(GLO)- Mặc dù chịu nhiều sức ép từ dư luận về việc xăng dầu liên tục giảm giá nhưng các doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn trù trừ không chịu giảm giá cước. Mãi đến khi xăng giảm thêm 600 đồng vào 2-7 (tổng cộng mức giảm là 3.200 đồng/lít) thì DN taxi mới chịu “nhúc nhích” nhưng các loại hình vận tải khác vẫn “án binh, bất động”.
Theo ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, ngày 21-6 (lần thứ 4 liên tiếp xăng dầu được điều chỉnh giảm giá, với tổng mức giảm giá xăng là 2.600 đồng/lít), Sở đã gửi công văn đến các DN taxi trên địa bàn đề nghị tính toán lại phương án giá theo giá xăng dầu hiện hành. “Bởi trên thực tế phương án giá mà các doanh nghiệp taxi đang áp dụng được thực hiện từ tháng 4-2012 (thời điểm giá xăng dầu chưa giảm) và đến nay sau 5 lần xăng dầu giảm giá với tổng cộng mức giảm là 3.200 đồng/lít thì việc điều chỉnh giảm giá cước taxi là điều phải làm ngay”-ông Quế nhấn mạnh.
Cước vận tải chưa chịu giảm theo giá xăng dầu. Ảnh: L.L |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 DN kinh doanh vận tải bằng taxi (chỉ tính những doanh nghiệp có đăng ký) với gần 400 đầu xe, gồm: Hùng Nhân, Huy Hoàng và Mai Linh. Mặc dù giá xăng liên tục giảm thế nhưng các hãng taxi vẫn kéo dài thời gian đưa ra quyết định giảm giá. Ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Chi nhánh taxi Mai Linh tại Gia Lai cho biết: “Tập đoàn đã quyết định giảm giá 200-500 đồng/km tùy từng địa phương. Tuy nhiên, phải vài ngày tới mức giá này mới được áp dụng vì còn liên quan đến công tác kiểm định và kẹp chì đồng hồ”. Trong khi đó, hãng taxi Hùng Nhân cũng vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể về việc giảm giá.
“Doanh nghiệp đang tính toán phương án giảm giá theo tỷ lệ giảm giá xăng dầu. Khoảng 1 tuần nữa doanh nghiệp mới áp dụng giá mới vì phòng khi giá xăng có thể tiếp tục dao động”- ông Nguyễn Đình Hùng-Giám đốc hãng taxi Hùng Nhân cho hay.
Trước tình hình giá xăng dầu liên tục giảm, ngày 29-6-2012, Sở Giao thông-Vận tải đã ban hành Công văn số 1185/SGTVT-KHVT gửi đến các DN kinh doanh vận tải bằng taxi trên địa bàn đề nghị các DN taxi thực hiện xây dựng lại phương án giá theo giá xăng dầu hiện nay và thực hiện kê khai, niêm yết đúng quy định. Công văn cũng yêu cầu các DN trên phải gửi lại phương án kê khai giá mới gửi về cơ quan quản lý trước ngày 5-7-2012. |
Như vậy, trong khi chờ đợi các doanh nghiệp taxi áp dụng biểu giá mới thì khách hàng vẫn phải chịu thiệt. Trong khi đó, đối với những người đi xe khách thì cơ hội giảm giá vé rất khó xảy ra. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có hãng xe khách nào đăng ký giảm giá vé. Chủ một hãng xe khách chạy tuyến Pleiku-TP. Hồ Chí Minh phân tích: “Với mức giảm 200 đồng/lít đối với dầu diezel (vào ngày 2-7) thì chi phí nhiên liệu một chuyến xe đi TP. Hồ Chí Minh giảm được 80.000 đồng, nếu chia trên đầu hành khách (trung bình 38-40 người), mỗi vé giảm được 2.000 đồng-quá ít để lập phương án giảm cũng nhưng thực hiện các thủ tục đăng ký và in ấn vé…”.
Ông Nguyễn Đức Hùng-hành nghề xe ôm tại TP. Pleiku cũng cho rằng: “Một ngày chở khách giỏi lắm cũng chỉ hết 1-2 lít xăng, nếu đoạn đường ngắn chỉ hết chút xíu xăng thì làm sao mà giảm. May ra có khách chạy đường xa chẳng hạn như lên Kon Tum thì mới hết 1 lít, tính ra cũng chỉ giảm được vài trăm đồng”. Và cũng với kiểu lý luận trên, nhiều chủ xe tải cũng cho rằng giá cước vận tải hàng hóa khó giảm vì còn phụ thuộc vào lượng hàng, thời điểm và kể cả chi phí trên đường.
Cước vận tải hiện nay là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên việc giảm giá cước theo xăng dầu vẫn là một bài toán đòi hỏi cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và bản thân các DN vận tải cần có phương án giá phù hợp, chia sẻ khó khăn với người dân trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Lê Lan