Bất động sản hàng hiệu tấn công thị trường Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thị trường bất động sản (BĐS) đang xuất hiện thông tin quảng bá dự án hàng hiệu giá căn hộ lên đến vài chục tỉ đồng. Trên thực tế, với những loại hình BĐS này chỉ có người giàu, siêu giàu mới có thể chạm tay đến được. Các chuyên gia am hiểu trong ngành BĐS cho rằng, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các thông tin của dự án BĐS hàng hiệu và nhất là nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng với các điều khoản về thời hạn sử dụng thương hiệu để tránh bị nhầm lẫn.

Bất động sản hàng hiệu dần xuất hiện ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Cao Nguyên
Bất động sản hàng hiệu dần xuất hiện ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Cao Nguyên
Hiểu rõ về BĐS hàng hiệu
Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, dòng sản phẩm căn hộ hạng sang và siêu sang dần được nhắc đến nhiều hơn tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là ở TPHCM. Đây là một dòng sản phẩm khá mới mẻ, nhưng thu hút sự chú ý của khách hàng bởi mức giá cao, vị trí đắt đỏ, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn sống tinh hoa cao cấp của giới nhà giàu.
Giới chuyên gia đặt biệt danh cho BĐS hàng hiệu là "Sản phẩm thách thức mọi khủng hoảng" vì những đặc tính sau: Vị trí đắc địa, chất lượng xây dựng hàng đầu, thiết kế độc đáo ấn tượng, tiện ích đa dạng, dịch vụ chu đáo tận tâm, lợi ích phong cách sống và bảo chứng của một thương hiệu nghỉ dưỡng được công nhận trên toàn cầu.
Đầu năm 2021, thị trường BĐS Việt Nam xôn xao trước một dự án tại TPHCM với mô hình căn hộ hàng hiệu mới mẻ và giá cao kỷ lục 423 triệu đồng/m². Dự án BĐS hàng hiệu Grand Marina, Saigon đã chính thức ra mắt và được khách mua với giá khởi điểm là 1 triệu USD (khoảng 23,5 tỉ VND) mỗi căn. Mức giá này có thể gây ngỡ ngàng tại thị trường trong nước, nơi BĐS hàng hiệu trong đô thị (Urban branded residences) còn quá mới.
Theo đơn vị tư vấn quốc tế Savills, BĐS hàng hiệu được định nghĩa khái quát là mô hình dự án nhà ở được hợp tác giữa một thương hiệu nổi tiếng thế giới (thông thường là các công ty quản lý khách sạn có thương hiệu) và một đơn vị phát triển dự án.
Công ty quản lý khách sạn đó sẽ cấp quyền sử dụng thương hiệu của họ cho đơn vị phát triển dự án để tiếp thị và bán các sản phẩm dự án BĐS hàng hiệu. Các sản phẩm của dự án này có thể được bán cho các tổ chức hoặc cá nhân để ở hoặc sử dụng để tham gia vào các chương trình cho thuê phụ thuộc vào các tiêu chuẩn thiết kế và trang bị nội thất được xác nhận và chấp thuận bởi công ty quản lý khách sạn có thương hiệu đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu.
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, BĐS nhà ở có thương hiệu sẽ là một xu hướng xuất hiện nhiều hơn vài năm tới, mang tới thị trường loại hình nhà ở từ các thương hiệu nổi tiếng có tiêu chuẩn thiết kế, quản lý cao cấp. Tâm lý mua nhà tại thị trường Việt Nam cũng tương tự nhiều thị trường khác trên thế giới: Nhà đầu tư tìm kiếm sản phẩm có chất lượng xây dựng tốt, được quản lý vận hành chuyên nghiệp, và khả năng thương mại hóa tốt, từ đó sản phẩm có thể mang lại lợi ích kinh tế hấp dẫn cho chủ sở hữu.
Thị trường Việt Nam đang cần những thương hiệu nhà ở cao cấp như vậy. Trong thời gian tới các thương hiệu lớn này sẽ được biết đến nhiều hơn, thị trường sẽ có những phản ứng tích cực đối với loại hình sản phẩm này.
