Bài 1: Thời hàng đồ xổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ khi xuất hiện tới nay đã trên dưới một thập kỷ, đồ cũ (hay còn gọi là đồ si-da, đồ xổ, đồ bành) vẫn phát triển không ngừng với những cửa hàng mới-cũ mở ra khắp nơi từ nội thị tới ngoại thành. Vì sao người dân lại chuộng đồ cũ đến như vậy, không khó để có câu trả lời.

Theo giới kinh doanh đồ cũ, đường Lê Lai là con đường đầu tiên ở  Phố núi Pleiku xuất hiện các cửa hàng bán đồ si-da. Lúc đầu, mặt hàng này xa lạ với đa số người tiêu dùng, chỉ giới mộ điệu thời trang, sành hàng hiệu mới hiểu rõ giá trị của những món đồ cũ. Nhưng đây cũng chính là thời kỳ hoàng kim của hàng si-da bởi cả chủ hàng lẫn khách đều có sự chọn lọc.  
 

Các cửa hàng si-da lúc nào cũng “hút” khách bất kể giờ nào trong ngày.  Ảnh: N.B
Các cửa hàng si-da lúc nào cũng “hút” khách bất kể giờ nào trong ngày. Ảnh: N.B

Muôn dạng hàng “si”

Nhớ lại thời hoàng kim của mặt hàng si-da, chị Xuân Anh-một tiểu thương trên đường Hùng Vương, kể: “Cách đây hơn 10 năm, tôi đã là “tín đồ” của mặt hàng này. Đằng sau vẻ nhàu nhĩ của đống áo quần trong mỗi kiện hàng lớn, là những món đồ cao cấp mà nhiều người không hề biết. Vì thế, dù đồ si-da là quần áo đã qua sử dụng nhưng chất lượng rất tốt. Chúng tôi thường bỏ công “săn lùng” hàng cũ chứ ít khi mua hàng mới, may mắn có thể tậu được nhiều món đồ hàng hiệu với giá bèo, có khi mua mới phải tốn tiền triệu”. Chị Xuân Anh còn tiết lộ, “săn” hàng “si” thời đó đa số là “dân nhà giàu”.

Mặc dù là thời trang “xài lại”, nhưng những lời rỉ tai “đồ tốt, giá rẻ” nhanh chóng lan truyền rộng rãi, tất nhiên không lọt khỏi tai các bà nội trợ. Theo đó, đồ xổ bỗng trở nên đắt khách. “Thủ phủ” đồ xổ trên con đường duy nhất của thành phố là đường Lê Lai đã mở rộng ra nhiều con đường khác. Những đường nhỏ như Cù Chính Lan, Nguyễn Trãi vốn lặng lẽ bỗng trở nên sôi động khi có những cửa hàng đồ xổ mọc lên. Những đường lớn với mặt bằng đắt đỏ như Hùng Vương, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Đồng đồ xổ cũng mở ra nhan nhản cho thấy xu hướng mặc đồ cũ của người dân ngày càng tăng với nhiều “gu”, nhiều phong cách.

Từ dân văn phòng, giới công chức, sinh viên cho đến những nữ đại gia Phố núi đều tìm thấy trong đồ xổ những món đồ phù hợp. Sự phong phú của mặt hàng đồ cũ chính là yếu tố thu hút khách hàng. Vì vậy, nhiều cửa hàng đồ xổ luân phiên các ngày trong tuần khui những kiện hàng khác nhau, từ đồ trẻ em, đồ người lớn, đồ mặc đi chơi, mặc đi làm, đồ mùa đông, mùa hè, đồ lao động, đồ thể thao, đồ ngủ, thậm chí cả đồ lót (chủ yếu là áo ngực)… Sự đa dạng của mặt hàng này, đặc biệt là “giá nào cũng có” đã thu hút nhiều đối tượng khách hàng, từ người có điều kiện muốn săn hàng độc đến những người tìm đến mặt hàng này để bớt đi khoản chi tiêu trong thời buổi khó khăn.

