Bám trụ, phát triển trong gian khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đoàn Địa chất 701 (nay là Đoàn Tài nguyên nước Bắc Tây Nguyên) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với Đoàn trưởng LÊ VĂN HẠNH xung quanh nội dung này.

* P.V: Ông có thể cho biết những kết quả mà Đoàn Tài nguyên nước Bắc Tây Nguyên đã đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ suốt 40 năm qua?

 

 

- Ông LÊ VĂN HẠNH: Chức năng, nhiệm vụ chính của Đoàn Tài nguyên nước Bắc Tây Nguyên là: thi công các nhiệm vụ quy hoạch; điều tra cơ bản tài nguyên nước trên phạm vi hoạt động của Liên đoàn; cung cấp các dịch vụ công về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh. Theo đó, Đoàn đã triển khai các hoạt động như: phân bố nguồn nước; quy hoạch bảo vệ sử dụng tổng hợp, phát triển tài nguyên nước và quy hoạch phòng-chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; tham gia thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước (lập bản đồ đặc trưng lưu vực sông; bản đồ địa chất thủy văn; bản đồ tài nguyên nước, chất lượng nguồn nước, các bản đồ chuyên đề về tài nguyên nước); đánh giá, phân loại các nguồn nước; tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, nhiễm mặn, các tác hại do nước gây ra; xác định khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; dòng chảy tối thiểu trong sông, ngưỡng khai thác đối với các tầng chứa nước, khu vực vùng cấm hoặc hạn chế khai thác nước; khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất; kiểm kê tài nguyên nước, điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; xác định và xây dựng hành lang bảo vệ các nguồn nước; đánh giá khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước; quản lý và vận hành hệ thống quan trắc vùng Bắc Tây Nguyên...

40 năm qua, Đoàn Tài nguyên nước Bắc Tây Nguyên đã hoàn thành nhiều đề án, dự án, đề tài khoa học-công nghệ Nhà nước giao, đề tài khoa học-công nghệ cấp tỉnh. Cụ thể là: thành lập các bản đồ địa chất thủy văn, địa chất công trình tỷ lệ 1/200.000 trên các vùng thuộc các tỉnh Bắc Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Các bản đồ này là những tài liệu đã được lưu trữ ở Liên đoàn. Đây là tài liệu cơ bản rất quan trọng, là cơ sở khoa học phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng, miền.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đoàn đã thực hiện thành công nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh về việc đánh giá tiềm năng tài nguyên nước các huyện, thị xã thuộc các tỉnh Gia Lai và Kon Tum đạt hiệu quả chất lượng cao. Tìm kiếm khoan cấp nước cho các huyện, thị xã Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên được lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa…  đánh giá cao về vai trò trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm cộng đồng góp sức vào việc giải quyết khó khăn cho vùng dân cư đặc biệt thiếu nước sinh hoạt.

Mạng lưới quan trắc quốc gia tài nguyên nước ở Tây Nguyên được thiết lập từ năm 1991 và đã vận hành quan trắc liên tục từ đó đến nay với 212 trạm. Kết quả quan trắc đã được cập nhật, chỉnh lý, tổng hợp, thường xuyên thông báo đến Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh, đồng thời dự báo, cảnh báo về sự thay đổi của nước dưới đất trong các tháng mùa khô, giúp các địa phương chủ động hơn trong việc đối phó khắc phục hạn hán, mưa lũ.

Trong quá trình điều tra thành lập bản đồ địa chất thủy văn và thăm dò nước khoáng tại các địa phương đã phát hiện thêm nhiều nguồn mới, tiến hành thăm dò một số nguồn nước khoáng nóng như suối ngầm đôi TP. Đà Nẵng, Trà Bồng (Quảng Ngãi)... Tìm kiếm, thăm dò đá vôi vùng Chư Sê; sét gạch ngói vùng Kon Tum; fenspat, diatomit vùng Kon Tum… với tổng trữ lượng hàng triệu tấn, các mỏ này đang được địa phương khai thác.  

