Bảo trì đường bộ: Gặp khó do kinh phí hạn hẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ kết quả giám sát công tác quản lý, sử dụng nguồn bảo trì đường bộ và nguồn vốn khác giao Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị đơn vị này tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, bảo trì đường bộ; đề xuất trung ương và địa phương bố trí ngân sách phù hợp, sát với nhu cầu thực tế.
Đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt
Theo ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT): Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 764 km. Ngoài đường Hồ Chí Minh (bao gồm 2 tuyến tránh đô thị TP. Pleiku, thị trấn Chư Sê) và quốc lộ 19, Sở GT-VT được giao quản lý các tuyến quốc lộ: 25, 14C, 19D và đường Trường Sơn Đông với tổng chiều dài 371 km. Cùng với đó, Sở còn được giao quản lý 10 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 372 km.
Trong giai đoạn 2017-2021, Sở GT-VT được trung ương phân bổ nguồn vốn gần 635,5 tỷ đồng và địa phương bố trí hơn 312 tỷ đồng để bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ; sửa chữa mặt đường bê tông nhựa hơn 835.561 m2, bê tông xi măng 14.579 m2, láng nhựa 682.234 m2, xây dựng hơn 97.000 m rãnh thoát nước, bổ sung 5.836 cọc tiêu, 1.160 biển báo, sơn kẻ đường hơn 29.480 m2… Hiện các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư hoàn chỉnh mặt đường, hệ thống an toàn giao thông và công trình thoát nước cục bộ luôn đảm bảo thông suốt.
Ông Lê Văn Hạnh khẳng định: Việc quản lý, vận hành, khai thác các công trình đảm bảo đúng mục đích sử dụng và hiệu quả. Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh trong công tác quản lý, vận hành, khai thác; lựa chọn nhà thầu có năng lực thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ do Bộ GT-VT ủy quyền và hệ thống tỉnh lộ do UBND tỉnh giao quản lý đúng quy định.
Đoàn giám sát Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại quốc lộ 19D (đoạn qua địa bàn các huyện Mang Yang, Đak Đoa và Chư Păh). Ảnh: Minh Nguyễn
Đoàn giám sát Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại quốc lộ 19D (đoạn qua địa bàn các huyện Mang Yang, Đak Đoa và Chư Păh). Ảnh: Minh Nguyễn
Từ ngày 16 đến 24-3, qua giám sát thực tế tại 10 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ do Sở GT-VT được giao và ủy quyền quản lý, bảo trì, đoàn giám sát Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh nhận định: Sở GT-VT thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân. Việc sử dụng các nguồn vốn từ quỹ bảo trì đường bộ đã phát huy hiệu quả, góp phần từng bước nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trong đó, tuyến quốc lộ 14C đã được nhựa hóa cơ bản toàn tuyến; đường Trường Sơn Đông (đoạn nối huyện Ia Pa-thị xã Ayun Pa) có chiều dài 13 km đã được thảm nhựa bê tông và hoàn thiện hệ thống thoát nước, an toàn giao thông trên tuyến; quốc lộ 25 cơ bản được nâng cấp thảm bê tông nhựa mặt đường; quốc lộ 19D được nâng cấp, sửa chữa thảm bê tông nhựa và láng nhựa mặt đường được 16 km, dự kiến đến năm 2023 sẽ nâng cấp mặt đường 29,5 km, hoàn thành toàn tuyến bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ.
Cần bổ sung nguồn vốn bảo trì đường bộ
Lưu lượng phương tiện giao thông ngày càng lớn và tình trạng xe chở hàng quá tải trọng còn xảy ra đã làm các tuyến đường nhanh xuống cấp, giảm tuổi thọ. Ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh-cho rằng: Một số tuyến đường đưa vào khai thác sử dụng đã lâu nhưng chưa được đầu tư xây dựng, nâng cấp; một số tuyến tỉnh lộ vẫn còn đoạn đường đất gây khó khăn cho việc đi lại của người dân cần được đầu tư xây dựng cơ bản; nhiều đoạn tuyến đã đến thời hạn nâng cấp cải tạo. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn hẹp nên công tác bảo trì chỉ mới đáp ứng được khoảng 45-50% nhu cầu thực tế.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Kiên-Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh-trăn trở: Theo định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ (Quyết định 3409/QĐ-BGTVT của Bộ GT-VT) thì 1 km chi phí khoảng 120 triệu đồng/năm, tính sơ bộ 10 tuyến tỉnh lộ dài 372 km là khoảng 45 tỷ đồng/năm. Thế nhưng kết quả giám sát cho thấy, tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2017-2021 chỉ có 58,2 tỷ đồng. “Đề nghị Sở GT-VT khảo sát lại nhu cầu thực tế để kiến nghị bố trí ngân sách phù hợp, sát thực tế. Bên cạnh đó, hệ thống mương thoát nước trên một số tuyến đường chỉ mới được đầu tư cục bộ, không có nắp đậy gây mất an toàn cho các phương tiện lưu thông, nhất là ở các đoạn đường nhỏ hẹp, quanh co và khu vực đông dân”-ông Kiên đề nghị.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tại đường tỉnh 661 (trên địa bàn huyện Chư Păh). Ảnh: Minh Nguyễn
Đoàn giám sát Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh tiến hành giám sát tại tỉnh lộ 661 (trên địa bàn huyện Chư Păh). Ảnh: Minh Nguyễn
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh-cho rằng: Lượng xe lưu thông ngày càng đông đúc, điều này tỷ lệ thuận với việc đường nhanh xuống cấp. “Với 10 tuyến tỉnh lộ nhưng năm 2021 chỉ bố trí 4,5 tỷ đồng thì chỉ đủ để cắt cỏ lề đường, không đủ kinh phí sửa chữa ổ gà, ổ voi, vá dặm đường cho người dân đi lại. Do vậy, Sở GT-VT cần tham mưu xây dựng tiêu chí định mức phân bổ cụ thể hàng năm, đồng thời kiến nghị bổ sung tăng nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống tỉnh lộ”-ông Vũ Tiến Anh kiến nghị.
Kết luận tại buổi họp kết thúc đợt giám sát, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị: Sở GT-VT tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, bảo trì đường bộ nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đối với những kiến nghị liên quan đến bổ sung nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống tỉnh lộ bằng nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác; đầu tư xây dựng, nâng cấp các tỉnh lộ; bổ sung biên chế và cho phép Sở GT-VT thành lập Ban Quản lý bảo trì để quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao… Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh ghi nhận và đề xuất các bộ ngành trung ương và tổng hợp trình HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất