Dù U.23 Việt Nam đã giành quyền vào vòng chung kết giải U.23 châu Á 2022 nhưng bóng đá nước nhà vẫn đang đối mặt với thực trạng đáng buồn. Đó là sự hụt hẫng của công tác đào tạo trẻ khi lứa tài năng hiện nay trình độ đang kém hơn rất nhiều so với những lứa trước.
Làm trẻ thời bóng đá bao cấp
Quá trình hội nhập và ghi dấu ấn quốc tế của bóng đá Việt Nam gắn liền với những đợt nở rộ các trung tâm đào tạo trẻ ở các địa phương. Một trong những trung tâm bóng đá lớn nhất nước là TP.HCM có đến 3 đại diện chơi ở giải vô địch quốc gia là Công an TP.HCM, Hải quan và Cảng Sài Gòn. Nguồn cung cầu thủ cho bóng đá thành phố khi đó rất dồi dào nhờ cái nôi Trường Năng khiếu nghiệp vụ cho ra lò nhiều lứa cầu thủ tài hoa.
Từ khi ra đời năm 1979, Trường Năng khiếu nghiệp vụ khởi đầu bằng lứa Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nại, Trương Văn Dưỡng, Võ Hoàng Bửu, sau đó trình làng một loạt ngôi sao như Huỳnh Đức, Minh Chiến, Đỗ Khải, Liêm Thanh, Chí Bảo… Họ ra trường được phân phối cho 3 CLB lớn của thành phố, sau đó trở thành nguồn cung cấp mạnh mẽ cho đội tuyển Việt Nam. Sau SEA Games 1991 và 1993 “làm nóng” nhờ nòng cốt cầu thủ Thể Công và các CLB phía bắc, tuyển VN bùng nổ với tấm HCB SEA Games 1995 khi mạnh dạn sử dụng lứa cầu thủ trước pha trộn với các cầu thủ của lò Năng khiếu nghiệp vụ. Ngoài ra, nhiều trung tâm bao cấp khác cũng “trăm hoa đua nở” như Đồng Tháp, Bình Định, SLNA, Đà Nẵng, Khánh Hòa... cùng với Thể Công là đầu tàu.
“Thời đó nhiều lãnh đạo mê bóng đá, sẵn sàng xỏ giày vào sân chơi bóng nên nắm rất chắc tình hình, hễ ở dưới bóng đá có gì là họ nắm được ngay và xử lý luôn. Mặc dù cơ chế bao cấp nhưng địa phương, ngành nào dám đầu tư, dám làm bóng đá, chăm chút lứa trẻ sẽ có cơ hội phát triển”, nguyên Phó tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Dương Vũ Lâm chia sẻ.
|
Tiền vệ tài hoa Tuấn Anh được rèn kỹ năng chơi bóng cùng HLV Guillame Graechen từ nhỏ. Ảnh: Minh Trần |
Khi giải vô địch quốc gia chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp V-League từ năm 2000, đào tạo trẻ Việt Nam thực tế không cải thiện nhiều, bất kể chức vô địch AFF Cup 2008. Thực tế bóng đá Việt Nam tuột dốc vì mô hình bao cấp với 100% hệ thống đào tạo trẻ được nuôi bởi các bầu sữa nhà nước đã không còn đủ sức kham. Càng về sau này, khi V-League trở thành “cối xay tiền” thì nhiều địa phương hụt hơi và chấp nhận thả trôi, nhìn nền bóng đá địa phương rơi dần xuống các hạng dưới. Khâu đào tạo trẻ vì thế cũng bị bỏ mặc khiến nhiều cái nôi có truyền thống đã mai một như An Giang, Đồng Tháp, Bình Định, Huế, Khánh Hòa... thậm chí cả nơi được xem có nhiều tiền như Đà Nẵng. Từng bước, người ta chứng kiến sự tan rã và lùi lại phía sau lịch sử khi một loạt “đoàn bóng đá” bị giải thể khiến bài toán đào tạo trẻ được đặt vào tình trạng báo động.
