(GLO)- Cứ ngỡ sự phong phú, tiện lợi của thời trang may sẵn sẽ hiếm người phải tìm đến nhà may truyền thống. Song, các nhà may cũng kịp bắt nhịp với xu hướng thời trang và “sống khỏe” với lượng khách hàng đông đảo.
Nếu khách hàng mang vải đến những nhà may có tiếng như Hà Lan, Liễu Nhỏ, Hoài Thương, Tâm Anh, Việt Tân… chắc chắn sẽ nhận được cái hẹn “Một tháng nữa lấy đồ”, thậm chí là 2 tháng nếu là mùa cao điểm như Tết hoặc đầu năm học mới. Dù mỗi nhà may có tới hàng chục thợ nhưng luôn trong tình trạng làm không hết việc.
Theo kịp xu hướng
Là “tín đồ shopping”, đồng thời sở hữu tủ quần áo với đủ thương hiệu thời trang khiến nhiều người mơ ước, nhưng chị Như Hà-đường Phan Bội Châu vẫn thường xuyên tìm đến nhà may. Lý giải cho việc này, chị nói: “Nhiều mẫu thiết kế của các thương hiệu nổi tiếng thế giới mình không có khả năng mua hoặc đặt mua không có, vì thế đi “lùng” vải có họa tiết gần giống, copy mẫu thiết kế đến thợ may nhái lại”. Đây cũng là lý do khiến nhiều “tín đồ thời trang” tìm đến các nhà may.
Dù thị trường hàng may sẵn phong phú, đa dạng nhưng nhiều người vẫn thích tìm đến nhà may. Ảnh: N.B |
Tuy nhiên, để may nhái các thiết kế này đòi hỏi thợ may là những người vững tay nghề, nhanh nhạy với các mẫu thiết kế mới. Vì vậy, nhà may nào làm vừa lòng “Thượng đế” sẽ nhanh chóng được biết tới. Phải theo kịp với xu hướng, thị hiếu của khách, các nhà may cũng phải cạnh tranh ngầm để giữ khách hàng. Nếu nhà may Trâm Anh mạnh về các mẫu đầm, áo vest, thì nhà may Hoài Thương, Hà Lan lại mạnh với trang phục công sở, áo kiểu … “Những thợ may không tên tuổi, mở tiệm không ai biết tới đành chấp nhận làm thợ cho những nhà may lớn. Đó là quy luật tất yếu bởi bây giờ phần đông khách hàng may đo là những người kỹ tính trong cách mặc. Muốn làm vừa lòng họ buộc mình không ngừng nâng cao tay nghề. Thợ may hiện tại của chúng tôi phần đông là những người học may “chính thống” ra nhưng mở tiệm thất bại”-chủ nhà may Tuyết-đường Nguyễn An Ninh bộc bạch.
Người đẹp vì lụa
“Đây là thời buổi nhìn bề ngoài để đánh giá nhau nên không thể xuề xòa trong cách mặc. Nhất là những người làm ăn như chúng tôi. Đồ may sẵn bán nhiều ở các shop thời trang cao cấp nhưng nhiều khi tôi vẫn phải đi may đồ để phù hợp với mục đích công việc. Chẳng hạn phụ nữ ở độ tuổi 40-50 như tôi rất khó tìm một bộ vest lịch lãm để đi gặp gỡ khách hàng, nên buộc phải đi may dù rất mất thời gian”-một nữ doanh nhân ở TP. Pleiku chia sẻ. Chị Nghĩa Bình-giáo viên một trường cấp III cũng có lý do chính đáng: “Mặc đẹp còn là cách định hướng thẩm mỹ cho học sinh. Với đồng lương giáo viên như chúng tôi không đủ khả năng để mặc hàng cao cấp, còn mặc đồ bình dân thì không được sang trọng nên đi may là lựa chọn phù hợp”.
Lại có khách hàng khá đặc biệt khi đi may đồ chỉ vì “nghiện may” hoặc vì bất khả kháng. Chủ nhà may Hoài Thương kể: “Chúng tôi có những khách hàng rất lạ. Có một nữ doanh nhân trên lĩnh vực thủy điện là khách quen của chúng tôi, mỗi lần may thường may cả chục bộ, thậm chí có lần may một lúc 10 bộ vest màu đen kiểu dáng y hệt nhau. Hay có người may một lần cả vài chục bộ đồ. Lúc tới lấy đồ, họ cũng chẳng cần quan tâm đẹp, xấu thế nào, cứ thế mang về. Ngoài ra, nhiều phụ nữ sau khi sinh bỗng dưng phát tướng hay những người béo phì lâu năm không thể tìm mua quần áo vừa size cũng tìm đến may đo những trang phục vừa khổ người”.
Nhiều năm trở lại đây, các các cơ quan… có xu hướng mặc đồng phục. Nhà may thêm “đắt hàng” với khách hàng số đông dạng này. “Mỗi năm chúng tôi có vài hợp đồng may đồng phục công sở, mỗi lần từ 100 tới vài trăm bộ. Là đồng phục công sở nhưng những nơi này yêu cầu cao về tính thẩm mỹ”-chủ nhà may Hoài Thương cho hay.
“Người đẹp vì lụa”-đúc kết của ông bà ngày càng chân xác bởi càng có điều kiện, con người càng mặc đẹp. Và thị hiếu thẩm mỹ của người dân đã quyết định trực tiếp đến thị trường thời trang. Đó là bức tranh đa sắc màu không chỉ phản ánh sinh động “gu” mặc không ngừng biến đổi của con người, còn là thước đo cho sự phát triển, mức sống của người dân nơi Phố núi.
Nguyên Bình