Bác sĩ 'phù thủy' chữa bệnh Parkinson

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tờ báo Los Angeles Times (Mỹ) từng viết về ông là 'Vị bác sĩ biết làm phép lạ' (The miracle doctor). Còn nhiều nhà chuyên môn, bệnh nhân gọi ông là 'ông vua' hoặc 'phù thủy' chữa bệnh Parkinson. Tên ông là Daniel Trương.
Bác sĩ Daniel Trương khám cho bệnh nhân ở Cuba ẢNH: NVCC
Bác sĩ Daniel Trương khám cho bệnh nhân ở Cuba ẢNH: NVCC
Tôi có duyên được gặp ông nhiều lần. Một lần tại Mỹ và mấy lần tại VN khi ông về chủ trì hội thảo quốc tế và chữa bệnh Parkinson cho nhiều người, trong đó có ba tôi.
“Cậu đừng đến làm phiền nữa nhé !”
Tôi đã từng gặp vị bác sĩ lừng danh này tại nước Mỹ khi ông đã rất nổi tiếng. Nhưng nhiều năm qua tôi chưa kể chuyện này vì thực lòng tôi ngại mọi người bảo mình “se sua”. Nay, tôi muốn kể ra là muốn “ôn cố, tri tân”, nhằm khắc họa thêm chân dung về một vị bác sĩ tài danh, đáng kính.
Hồi đó, biết tôi đến Mỹ, bác sĩ Daniel Trương hồ hởi bảo: “Em ở đâu, tôi sẽ cho con đưa ô tô đến đón về nhà tôi tặng em một số thuốc đem về cho ba uống”. Tôi mừng quá nên nhận lời ngay. Từ khách sạn tôi ở, chỉ chừng hơn vài tiếng sau, chiếc xe con trai bác sĩ chở tôi đã có mặt tại Trung tâm y khoa Orange Coast Memorial Medical của bác sĩ Daniel Trương. Ngay sau đó, vị bác sĩ đưa tôi đi giới thiệu với cô vợ rất trân trọng rằng: “Đây là ký giả của Báo Thanh Niên ở VN mới qua đó. Anh này có bố đang mắc bệnh Parkinson, anh đang giúp”. Rồi ông cũng “chỉ đạo” luôn vợ hãy mua tặng card điện thoại quốc tế để tôi gọi về gia đình cho đỡ tốn tiền và lo chuẩn bị ngay bữa trưa đãi tôi.
Ông khám cho bệnh nhân tại hội thảo ở Bangladesh
Ông khám cho bệnh nhân tại hội thảo ở Bangladesh
Sự chân thành, hiếu khách của vợ chồng bác sĩ làm tôi nhớ mãi đến bây giờ. Buổi trưa, tôi được ăn món thịt bò bít tết kiểu Mỹ do chính bà xã bác sĩ chế biến cực ngon và câu chuyện về cuộc đời của bác sĩ Daniel Trương làm tôi rất ấn tượng. Ông kể: “17 tuổi, khi còn ở VN, tôi đã muốn thoát ly gia đình. Sau khi đậu tú tài toàn phần, tôi lấy chiếc com pa mở hết cỡ, đặt trên tấm bản đồ thế giới, lấy tâm điểm là VN rồi xoay một vòng đến chỗ nào xa nhất mà tôi tin rằng mình ít biết đến nhất thì tôi chọn. Cuối cùng tôi chọn nước Đức”. Giấc mơ của chàng trai Việt mang tên Trương Dũng là đến Đức học tập để trở thành một kỹ sư điện tử. Nhưng như là tiền định, cuốn sách viết về một bác sĩ kỳ diệu của tác giả Cronin mà anh đọc ngốn ngấu một đêm đã làm thay đổi định hướng. Trương Dũng bỏ ý định thi ngành điện tử để thi vào y khoa. Tấm bằng đại học y khoa mà anh lấy được tại Đức sớm hơn các bạn cùng khóa đến 2 năm. Sau một thời gian, chàng bác sĩ trẻ quyết định sang Mỹ để học thêm chuyên ngành thần kinh học tại Trường đại học South Carolina.
Với 2 tấm bằng tốt nghiệp y khoa, bác sĩ Daniel Trương hăm hở đi tìm việc. Anh đến bệnh viện của một vị giáo sư cao niên và nổi tiếng nhất ở Mỹ lúc đó thì vị giáo sư lắc đầu, khoát tay. Nhưng ngày hôm sau Daniel Trương lại đến. Lần này thì ông giáo sư “tiễn” anh ra khỏi khoa và còn nói với theo một câu: “Tôi rất nhiều việc. Cậu đừng đến làm phiền nữa nhé!”. Không nản lòng, anh lại đến lần thứ 3. Oái oăm hơn, vị giáo sư khó tính này lại “lịch sự” tiễn ra tận cổng bệnh viện và phũ phàng buông một câu: “Hy vọng đây là lần cuối tôi gặp anh”.
"Tôi tự hào mình là người Việt và muốn đóng góp cho nền y học VN ngày càng tiến bộ, có thể sánh tầm với quốc tế"