Cú hích từ bóng đá tư nhân
Bước ngoặt lịch sử của bóng đá Việt Nam diễn ra từ năm 2007 đến từ bầu Đức với quyết định “bạt” 5 ha cao su đang tuổi đẹp nhất để mở Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG. Ông lắng nghe lời khuyên của HLV huyền thoại Arsene Wenger hủy ý định đốt tiền vào tập huấn và đá giao hữu với đội 1 Arsenal, thay vào đó tập trung để xây dựng hệ thống đào tạo trẻ tiếp cận trình độ thế giới. Kéo sau đó, những ông bầu mạnh mẽ và có tâm huyết khác cũng lên tiếng với sự xuất hiện của một loạt “lò”: Hà Nội của bầu Hiển, PVF (bầu Vượng), VST (anh em Văn Sỹ Hùng - Văn Sỹ Thủy) hay sau này là Scavi, NutiFood (bầu Hải), Lyon và Juventus. Bầu Đức đã làm thì quyết liệt, chấp nhận không chạy theo thành tích V-League để tập trung đào tạo nguồn trẻ bài bản riêng cho mình. Viettel cũng tiếp bước với mô hình đào tạo trẻ khép kín từ đầu tới cuối, xuyên suốt phong cách với đội 1. PVF ghi dấu ấn lịch sử bằng chính sách chỉ cho đi không nhận lại: không lập đội thi đấu đỉnh cao, sau khi đào tạo cầu thủ trẻ khép kín sẽ cho các CLB trong nước. CLB Hà Nội uyển chuyển hơn khi phối hợp với các lò đào tạo trẻ, sẽ bốc những Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Thành Chung... lên đội 1 khi họ cứng cáp. Khá nhiều nơi cũng áp dụng mô hình công - tư phối hợp khi nhà nước nuôi dạy các em từ nhỏ tới 15 - 17 tuổi trước khi bàn giao cho các ông bầu và CLB chuyên nghiệp.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương chỉ ra: “Chúng ta đã có bước tiến về đào tạo trẻ khi có sự quan tâm, đầu tư cho mảng này và có nhiều cách làm đổi mới với những mô hình tiêu biểu là HAGL JMG, Viettel, PVF. Nhưng hạn chế của công tác đào tạo trẻ Việt Nam là chưa có hệ thống xuyên suốt và thống nhất. Mỗi CLB tự mày mò, phát triển và áp dụng làm theo kiểu riêng của mình. PVF thuê chuyên gia nước ngoài đến làm, họ giỏi nhưng chưa thể hiểu bóng đá Việt Nam. HAGL thì kết hợp với lò đào tạo tư nhân JMG với phương pháp đào tạo, tuyển chọn hiện đại, văn minh. Sản phẩm của HAGL có đạo đức tốt, kỹ năng và tư duy chơi bóng hiện đại nhưng hạn chế về thể hình, thể lực. Viettel có lứa của Hoàng Đức, Đức Chiến, Trọng Đại, Thanh Hào... nhưng vẫn còn mày mò hoàn thiện. CLB Hà Nội sau lứa Quang Hải vài năm gần đây có dấu hiệu chững lại, vắng mặt ở một số vòng chung kết trẻ. Lò trẻ của Bình Dương cũng được đầu tư, nhưng hiệu quả chỉ mới mức độ trung bình khi lứa đầu ngoài Tiến Linh thì Dũ Đạt, Duy Khánh, Trọng Huy, Anh Tỷ... chỉ mới trung bình khá. Điểm phong phú là “trăm hoa đua nở” nhưng số lượng ít và hiệu quả không cao vì thiếu tính đồng bộ.
Đáng buồn hơn là việc cả miền Nam bây giờ “trắng” bóng đá trẻ khi những cái nôi như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang... thậm chí đã không còn cầu thủ lên tuyển trẻ quốc gia. Chất lượng từng lò tăng lên nhưng số lượng trung tâm bóng đá trẻ lại thu hẹp lại. Đây là điều tất yếu khi “nước chảy chỗ trũng”. Hạn chế lớn nhất của chúng ta là tuổi đào tạo quá trễ, từ 11 - 13, trong khi thế giới.và một số nước khu vực các em từ 8 - 10 tuổi đã bắt đầu được đào tạo. Thậm chí tại Đức các trung tâm đã săn tìm học viên từ 6 - 7 tuổi. (còn tiếp)
Không thầy đố mày làm nên “Thành công của HAGL gắn liền với HLV Guillaume Graechen hoặc CLB Hà Nội có lứa cầu thủ trẻ gom hết huy chương gắn liền với HLV Phạm Minh Đức, Nguyễn Đức Thắng. Điều này cho thấy chỉ có thầy giỏi mới đào tạo ra trò giỏi được. Ngoại trừ một số trung tâm lớn như HAGL, PVF, Viettel, Hà Nội... có HLV trẻ được đào tạo bài bản đáp ứng được yêu cầu của bóng đá hiện đại, thực tế rất nhiều lò khác, kể cả nơi có truyền thống như SLNA, Đà Nẵng... đến lúc này vẫn rất thiếu thầy có chất lượng”, chuyên gia Đoàn Minh Xương bày tỏ. |
Chưa tạo cú hích từ bóng đá cộng đồng Trên thế giới, bóng đá trường học như ở Nhật Bản, Hàn Quốc và bóng đá đường phố như ở Brazil và các nước châu Mỹ chính là một trong những cái nôi hiệu quả nhất để ươm mầm sự đam mê và chắp cánh cho nhiều tài năng phát triển mạnh trong tương lai. Tại Việt Nam, khi mà bóng đá trường học còn chưa được quan tâm thì rất nhiều trung tâm bóng đá cộng đồng do các cựu danh thủ thành lập đã hoạt động sôi nổi trên khắp mọi miền đất nước. Nói như cựu danh thủ Lưu Ngọc Hùng thì đây có thể xem là nguồn bổ sung sinh lực khá tốt cho bóng đá Việt Nam. Ông Hùng nói: “Bóng đá cộng đồng khác với các lò đào tạo chính quy khi hoạt động chính của chúng tôi là nuôi dưỡng tình yêu bóng đá của các em và phát hiện ra các em có năng khiếu, từ đó giới thiệu cho những trung tâm đào tạo của các CLB V- League hay hạng nhất để lứa tài năng sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều hơn”. Còn cựu tuyển thủ Phan Thanh Bình nhấn mạnh: “Khi lập ra các trung tâm cộng đồng, trước hết chúng tôi muốn tạo sân chơi giúp các em được vui đùa thỏa thích với trái bóng, tăng cường sức khỏe và giao lưu với nhau sau những giờ học văn hóa. Thông qua sự rèn luyện đó, chúng tôi cũng rất muốn kết nối với các trung tâm đào tạo lớn để hình thành chân đế cho bóng đá Việt Nam. Nhưng thực tế đến nay vẫn còn nhiều nơi xem nhẹ vai trò của bóng đá cộng đồng nên chưa tạo cú hích mạnh cho công tác đào tạo trẻ”. T.K (ghi) |
Theo Tiểu Bảo (TNO)