Cảnh báo BĐS hàng hiệu
Tuy nhiên, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) đã có cảnh báo về đầu tư BĐS hàng hiệu trên thị trường. HoREA cho biết, khi mua BĐS hàng hiệu hình thành trong tương lai, khách hàng đã đặt niềm tin vào đẳng cấp của sản phẩm. Trước hết là tin vào uy tín của đơn vị sở hữu thương hiệu toàn cầu của BĐS hàng hiệu (phía nước ngoài), kế đến là uy tín thương hiệu của chủ đầu tư dự án (phía trong nước).
Hiện nay tại Việt Nam, một số chủ đầu tư kinh doanh sản phẩm dự án nhà ở cao cấp hạng sang, siêu sang theo phương thức “đứng trên vai người khổng lồ” khi kết hợp với các thương hiệu nước ngoài phát triển dự án.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã hình thành những doanh nghiệp BĐS “hàng hiệu Việt Nam” như: Vingroup, Sungroup, Novaland, Him Lam, Phú Mỹ Hưng, Hưng Thịnh, Nam Long, FLC, S.S.G, Bitexco, Sơn Kim Land, CityLand, Khang Điền, Phú Long, Kiến Á, Tiến Phước, Phúc Khang, Hoà Bình, Vạn Phúc, Vinaconex, Vạn Thịnh Phát, Masterise, Sunshine và nhiều doanh nghiệp khác.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cảnh báo khách hàng, nhà đầu tư, về mặt kinh doanh thì "không có bữa ăn nào miễn phí". Để được sử dụng tên của BĐS hàng hiệu thì chủ đầu tư dự án phải trả chi phí không hề nhỏ cho đơn vị quản lý thương hiệu. Chi phí này chắc chắn được tính đủ trong giá bán nhà mà người mua nhà phải thanh toán chi phí mượn tên này, kể cả chi phí quảng bá sản phẩm ở trong nước và ở nước ngoài đều được tính đủ vào giá bán nhà.
Về thời hạn được sử dụng tên thương hiệu của HoREA hàng hiệu. Nếu do chính chủ sở hữu thương hiệu BĐS hàng hiệu là chủ đầu tư phát triển dự án, thì tên thương hiệu được sử dụng ổn định lâu dài theo dự án. Tuy nhiên, đối với dự án ở nước ta được chuyển nhượng quyền sử dụng tên thương hiệu BĐS hàng hiệu, thì thời hạn sử dụng tên thương hiệu phải theo giao kết của hợp đồng. Ví dụ trong 10 năm, 15 năm... Sau thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng thì không còn được phép sử dụng tên thương hiệu BĐS hàng hiệu này nữa.
Về chi phí quản lý vận hành dự án BĐS hàng hiệu, chủ sở hữu nhà chung cư chính là người thanh toán chi phí này, kể cả chi phí quản lý vận hành toà nhà trong giai đoạn trước khi thành lập ban quản trị nhà chung cư do chủ đầu tư dự án chi trả trước đó. Nếu chủ sở hữu BĐS hàng hiệu không thuê đơn vị quản lý vận hành đạt chuẩn của đơn vị quản lý tên thương hiệu BĐS hàng hiệu, không đảm bảo chất lượng công tác quản lý vận hành, thì tòa nhà có nguy cơ không được tiếp tục sử dụng tên thương hiệu BĐS hàng hiệu nữa.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các thông tin của dự án HoREA hàng hiệu và nhất là nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng để tránh bị nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm.
Ngoài ra, các chủ đầu tư dự án BĐS hàng hiệu giữ chữ tín, cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm, giải thích cặn kẽ hợp đồng mua bán nhà cho khách hàng và có chế độ hậu mãi đúng như cam kết để thực sự mang đến luồng gió mới BĐS hàng hiệu tại thị trường TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
CAO NGUYÊN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.