An Khê hướng đến đô thị loại III

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2020 đi qua với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế-xã hội của thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới, thị xã An Khê vẫn hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng.
Những kết quả ấn tượng
Năm 2020, tổng giá trị sản xuất (tính theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 7.772 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2019; trong đó: nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 7,12%, công nghiệp-xây dựng tăng 9,73%, thương mại-dịch vụ tăng 12,36%. Thị xã cũng nỗ lực hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp để sớm hoàn thành và kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 17,08% so với năm 2019. Hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư mới và cải tạo tương đối đồng bộ. Trong đó, thị xã đã hoàn thành Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã An Khê đến năm 2035; triển khai xây dựng quy chế quản lý, kiến trúc đô thị theo định hướng xây dựng thị xã An Khê trở thành đô thị loại III. Tổng thu ngân sách trên địa bàn thị xã gần 111,8 tỷ đồng (đạt 110,64% dự toán tỉnh giao); tổng chi ngân sách gần 399,4 tỷ đồng.
Diện mạo đô thị An Khê ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Ngọc Minh
Diện mạo đô thị An Khê ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Ngọc Minh
Ủy ban nhân dân thị xã An Khê cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xét, công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Cuối năm 2020, xã Cửu An đạt 18/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã Thành An đạt 17/19 tiêu chí; công tác xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả quan trọng. Ủy ban nhân dân thị xã đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với tổng kinh phí 698 triệu đồng/7 sản phẩm tham gia. Năm 2020, thị xã có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh 3-4 sao.
Thị xã cũng tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân phát triển. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 3 trang trại, 12 tổ hợp tác, 2 mô hình nông hội, 11 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 295 doanh nghiệp. Thị xã đã giải quyết việc làm mới cho 1.120 lao động. Đến hết năm 2020, thị xã chỉ còn 246 hộ nghèo (chiếm 1,42%), 523 hộ cận nghèo (chiếm 3,02%).
Quan tâm phát triển du lịch văn hóa-lịch sử
Trải qua hàng trăm năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng những dấu ấn của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vẫn còn khá đậm nét trên vùng đất An Khê. Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo gồm 6 cụm và 18 di tích được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia vào năm 1991.
An Khê là nơi định cư sớm nhất của người Việt trên vùng đất Tây Nguyên. Nhờ vậy, An Khê hiện còn lưu giữ rất nhiều thiết chế tín ngưỡng của người Việt như: đình, miếu, vạn có lịch sử hàng trăm năm; trong đó, nhiều thiết chế được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong.
Ngoài ra, An Khê còn có trên 20 công trình tôn giáo và sở hữu nhiều ngôi nhà cổ, kiến trúc đẹp có tuổi đời từ 100 đến hơn 200 năm. An Khê còn có nhiều lễ hội mang bản sắc riêng của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo như: Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa; Lễ cúng Khai Sơn, Lễ cúng Quý Xuân, Lễ cúng Quý Thu, Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung, đặc biệt là Lễ hội Cầu Huê của người Việt vùng An Khê được tổ chức hàng năm thu hút hàng vạn lượt người đến tham dự.
Lễ rước Sắc thần từ An Khê đình về An Khê trường theo nghi thức truyền thống trong Lễ cúng Quý Xuân. Ảnh: Ngọc Minh
Lễ rước sắc thần từ An Khê đình về An Khê trường theo nghi thức truyền thống trong Lễ cúng Quý Xuân. Ảnh: Ngọc Minh
Từ năm 2014 đến 2018, các nhà khảo cổ học Nga và Việt Nam đã khai quật, phát hiện các di chỉ sơ kỳ Đá cũ ở Rộc Tưng (xã Xuân An), Gò Đá (phường An Bình). Các di vật được tìm thấy đã chứng minh An Khê là một trong những cái nôi của nhân loại, quê hương đầu tiên của loài người. Ngày 4-11-2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã  ký Quyết định số 3237/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá (xã Xuân An và phường An Bình). Ngày 2-12-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ký các quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với 3 di tích: cụm đình Tân Lai-Tân Chánh, đình Tân An và miếu Thanh Minh. Đồng thời, thị xã An Khê đã tổ chức tiếp nhận hiện vật thời kỳ nhà Tây Sơn do các cá nhân trao tặng gồm 9 thanh kiếm và 99 đồng tiền.
Nhằm phát huy thế mạnh du lịch văn hóa-lịch sử gắn với công tác bảo tồn các di sản, thời gian qua, bên cạnh tập trung quản lý, trùng tu, tôn tạo, An Khê còn tăng cường giới thiệu, quảng bá các giá trị đặc sắc của di tích; tích cực đẩy mạnh liên kết, kết nối các tour, tuyến du lịch với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Qua đó, thị xã đã đón tiếp 80 đoàn với khoảng 17 ngàn lượt khách tham quan Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê.
Năm 2021 được dự báo sẽ còn không ít khó khăn, thách thức. Thị xã chủ trương thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương kết hợp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu xây dựng thị xã An Khê hướng đến đô thị loại III.

Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2021:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 15,97%

- Thu ngân sách đạt 170,46 tỷ đồng

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.600 tỷ đồng

- Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,49 triệu đồng

- Có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%, hộ cận nghèo còn 2,78%…

NGUYỄN HÙNG VỸ
Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã

Có thể bạn quan tâm