Trước thềm Tết Nguyên đán 2022, cùng lắng nghe trải lòng của những bạn trẻ theo nghề hướng dẫn viên du lịch qua một năm đại dịch và những mong ước trong năm mới.
Thất nghiệp, chuyển nghề vì dịch
Trong năm 2021, ngành du lịch gần như bị đóng băng vì đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Điều này khiến các bạn trẻ làm hướng dẫn viên du lịch chịu cảnh “treo chân”.
Nguyễn Thị Xuân Hà (23 tuổi, quê Bình Thuận) cho biết trong năm 2021, cô chỉ đi làm được 5 tháng đầu năm, nhưng hầu như những tháng ấy khá vắng tour vì hè mới là mùa cao điểm.
Nữ hướng dẫn viên du lịch mắc kẹt tại TP.HCM trong 4 tháng vì giãn cách xã hội. Kể từ đầu tháng 10, khi TP.HCM từng bước nới lỏng biện pháp giãn xã hội, Hà mới có thể về quê phụ giúp gia đình. “Sau tết, tôi sẽ trở lại thành phố xin việc hoặc tìm một công việc khác ổn định hơn”, Hà chia sẻ.
Xuân Hà trong một chuyến đi. Ảnh: NVCC |
Đồng cảnh ngộ, Hồ Thị Kiều Ngọc (23 tuổi, hướng dẫn viên tour nội địa tại công ty Tourify Travel) phải chuyển sang viết nội dung và cộng tác với các tờ báo để kiếm thêm thu nhập. Ngọc chia sẻ: “Tôi cũng phải dần thích nghi với cuộc sống có dịch. Làm ít tiền thì tiêu xài ít hơn, không lãng phí như trước và học được nhiều hơn từ đại dịch này”.
Kiều Ngọc học thêm một số kỹ năng mong sẽ có những bước tiến mới khi trở lại công việc. Ảnh: NVCC |
Tương tự, nhiều bạn trẻ làm ngành du lịch cũng phải tìm những công việc khác để trang trải cuộc sống.
Chẳng hạn, Trương Kính Trí (22 tuổi, hướng dẫn viên tiếng Trung tự do) làm việc tại cửa hàng tiện lợi, văn phòng để chờ ngày du lịch khởi sắc.
Dù trải qua một năm đầy khó khăn nhưng Trí cảm thấy may mắn khi được nhận lại nhiều tìm cảm từ người thân và bạn bè. “Trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, người thân và các anh chị luôn hỗ trợ và san sẻ lương thực, thực phẩm để chóng đói. Tôi cảm thấy biết ơn vì còn cơ hội được sống, học tập và đi trải nghiệm thêm nhiều địa phương trên quê hương”, Trí kể.
Kính Trí mong ngành du lịch sẽ sớm trở lại. Ảnh: NVCC |
Mong có thêm chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch
Cũng chọn rẽ hướng đi khác, Huỳnh Phú (24 tuổi, ở TP.HCM) tạm ngưng công việc hướng dẫn viên mà anh đã gắn bó suốt 3 năm qua và chuyển sang ngành bất động sản.
Huỳnh Phú (bên phải) trong một chuyến đi. Ảnh: NVCC |
Phú cho rằng những người làm việc trong ngành du lịch như anh bắt buộc phải chuyển việc để có thể ổn định cuộc sống. Anh bày tỏ: “Nhìn lại một năm đầy khó khăn vì dịch bệnh, tôi mong rằng sẽ có thêm chính sách đãi ngộ và quyền lợi cho người hướng dẫn viên du lịch”.
Ngoài ra, Phú cũng nhận định rằng việc chuyển việc hiện nay có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành du lịch vào thời gian sắp tới. “Vì khi các bạn, anh chị chuyển việc rồi gắn bó với công việc ấy thì sẽ ngại, không muốn trở lại công việc du lịch nữa, vô tình tạo nên sự thiếu hụt cho ngành du lịch”, Phú lý giải.
Khép lại một năm Tân Sửu đầy khó khăn, biến động, các bạn trẻ làm nghề hướng dẫn viên du lịch hy vọng ngành du lịch sẽ trở lại mạnh mẽ trong năm mới Nhâm Dần. Trương Kính Trí bày tỏ: “Tôi hy vọng ngày du lịch sẽ phục hồi và tôi mong sớm được tham gia các tour quốc tế”.
Trong khi đó, Hồ Thị Kiều Ngọc tận dụng thời điểm nghỉ dịch để học thêm một số kỹ năng, trau dồi kiến thức để khi quay lại với nghề hướng dẫn viên du lịch.
Theo Thái Duy (TNO)