(GLO)- Mặc dù đang bước vào mùa xây dựng nhưng thị trường vật liệu xây dựng Gia Lai vẫn trong tình trạng ế ẩm. Nguyên nhân thì nhiều nhưng tựu trung là do hầu hết các công trình lớn thuộc vốn ngân sách bị tạm dừng; trong khi đó giá cả lại tăng cao do tác động của cước vận tải khiến việc xây dựng vốn đình trệ nay càng thêm ảm đạm.
Các cơ sở sản xuất tôn trong tình trạng ảm đạm. Ảnh: Lê Lan |
Hàng bán chậm, cửa hàng chỉ lác đác vài khách ghé xem là tình trạng chung của các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn TP. Pleiku, nhất là việc tạm dừng các công trình xây dựng lớn thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước đã khiến lượng hàng bán ra giảm rõ rệt. Ngao ngán trước tình trạng ế ẩm, chủ cơ sở kinh doanh VLXD Thảo Nguyên trên đường Lê Thánh Tôn (TP. Pleiku) than vãn: Mọi năm vào tầm này buôn bán nhộn nhịp lắm chứ đâu như thế này, xe chở vật liệu nằm xếp hàng dài. Cửa hàng cũng có bán hàng cho các công trình lớn như công trình xây dựng trường học, nhưng phải vào dịp hè.
Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng thích bán VLXD cho các công trình lớn. Chủ cơ sở kinh doanh VLXD Sơn Nguyệt (đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) cho biết: Đã 2 năm nay doanh nghiệp rất ít khi bán cho công trình lớn bởi họ trả tiền chậm, lúc mới bán thì tưởng lời nhiều nhưng chờ tới lúc nhận đủ tiền thì vốn của mình đã bị chôn quá lâu, tính ra chẳng được bao nhiêu mà rủi chủ thầu bị “bể” thì lỗ nặng.
Bên cạnh đó, giá VLXD tăng đột biến do cước vận chuyển cũng khiến cho nhiều chủ đầu tư, người dân muốn xây nhà chần chừ chưa dám khởi công. “Đợi cho được tuổi mới xây nhà, thế mà bây giờ giá cả tăng cao quá gia đình vẫn chưa dám xây, sợ phát sinh thêm nhiều quá lại phải vay mượn”-chị L.T.T. (đường Lê Đình Chinh, TP. Pleiku) cho biết. Không chỉ người mua lo lắng mà ngay cả người bán cũng lo lắng không kém. “Giá tăng, người mua đau đầu thì người bán đau đầu cũng không kém, nhất là mặt hàng cát hiện nay, dù có chấp nhận giá cao, khách hàng muốn mua cũng không có, cả ngày có khi chỉ chở được 1 xe…”-Chủ cơ sở VLXD Thảo Nguyên chia sẻ.
Sản lượng thép tại Nhà máy cán thép Năm Hoa giảm một nửa. Ảnh: Lê Lan |
Do tác động của cước vận chuyển hầu hết các mặt hàng VLXD đều tăng lên đáng kể, cụ thể xi măng tăng thêm khoảng 100.000 đồng/tấn; sắt tăng từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/cây hoặc 150 đồng đến 200 đồng/kg, cát tăng từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/m3 (dao động tùy xe), gạch tăng thêm vài trăm đồng/viên tùy loại… “Bất kể là vật liệu gì nếu là vận chuyển từ nơi khác đến đều tăng giá, đến đinh cũng đã tăng thêm 1.000 đồng/kg”-anh Nguyễn Xuân Thành-một chủ thầu xây dựng cho biết.
Khác với VLXD thô, những vật liệu xây dựng khâu hoàn thiện nhà ở, công trình tại thời điểm này hầu như chưa tăng giá, nguyên nhân là do lượng hàng tồn trong kho vẫn đang còn nhiều. “Hiện cửa hàng vẫn bán theo giá cũ, khi nào nhập hàng mới nếu chi phí vận chuyển phát sinh thì mới bán theo giá mới”-Chủ cơ sở kinh doanh VLXD Sơn Nguyệt cho biết. Theo đó, giá gạch lát nền hàng nội có giá từ 1.200.000 đồng đến 3.000.000 đồng/m2; gạch lát nền nhập ngoại (chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan) có giá từ 2.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng/m2; sơn có giá từ 850.000 đồng/thùng đến 1.400.000 đồng/thùng 1,8 lít, các vật liệu khác như bồn rửa mặt, bồn cầu, bồn tắm hay nhà tắm đứng… đều bán theo giá cũ do nhà sản xuất đưa ra.
Trong khi nhiều người dân có kế hoạch khởi công xây nhà còn chần chừ vì giá cả tăng thì có người đang xây nhà lại tranh thủ khi giá chưa tăng đặt mua hàng trước. “Đã có rất nhiều khách đến mua hàng để dành hoặc đặt tiền trước cho cửa hàng giữ giá vì sợ ít hôm nữa hàng sẽ tăng giá”-nhân viên cửa hàng VLXD Gia Lộc Phát (đường Trần Phú, TP. Pleiku) cho biết.
Lê Lan