Bác sĩ Daniel Trương


“Tôi nghe câu nói đó giống như cánh cửa bệnh viện này đã đóng sầm lại rồi. Nhưng một suy nghĩ loáng qua đầu tôi, không lẽ cánh cửa trái tim ông ấy cũng khóa nốt? Và tôi lập tức quay lại xin ông sẽ làm không công. Vị giáo sư ngạc nhiên và gọi điện cho thầy tôi, thế là ông mềm lòng”, bác sĩ Daniel Trương bồi hồi kể.
“Tôi tự hào mình là người Việt”
Cuối năm 2017, tôi lại rất may mắn được bác sĩ Daniel Trương cho phép đến dự khán hội thảo quốc tế về bệnh Parkinson tại VN do chính ông làm chủ tọa. Chứng kiến vị bác sĩ Việt kiều điều khiển hội thảo với sự tham gia của hơn 700 giáo sư, bác sĩ chuyên ngành thần kinh và rối loạn vận động đến từ các nước châu Mỹ, châu Âu và châu Á, tôi càng thán phục về tầm vóc của vị bác sĩ có dáng người nhỏ bé này. Giờ giải lao, ông nói với tôi: “Tôi từng chủ tọa hoặc đồng chủ tọa hàng chục cuộc hội thảo quốc tế về bệnh Parkinson, nhưng lần này tôi quyết định đưa hội thảo này về VN. Vì tôi tự hào mình là người Việt và muốn đóng góp cho nền y học VN ngày càng tiến bộ, có thể sánh tầm với quốc tế”.
Không phải đơn giản mà 700 giáo sư, bác sĩ quốc tế danh tiếng chấp nhận đến VN tham dự hội nghị chuyên ngành mà bác sĩ Daniel Trương là người “cầm trịch”. Uy tín quốc tế của ông phải nói là không thể bàn cãi. Vị bác sĩ này hiện là Chủ tịch Hiệp hội Parkinson quốc tế và những bệnh liên quan (IAPRD) nhiệm kỳ 2015 - 2019. Ông cũng từng chủ tọa nhiều hội thảo quốc tế về bệnh Parkinson, được phong giáo sư danh dự tại nhiều quốc gia...
Bác sĩ Daniel Trương luôn sống lạc quan
Bác sĩ Daniel Trương luôn sống lạc quan
Một thực tế sống động hơn chính là khả năng chữa bệnh Parkinson được coi như là “phép lạ”. Danh tiếng chữa bệnh Parkinson và các bệnh rối loạn cử động của bác sĩ Daniel Trương được biết đến không chỉ ở Mỹ mà truyền đi khắp thế giới. Có hàng chục ngàn người trên thế giới là bệnh nhân của vị bác sĩ gốc Việt này. Trong đó, có những người rất nổi tiếng như ngôi sao điện ảnh, chính khách. Khâm phục tài năng và đức độ của ông, có một bệnh nhân đã sẵn sàng tặng ông 1 triệu USD, hoặc một giám đốc nhân sự của cựu Tổng thống Bill Clinton thời ông còn là Thống đốc bang Arkansas thì đề nghị tặng bộ óc sau khi qua đời để bác sĩ dùng trong nghiên cứu…
Trong những lần về VN với thời gian ngắn ngủi, bác sĩ Daniel Trương dành từng giây, từng phút để điều trị cho nhiều người mắc chứng bệnh Parkinson trầm trọng. Nhiều bệnh nhân người Việt có hoàn cảnh khó khăn được bác sĩ tặng thuốc để chữa trị. Ông còn có cách “chữa bệnh từ xa” rất đặc biệt thông qua webcam.
Ở nước Mỹ xa xôi, vị bác sĩ tài năng này vẫn đau đáu hướng về cội nguồn. Ông đang ôm ấp dự định xây dựng một bệnh viện thần kinh hiện đại tại VN. Sát cánh bên bác sĩ là người vợ giỏi giang, xinh đẹp. Bà thường xuyên vận động để phụ nữ Việt kiều tham gia vào xã hội nhiều hơn và tận dụng được nhiều cơ hội quanh họ. Bên cạnh đó, bà cũng giúp họ duy trì mối liên hệ với cội nguồn đất Việt. Dù nổi tiếng, nhưng cuộc sống của vợ chồng bác sĩ Daniel Trương rất giản dị. Họ luôn lạc quan, yêu đời, cùng sống, cùng làm việc và giúp người khác bằng đôi tay lương y tài hoa cùng tinh thần nhân bản.
Quang Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.