(GLO)- Nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình xây dựng, vận hành thủy điện mà đến nay sau nhiều năm vào cuộc giải quyết, những vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn…
Chậm chi trả bồi thường
Hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư và các hộ dân trong diện di dời để xây dựng thủy điện trên địa bàn tỉnh lâu nay thực hiện tương đối tốt ở hầu hết nhiều công trình. Song, có những thủy điện đã đi vào vận hành mà công tác đền bù còn đang lấn cấn.
Ảnh: Đức Thụy |
Việc này xoay quanh việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ dân vùng dự án. Đơn cử như việc xử lý hậu quả của Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 (BQLDATĐ7)-chủ đầu tư thủy điện An Khê-Ka Nak. Vướng mắc kéo dài đã 5-6 năm nay, phát sinh từ việc lớn đến việc nhỏ, rất bất cập.
Để giải quyết, BQLDATĐ7 đã phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm quỹ đất, thu hồi của chủ cũ, tiến hành khai hoang để đền bù cho dân. Nhưng, đến nay các hộ dân này cứ chờ đợi mãi mà chẳng thấy lượt mình. Thiếu đất sản xuất, đời sống của họ gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, tiền hỗ trợ chênh lệch giữa đất thu hồi và cấp mới cũng chưa giải quyết xong. Nguyên nhân được BQLDATĐ7 giải thích là do không tính toán được khấu trừ chênh lệch, dẫn đến tồn tại chưa giải quyết dứt điểm!
Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Sở Công thương: Vấn đề là nguồn kinh phí để bù đắp. Dự toán ngay từ đầu so với hiện tại đã trượt giá gấp đôi, không sát với thực tế. Chủ đầu tư không thể thu tiền từ bán điện để trả cho dân, vì vậy cần có cơ chế điều tiết kinh phí cho BQLDATĐ7 để giải quyết dứt điểm việc chi trả cho dân ở huyện Kbang. Còn việc đưa ra lý do vướng cơ chế trong việc tính chênh lệch đất sản xuất nơi đi và nơi đến là không hợp lý. Bởi quyết tâm thì sẽ không mất nhiều thời gian.
Cùng quan điểm, ông Trần Vĩnh Hương-Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Khi thực hiện dự án đã tiến hành thu đất của 1.212 hộ dân với diện tích thu hồi là 3.092 ha. Việc thu hồi giải phóng mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu, do đó chính sách cũng thay đổi qua nhiều năm, nên gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Công tác di dân tới khu ở mới và cấp đất sản xuất đã thực hiện được một phần. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa giao cho dân diện tích 54 ha đất; tổng số tiền bồi thường hỗ trợ chủ đầu tư còn phải trả là trên 25 tỷ đồng. Vì vậy, cần thống nhất phương án xử lý chênh lệch giá trị đất sản xuất nơi đi và giá trị đất sản xuất nơi đến để chi trả bồi thường cho các hộ dân tái định cư, tái định canh sớm ổn định cuộc sống.
Cái khó là nguồn tiền ở đâu để chi trả khi mà vừa qua Chủ tịch nước về làm việc tại địa phương đã yêu cầu hai bên phối hợp giải quyết xong trước Tết Nguyên đán Ất Mùi. Nếu không có cơ chế từ EVN, việc này khó hoàn thành được.
Liên quan đến thủy điện An Khê-Ka Nak, ông Trần Vĩnh Hương đề nghị cần phải xây dựng bản đồ vùng hạ du sau hồ Ka Nak theo từng góc độ, xác định cụ thể vùng bị ngập để phối hợp di dời dân và tài sản ra khỏi nơi đó; phối hợp với chính quyền địa phương thông báo thời gian xả lũ để ứng cứu kịp thời, tránh gây thiệt hại.
Lỏng lẻo trong quản lý
Gần đây sự cố vỡ đập và vỡ đê quai ở thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ) xảy ra liên tiếp trong vòng chưa đầy một năm, cho thấy công tác quản lý đảm bảo an toàn vẫn còn lỏng lẻo ở các thủy điện vừa và nhỏ. Nguyên nhân là do chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm và không chấp hành đúng quy trình, quy định của Nhà nước.
Ảnh: Nguyễn Tú |
Dẫn chứng sai phạm, ông Bùi Ngọc Sơn cho biết, khi đắp đê quai, chủ đầu tư không xin phép. Đắp đê quai để thi công nhưng đây lại là đắp đê quai để tích nước! Thi công sai thiết kế dẫn đến hậu quả và thiệt hại tương đối lớn. Đợt vỡ đập trước đó thiệt hại hơn 3 tỷ đồng, còn vỡ đê quai đến giờ thống kê chưa hoàn chỉnh nhưng ước chừng trên 10 tỷ đồng.
Chủ đầu tư đã cùng với huyện và các ngành liên quan đang gấp rút thống kê tổng thiệt hại để đền bù cho dân. Đây là vấn đề không hề đơn giản bởi chủ đầu tư cũng đang rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Ngoài cái vướng trong quá trình đền bù, di dân tái định cư, quản lý an toàn, thì rừng, đất rừng chuyển đổi mục đích phục vụ công trình thủy điện chưa được quản lý chặt chẽ, có nơi còn hiện tượng lợi dụng khai quang rừng, khai thác trái phép.
Công tác trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn lưu vực sông của các công trình thủy điện phải được cân đối giá trị trên mỗi ha trồng, tránh việc đầu tư nơi nhiều nơi ít, gây ra khó khăn cho chủ đầu tư. Có những diện tích chỉ trồng 50 triệu đồng/ha, nhưng có diện tích trồng đến hơn 100 triệu đồng/ha. Đây là điều rất khó điều tiết.
Bên cạnh đó, khó khăn còn ở chỗ, hiện không còn diện tích đất để trồng rừng. Vì vậy, nên điều chỉnh quy định lập phương án trồng rừng. Đối với những công trình nhỏ nên được nộp tiền trồng rừng thay thế. Việc chuyển tiền nên được chia thành 2 lần theo các giai đoạn trồng và chăm sóc. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư cũng than phiền về mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng chưa phù hợp, đơn giá chi trả có sự chênh lệch giữa các thủy điện xây dựng trên cùng bậc thang…
Để giải quyết dứt điểm những tồn tại trên, đưa hoạt động thủy điện đi vào ổn định, các ngành chức năng, chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương có vai trò không nhỏ trong việc phối hợp thực hiện.
Thảo Nguyên