Toát mồ hôi với đống áo vest được giới thiệu xuất xứ Hàn Quốc, chị Kim Ngân-một công chức cho biết: “Tôi chọn được hai chiếc vest với giá 120 ngàn đồng/cái mua “nước đầu”(chỉ hàng đầu tiên của kiện hàng-P.V). Nước hai, nước ba có thể rẻ hơn, khoảng 50-80 ngàn đồng/cái. Thời buổi này đi mua mới một cái áo vest mặc đi làm cũng mất cả nửa triệu bạc”. Chị Ngân cho biết thêm, không chỉ mua đồ cũ để mặc đi làm, chị còn thường xuyên “lùng” đồ cũ cho hai đứa con. “Tôi cũng muốn mua đồ mới cho con mặc nhưng chúng lớn hàng ngày, mua đồ mới vừa đắt, vừa nhanh chật, rất lãng phí. Thay vì mua một cái đồ mới, tôi mua được 10 cái đồ cũ cho con”-chị nói.

Gần đây, thêm mặt hàng quần áo lao động là hàng si-da được khá nhiều “thượng đế” hỏi mua. Chủ một cửa hàng đồ xổ trên đường Lê Lai tiết lộ: “Quần áo lao động chủ yếu bán cho khách hàng nam. Đối tượng của loại quần áo này cũng có sự phân hóa rõ rệt, là những người kỹ tính, có của ăn của để, thậm chí là đại gia chứ chẳng chơi. Họ mua đồ lao động để mặc đi rẫy cho… thời thượng”.

Tuy là mặt hàng cũ nhưng hàng si-da cũng đuổi kịp với xu hướng thời trang. Chị Thư-chủ cửa hàng đồ xổ trên đường Hùng Vương cho hay: “Trước đây trong một kiện hàng thường có nhiều chủng loại, còn bây giờ có sự phân loại: đồ da, đồ jean, áo sơ mi, áo măng tô hoặc chỉ toàn đồ bay (áo liền quần)... Tùy theo mùa hoặc đối tượng mà chúng tôi khui hàng”.
 

 Ảnh: N.B
Ảnh: N.B

“Vắng mợ, chợ… vẫn đông!”

Thành phố Pleiku có đến hàng chục cửa hàng kinh doanh đồ cũ và có xu hướng mở rộng ra vùng ngoại thành. Sự phát triển quá nhanh của hàng si-da cùng với nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng khiến mặt hàng này ngày càng khó phân biệt hàng thật-giả. Từ chỗ là tín đồ của đồ xổ, hai năm trở lại đây, chị Xuân Anh đã hạn chế đối với mặt hàng này. Chị nói: “Cứ theo suy luận của tôi, một ngày khui cả chục kiện hàng thì làm gì có hàng hiệu, hàng độc. Thực tế thì nhiều lần tôi đã về tay không vì kiện hàng khui ra chỉ toàn hàng cũ mèm, không có tem mác, chất liệu xấu, thậm chí có hàng kém chất lượng của Trung Quốc trà trộn”.

Lựa đồ xổ cần cũng cần phải tinh, hiểu biết về chất liệu, mặt hàng. Vì thế, nhiều khách hàng sau vài lần mua “hớ” phải đồ cũ kém chất lượng cũng không còn mặn mà nhiều với mặt hàng này.  Hơn nữa, để chọn được món đồ ưng ý giữa một “rừng” đồ cũ, cần có nhiều thời gian săn lùng, lựa chọn. Nhiều chị em thừa nhận, thấy nhiều người mặc hàng si-da đẹp, giá rẻ, muốn “thử sức” nhưng không có thời gian. Nhiều người khác cũng muốn “chinh phục” thị trường đồ cũ nhưng sau vài lần theo bạn đã phải bỏ cuộc chơi vì không đủ kiên nhẫn và dị ứng mũi, ngứa da khi tiếp xúc với quần áo cũ. Tâm lý e ngại, sợ lây bệnh qua quần áo cũ cũng khiến nhiều người không mặn mà với mặt hàng này.

Với những lý do trên, có một lượng khách hàng hầu như không màng đến đồ cũ. Tuy vậy, “vắng mợ, chợ vẫn đông”, thị trường “đồ đẹp, giá  rẻ” vẫn đầy hấp lực đối với chị em và chiếm thị phần quan trọng đối với thị trường hàng mặc của người dân.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.