(GLO)- Chậm, gia hạn, điều chỉnh giá… là những việc phải làm để những dự án giao thông đã triển khai chấm dứt cảnh dở dang, dang dở. Song với mỗi công trình chậm tiến độ, ngoài những vướng mắc mang tính khách quan thì cũng còn nhiều khúc mắc của các bên liên quan.
Tỉnh lộ 663, 2 xe khó tránh nhau. Ảnh: H.D |
Hầu hết các công trình giao thông bị chậm tiến độ dẫn đến phải điều chỉnh thời gian, mức đầu tư. Nguyên nhân có phần giải phóng mặt bằng. Hai dự án xây dựng cầu bắc qua suối Kram và cầu Công viên Văn hóa các dân tộc chậm tiến độ đều do công tác giải phóng mặt bằng quá chậm. Từ đó, giá nguyên-vật liệu, nhân công, ca máy đã thay đổi và đội lên chóng mặt khiến nhà thầu không thể kham nổi.
Đây là một phần nguyên nhân khiến công trình cầu Công viên văn hóa các dân tộc ban đầu có tổng mức đầu tư 19,58 tỷ đồng, đến ngày 4-11-2010 được điều chỉnh lên 28,453 tỷ đồng. Và hiện tại, tổng mức đầu tư đề nghị điều chỉnh lên gần 35 tỷ đồng. Với cầu bắc qua suối Kram, ông Đinh Màu-Giám đốc Công ty TNHH Trung Kiên, đơn vị thi công cho hay: “Hiện dự án trượt giá đến 4 tỷ đồng. Lỗi này không phải do chúng tôi nên chúng tôi chờ tỉnh điều chỉnh mới có thể tiếp tục thi công công trình”. Rõ ràng lỗi này thuộc về chính quyền địa phương. Sự thiếu quyết đoán, quyết liệt trong khâu giải phóng mặt bằng đã dẫn tới những vướng mắc, hạn chế tiếp theo.
Còn trách nhiệm thuộc về nhà thầu. Sự “mù mờ” về năng lực cũng như phần nào dễ dãi trong lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư đã tạo cơ hội cho những nhà thầu không đủ năng lực trúng thầu những dự án lớn. Chỉ trong quá trình thi công nhà thầu mới bộc lộ hết những yếu kém của mình. Minh chứng cụ thể là Công ty TNHH Hoàng Nhi-đơn vị thi công công trình đường 663.
Dự toán công trình lập năm 2009, hợp đồng xây dựng theo kiểu trọn gói nên không phù hợp nếu kéo dài thời gian thi công, sẽ chịu nhiều biến động do trượt giá. Nhưng sự yếu kém trong năng lực của nhà thầu về vốn, nhân lực, thiết bị mà không thể chủ động khiến công trình không thể đảm bảo đúng tiến độ. Đơn vị tư vấn cũng phải chịu trách nhiệm khi đã không khảo sát kỹ địa chất nơi xây dựng công trình. Điều đó khiến công trình cầu bắc qua sông Ba gặp khó khi quá trình thi công gặp phải tầng địa chất phức tạp.
Không thể không đề cập đến trách nhiệm của chủ đầu tư. Tại buổi họp tổng kết của Đoàn giám sát HĐND tỉnh sau đợt giám sát các dự án giao thông chậm tiến độ do Sở Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư, ông Rah Lan Tuấn-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhận định “Trách nhiệm của chủ đầu tư chính là sự chậm trễ đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ khiến có dự án phải gia hạn đi gia hạn lại, rồi thời gian kéo dài khiến nguyên-vật liệu, nhân công… bị trượt giá, có công trình bị trượt giá quá lớn, đến gần 50%, phải điều chỉnh”.. Trong cuộc họp gần đây nhất giữa các cơ quan chức năng và UBND tỉnh về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư cũng như tháo gỡ khó khăn cho các công trình giao thông chậm tiến độ, trước mắt, chủ đầu tư tập trung hoàn thành kế hoạch để giải ngân hết vốn năm 2013, riêng phần điều chỉnh sẽ được bố trí vào năm 2014.
Yêu cầu đặt ra và cũng là mong muốn lớn nhất của chính quyền và nhân dân các địa phương là các công trình này nhanh chóng hoàn thành. Muốn vậy, phải nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý đầu tư xây dựng công trình. Việc thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ đối với các dự án theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình hiện hành của Nhà nước phải được tăng cường hơn nữa. Chủ đầu tư phải xây dựng, đào tạo đội ngũ làm công tác quản lý đầu tư bảo đảm đủ năng lực. Phải nghiêm khắc buộc đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về chất lượng dịch vụ tư vấn như khảo sát, lập dự án, thiết kế...
Sự minh bạch, sự ràng buộc chặt chẽ bởi các điều khoản thưởng, phạt nghiêm minh trong hợp đồng, đồng thời xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên là đòi hỏi có tính tất yếu, nhằm bảo đảm tính hiệu quả và khả thi của dự án để công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Hà Duy