi xe 397 Đinh Bộ Lĩnh hoạt là bến xe trá hình đã hoạt động trong thời gian dài. Tuy nhiên theo quy định, lực lượng Thanh tra không thể tự ý vào trong khu vực bãi giữ xe này để kiểm tra, mà phải có tổ công tác liên ngành, bao gồm nhiều lực lượng, như: Chính quyền địa phương, Thanh tra GTVT, CSGT, công an quận, phường. “Hiện chúng tôi bố trí một tổ thanh tra thường xuyên túc trực gần cổng bãi xe này để, kiểm tra, xử phạt các xe khi vừa ra khỏi bãi” - ông Phát nói.
Đồng thời, Thanh tra Sở GTVT đang mở đợt cao điểm xử lý "xe dù, bến cóc" trên các tuyến đường có điểm kinh doanh vận tải khách hợp đồng, dọc quốc lộ 1, 13, khu vực Suối Tiên,... Ngoài xử phạt trực tiếp, ông Phát cho biết Thanh tra Sở còn trích xuất camera phạt nguội xe khách đậu đỗ sai quy định trên các tuyến đường quận 5, quanh bến xe Miền Đông hiện hữu. Trong 9 tháng đầu năm, Thanh tra Sở đã lập biên bản 1.355 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt gần 2 tỉ đồng, trong đó, xử lý trực tiếp 377 trường hợp với số tiền là 760 triệu đồng; xử lý qua camera 978 trường hợp với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng.
Theo ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, thống kê có hơn 100 điểm “xe dù, bến cóc”, trong đó có các điểm đón trả khách không đúng quy định do các nhà xe tự ý tổ chức. Hành khách chọn đi từ các bến cóc này có vẻ thuận tiện nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, các dịp lễ có thể xảy ra việc bỏ khách dọc đường, chở quá số người, không có bảo hiểm... nếu xảy ra sự cố.
Ông Hưng cho biết, lực lượng chức năng của TPHCM cứ xử lý xong lại tái diễn chuyện vi phạm như cũ, các nhà xe dường như đang thách thức pháp luật, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng. "Để giải quyết căn cơ hơn, Sở GTVT đề xuất phương án cấm xe khách giường nằm vào nội ô. Vành đai thiết lập theo dự kiến trùng với vành đai cấm xe tải qua thành phố như đường Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội. Trước mắt chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất hạn chế xe khách giường nằm trên 30 chỗ, ngoại trừ các xe đặc thù như xe ngành y tế, du lịch" - ông Hưng nói.
Theo Minh Đông (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.