* P.V: Hiện nay, Đoàn đang thực hiện các nhiệm vụ gì nhằm đẩy mạnh công tác quy hoạch và điều tra tài nguyên nước, quan trắc tài nguyên nước vùng Tây Nguyên,  thưa ông?

 

 Khảo sát địa chất công trình phục vụ xây dựng.
Khảo sát địa chất công trình phục vụ xây dựng.

- Ông LÊ VĂN HẠNH: Đoàn đang triển khai công tác quan trắc tài nguyên nước vùng Tây Nguyên với các đề án/dự án: Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn-TP. Buôn Ma Thuột; biên hội-thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh toàn quốc (Đoàn thực hiện vùng Gia Lai-Kon Tum-Nam Đông (tỉnh Quảng Nam) và các tỉnh Trung Trung bộ);  điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng cao, vùng khan hiếm nước.

Nhìn chung chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch và điều tra tài nguyên nước ngày một nâng cao hơn, công nghệ thông tin, các phần mềm chuyên ngành đã được ứng dụng có hiệu quả trên tất cả lĩnh vực công tác…

Về lĩnh vực hợp tác quốc tế-khoa học công nghệ, những năm gần đây, Đoàn tích cực triển khai các hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quốc tế với tổ chức Jica của Nhật Bản về điều tra tài nguyên nước dưới đất cho các vùng thiếu nước như huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), huyện Đak Hà (tỉnh Kon Tum).

* P.V: Việc thực hiện các nhiệm vụ đề án, dự án đề tài khoa học-công nghệ cấp Bộ, cấp cơ sở và cấp tỉnh cũng như các hoạt động dịch vụ được Đoàn thực hiện ra sao, thưa ông?

- Ông LÊ VĂN HẠNH: Hoạt động dịch vụ được Đoàn chú trọng, quan tâm tập trung vào các lĩnh vực: tài nguyên nước; điều tra cơ bản về địa chất thủy văn; đánh giá tài nguyên nước; tìm kiếm, thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất; điều tra địa chất môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước; khảo sát địa chất công trình phục vụ xây dựng, giao thông thủy lợi, thủy điện...; tìm kiếm nước khoáng, than bùn, vàng, diatomit; thăm dò vật liệu xây dựng trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh lân cận của nước bạn Lào, Campuchia; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học... Doanh thu dịch vụ những năm gần đây của Đoàn đạt từ 5 tỷ đồng đến 7 tỷ đồng/năm; thực hiện tốt nghĩa vụ trích nộp ngân sách nhà nước.

Công tác điều tra gắn liền với hoạt động dịch vụ khoan nước, khoan địa chất công trình đã góp phần tích cực vào việc giải quyết nhu cầu về nước ở các thành phố: Pleiku, Kon Tum…các thị trấn, thị tứ, hàng chục bệnh viện, trường học, các đơn vị quân đội, đồn biên phòng, các cơ quan, đơn vị, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng khan hiếm nước, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn hoạt động của  Đoàn. Kết quả hoạt động dịch vụ công không những có ý nghĩa về kinh tế, tạo thu nhập và nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên mà còn có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh tại Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, được các địa phương đánh giá cao.

Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân viên cũng không ngừng được cải thiện, mức thu nhập bình quân của người lao động năm 2010 đạt 5,7 triệu đồng/tháng, năm 2015 đạt trên 7,8 triệu đồng/tháng; viên chức và người lao động có việc làm, quyền lợi đảm bảo. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chế độ chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Liên đoàn được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ.

Những thành quả lao động, sáng tạo trong quy hoạch và điều tra tài nguyên nước, trong nghiên cứu khoa học của Đoàn suốt 40 năm qua là kết quả của sự phấn đấu liên tục không mệt mỏi của tập thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên qua các thời kỳ.

* P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Duy Danh (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm