Bài 1: Cát Bà ngày tĩnh lặng, đêm vang vẳng tiếng chim đảo kêu trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn 20 năm liến tiếp xảy ra tình trạng bẫy bắt, "tận diệt" chim di cư, quần đảo Cát Bà - Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã trở nên im lặng lạ thường khiến nhiều người không khỏi xót xa...

 
Lời tòa soạn!
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; các bộ, ngành liên quan cũng đã ra văn bản đề nghị kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngay sau khi Báo điện tử VietnamPlus có loạt bài phản ánh tình trạng sát hại động vật “sách đỏ” tại vùng “đặc khu buôn bán chim trời lớn nhất cả nước” ở tỉnh Long An; thế nhưng vấn nạn này vẫn tiếp diễn ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà tại huyện đảo Cát Hải, nơi mà các hoạt động tận diệt chim trời - chim hoang dã di cư vẫn diễn ra hàng ngày một cách ngang nhiên.
Điều đáng nói hơn là tình trạng sát hại chim trời ở quần đảo Cát Bà đã diễn ra như “cơm bữa” suốt 20 năm qua, song dường như lại “che mắt” được chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm trên địa bàn.
Hệ quả là, hiện nay, mỗi ngày đêm, hàng trăm cá thể chim trời, trong đó có những loài chim trong diện “sách đỏ” vẫn liên tiếp bị bẫy bắt, “hóa kiếp” thành những món ăn dân dã của người dân vùng đảo cũng như tuồn bán đi khắp nơi…
Phóng viên VietnamPlus - trong vai người có nhu cầu mua chim trời số lượng lớn, đã có hành trình “mục sở thị” để từ đó tìm ra nguyên do vì sao nạn “tận diệt chim trời” vẫn mặc nhiên tồn tại và dù tốn rất nhiều giấy mực, làm xấu hình ảnh đảo Cát Bà, nhưng vẫn ngang nhiên tái diễn từ năm này qua năm khác.
Bài 1: Cát Bà ngày tĩnh lặng, đêm vang vẳng tiếng chim đảo kêu trời
Việt Nam có một vị trí quan trọng trên con đường di cư của các loài chim ở Đông Á; trong đó vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, bao gồm quần đảo Cát Bà, vừa là một điểm giao cắt, vừa là điểm đến cuối của nhiều loài chim di cư. Vì thế, Cát Bà đặc biệt quan trọng cho nhiều loài chim di cư sống ở các vùng đất ngập nước.
Thế nhưng, thời gan gần đây, trên khắp các hòn đảo bạt ngàn cây xanh, thiên nhiên tươi đẹp ấy, lại tĩnh lặng lạ thường. Âm thanh duy nhất vang khắp các đảo vào mỗi tối mà du khách nghe được, chỉ là tiếng loa “nhái” tiếng chim để phục vụ việc bẫy bắt chim trời, khiến nhiều loài chim bị đe dọa, đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng.
Sự im lặng bất thường
7 giờ sáng một ngày đầu tháng 11/2020, bầu trời Cát Bà trong xanh vời vợi, những tia nắng vàng rọi xuống mặt nước biển lấp lánh và thân thiện đến lạ kỳ.
Trước vẻ đẹp của “biển xanh, nắng vàng,” chúng tôi hướng tới Cát Bà trong sự háo hức được hòa mình vào thiên nhiên, được ngắm những đàn voọc “sách đỏ” quý nhất thế giới và nghe tiếng chim hót ríu rít chuyển cành. Bởi nơi đây không chỉ là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, có Vườn quốc gia gìn giữ các loài động vật quý hiếm, mà còn được ví như tấm thảm xanh khổng lồ - là nơi cư ngụ của muôn vàn loài chim di cư.
Mường tượng là vậy, nhưng khi đến đây, sự im lặng đến lạ thường bao trùm khắp hòn “đảo xanh.” Ban ngày, nơi đây tuyệt nhiên không có tiếng chim hót. Đi quanh đảo quan sát cũng chỉ thấy một vài con chim diều hâu bay lượn trên bầu trời xa vời vợi…
Đây là điều khó hiểu bởi hiện tại ở Cát Bà đang là mùa chim di cư (các loài chim di cư thường đến Cát Bà vào tháng 9, cao điểm nhất là từ tháng 10 đến giữa tháng 12).
Vậy điều gì đã khiến một Khu dự trữ sinh quyển thế giới trở nên im lặng khó hiểu, bất thường đến thế? Liệu có những tác động tiêu cực đến đường di cư của chim?
Để giải đáp cho chính những thắc mắc nêu trên, thông qua một số người quen làm trong lĩnh vực bảo tồn và sự “truy quét” của google, mạng xã hội facbook, zalo, chúng tôi đã phát hiện ra hàng loạt thông tin, hình ảnh gây “sốc.”
Đó là cảnh tượng những người dân vô tư rao bán chim trời cho khách du lịch ngay sau khi đặt bẫy. Thậm chí không ít người còn tổ chức livestream rao bán chim hoang dã trên mạng xã hội facebook…
Chim di cư… “bay” vào lò mổ
Trong vai khách du lịch ngỏ ý muốn mua chim tự nhiên đưa về Hà Nội để chuẩn bị cho “bữa đại tiệc,” phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã được bà H., chủ một gian hàng ở chợ xã Xuân Đám giới thiệu: Ở Cát Bà có rất nhiều loại chim ngon như lele, cuốc ngực, bồ câu lửa, dẽ, diệc xám, bìm bịp lớn… Tất cả các loài chim ở đây đều là chim di cư có nguồn gốc từ tự nhiên.
Thâm nhập "lò mỏ" chim hoang dã ở trên đảo Cát Bà
“Nếu muốn mua chim trời với số lượng lớn, ở đây có ông Viễn - là người chuyên thu gom chim từ người dân thường xuyên đi đặt bẫy ở khắp huyện đảo Cát Hải, nhất là các xã vùng đệm xung quanh khu vực Vườn quốc gia Cát Bà,” bà H. không ngần ngại giới thiệu khi đã tỏ ra tin tưởng.
Theo gợi ý của bà H., chúng tôi đã tiếp cận được “ông trùm” buôn bán chi di cư trên đảo Cát Bà, tại nhà riêng ở xã Xuân Đám. Đúng phong cách của con buôn, ngay khi thấy khách xuất hiện, ông Viễn liền dẫn chúng tôi đi xem từng túi lưới đựng đầy chim đủ các loại vừa thu mua của các chủ bẫy lưới ngoài đồng, ven biển.
Chỉ tay vào 2 chiếc tủ lạnh cỡ lớn đựng đầy chim đã được làm thịt vẫn còn bê bết máu, ông Viễn cho biết: “Trong này còn gần 400 trăm con chim, nhưng là ‘hàng’ người ta đặt sẵn rồi. Chim này phải vặt lông sống, thui sống và biết cách làm thì thịt nó mới đỏ tươi như thế này được, khi ăn thịt rất thơm.”
Vừa dứt, ông Viễn đi từ trong khu vực nhà kho ra đứng giữa sân và dõng dạc: “Bình thường đây là nơi tập trung vặt lông chim. Có những ngày người ta đặt mua 500-700 con, tôi phải thuê hơn chục người đến vặt lông, vặt mỏi rũ cả tay từ sáng tới tối mới xong. Những bao tải (có khoảng hơn 10 bao tải) trước ngõ toàn là lông chim đấy. Trung bình cứ khoảng 400 con chim thì lông mới đầy bao tải.”
Sau khi khoe chiến tích về việc “sát hại” chim trời ngay tại nhà - nơi được xem là “lò mổ” làm thịt chim, ông Viễn tiến tới vị trị đỗ xe máy xách ra một túi đựng sẵn lele và chim dẽ ra để chỗ góc sân, rồi túm cổ từng chú dẽ ra vặt lông sống.
Như một “cỗ máy,” gã đàn ông to lớn một tay bóp vào đầu chú chim, tay kia thoăn thoắt giật nắm lông rời khỏi da, mỗi lần đưa tay cầm nắm lông giật mạnh, chú chim lại co giật, kêu chí chóe, máu tứa ra đỏ bàn tay.

Những chú
Những chú "chim trời" bị ông Viễn vặt lông, châm lửa thui sống. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chưa kịp hoàn hồn trước nỗi đau bị bứt lông rách thịt, hơn 1 phút sau, chú chim yếu ớt lại tiếp tục bị thui sống. Toàn thân chú chim lúc này gần như co cứng lại bởi ngọn lửa xanh lè nhưng vẫn cố cất những tiếng kêu vô vọng cho tới lúc chết...
Hiên ngang “đi tua” tới bàn nhậu
Theo chia sẻ của “ông trùm” buôn chim, nếu lấy chim tại đây sẽ có cả hàng sống, hàng đông lạnh, được chuyển bằng xe máy, xe khách và xe đông lạnh. Theo đó, mọi thủ tục liên quan đến việc “tuồn hàng” và đưa tới người mua, bên ông sẽ lo.
“Mặt hàng này nếu làm công khai, công an, kiểm lâm họ sẽ bắt, bởi đây có loài là chim quốc cấm. Nếu các bác xách chim sống ra khỏi đảo thì người ta sẽ bắt ngay,” ông Viễn nói nhưng cũng không quên nhắn nhủ rằng “nếu các bác muốn thì cứ đặt với em, thích sống hay đông lạnh kiểu gì em cũng gửi được hết.”
Về mức giá, ông Viễn cho biết hiện nay chim cuốc được bán với giá 60.000 đồng/con, chim dẽ giá 70.000 đồng/con, lele 80.000 đồng/con, bồ câu lửa giá 190.000 đồng/con...
Để tăng sự thuyết phục cho mối hàng mới, ông Viễn mở điện thoại nói chuyện với “thượng khách” rồi khoe: “Người ta đặt hàng cho đám cưới đấy. Ở đây, em không chỉ cung cấp chim cho người dân trong vùng mà còn thường xuyên chuyển tới các nhà hàng có tiếng ở thành phố Hải Phòng, chuyển vào Ninh Bình, thành phố Vinh, hay Đà Nẵng. Tất cả đều vận chuyển bằng xe khách và xe đông lạnh.”

Chim hoang dã đã vặt lông, thui sống được các con buôn rao bán tràn lan trên mạng facebook.
Chim hoang dã đã vặt lông, thui sống được các con buôn rao bán tràn lan trên mạng facebook.
Từ gợi ý của ông Viễn, chúng tôi quyết định tiếp cận một số nhà hàng chuyên đồ rừng trên địa bàn huyện đảo Cát Hải và thành phố Hải Phòng. Qua trò chuyện với chủ các nhà hàng, thông tin chúng tôi ghi nhận đều cho thấy chim được thu mua khắp các địa bàn trên toàn thành phố, trong đó có chim đảo Cát Bà.
Thực tế trên cũng được phóng viên ghi nhận trong các ngày giữa tháng 11, khi một số người vẫn vô tư mang chim trời qua phà Cái Viềng - Cát Hải vào các nhà hàng trong đất liền tiêu thụ song không gặp phải lực lượng nào kiểm tra, xử lý.
Để rõ hơn về phương thức bẫy bắt, "tận diệt" chim di cư ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, mời độc giả đón đọc Bài 2: Hành trình xuyên đêm thâm nhập vào “lãnh địa tận diệt chim trời”
Mai Mạnh-Trang Hà (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.