Ấm lệ tri ân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Như lẽ tự nhiên, tháng bảy về, trên mỗi nẻo đường dẫn tới các địa danh, các di tích lịch sử cách mạng, chúng ta lại rưng rưng với từng câu chuyện, tưởng như huyền thoại về đất nước một thời đạn lửa, về những tấm gương anh dũng kiên cường, nguyện hy sinh quên mình vì sự bình yên Tổ quốc. Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ - TBLS (27-7), 70 năm Ngày Truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong - TNXP (15-7), trước hư ảo khói nhang, những dòng lệ tri ân hôm nay vẫn hoài ấm nóng.
 
Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại khu di tích Bến Ô Lâu - cầu Mỹ Chánh, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: HỒNG ĐỨC
Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại khu di tích Bến Ô Lâu - cầu Mỹ Chánh, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: HỒNG ĐỨC
Trên hành trình về nguồn
Từ nhiều năm nay, những cung đường Trường Sơn dọc ngang dải đất miền trung, từ Nghệ An cho đến Quảng Trị đã trở nên thân thuộc với cô Lê Thị Khang và các thành viên tình nguyện, trong đó có rất nhiều người trẻ tham gia trên hành trình “uống nước nhớ nguồn” tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Tại mỗi địa danh lịch sử, từ Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô, Bến phà Long Đại, Đèo Đá Đẽo, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị,… cho đến Bến Ô Lâu - cầu Mỹ Chánh - khu tưởng niệm mới được xây dựng, những cán bộ làm công tác bảo vệ, quản lý ở đây đã quen thân với nhóm của cô Khang và nhiều nhóm hành hương, có khi như thân thích ruột rà.
 
Các em học sinh thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Các em học sinh thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Mấy ngày trước, có dịp theo đoàn cựu chiến binh, gồm cô Khang và một số bạn bè, vào đến Nghĩa trang Trường Sơn, tôi thấy một bác quản trang đã lớn tuổi, dù rất bận rộn vẫn ngay lập tức nhận ra nhiều thành viên trong đoàn, tiến đến hỏi han thân mật. Người quản trang tóc bạc ấy cũng là cựu chiến binh, bác Nguyễn Minh Khôi, trước là bộ đội lái xe, sau khi phục viên đã có tới hơn 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, hương khói ở nghĩa trang lớn nhất cả nước này.
Ở mỗi không gian tưởng niệm, những ngày tháng bảy, dễ dàng bắt gặp mầu xanh của trang phục thanh niên tình nguyện và cả mầu xanh của thế hệ TNXP hôm nay, như một sự tiếp nối. 70 năm qua, sự hy sinh mất mát của lực lượng TNXP trên khắp các nẻo đường cách mạng, giải phóng đất nước là không gì đo đếm được. Biết bao thế hệ cha anh đã nằm lại khắp nẻo chiến trường, ở những góc rừng Trường Sơn, trong Hang Tám Cô, bên Ngã ba Đồng Lộc, dưới Bến phà Long Đại, cạnh Bến Ô Lâu… tất cả như định mệnh, cùng xanh mãi tuổi hai mươi.
Bao người đến đây, khi tận mắt chứng kiến mầu xanh của cỏ, lắng nghe những câu chuyện vô cùng tàn khốc của chiến tranh song rất đỗi hiên ngang đã cứ thế, tự nhiên mà rơi lệ.
Có tận mắt chứng kiến các thành viên trong đoàn hành hương về nguồn lần này, khi thấy cô Khang, chú Nghinh, chú Cương, chú Đán,… những người đã trải biết bao khó khăn suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nay kính cẩn trước từng phần mộ liệt sĩ cầu mong mọi điều, mọi người được bình an, sao ta thấy nghẹn ngào quá đỗi.
Di tích lịch sử Bến phà Long Đại, thuộc xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là nơi ghi dấu những chiến công anh dũng của 16 TNXP - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đã ngã xuống mảnh đất này. Hiểu được điều ấy, các thế hệ đoàn viên, thanh niên hôm nay ngày đêm không quản khó khăn, thay phiên nhau dọn dẹp, hương đăng cho di tích thêm ấm áp.
Sẽ chẳng thể nào quên một chiều tháng bảy mới đây, trước cửa Hang Tám Cô, nhà báo Đinh Hương Liên, vẫn chất giọng phát thanh viên đặc trưng người Hà Nội một thời, cùng các đồng nghiệp trong Câu lạc bộ Nhà báo nữ đến từ Thủ đô cùng cất cao giọng hát các ca khúc cách mạng, như thể mong muốn góp một phần hơi ấm cho hang đá này bớt lạnh.
Cứ nhìn vào trang phục TNXP xanh mầu lá mà nữ đoàn viên Nguyễn Thị Hiến cùng các đồng nghiệp thuộc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn vẫn mang mỗi ngày, khi làm công việc hướng dẫn khách thập phương đến thắp hương tưởng niệm 13 Anh hùng liệt sĩ - TNXP Đại đội 317, Đội 65 Tổng đội TNXP chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An, cùng việc hằng ngày chăm sóc ngôi mộ chung nơi đây, đủ thấy ngọn lửa truyền thống tri ân vẫn luôn tỏa sáng trong tim mỗi người. 
Và, hôm nay…
Trước chuyến hành hương vào Quảng Trị lần này, vẫn như mọi lần, cô Lê Thị Khang cựu chiến binh phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội đã nhiều lần rơi nước mắt khi chuẩn bị những đồ lễ, hoa quả, hương đăng mang đi. Ấy là lúc đếm lại những đồng tiền lẻ, không nhiều, nhưng ở đó là mỗi câu chuyện thấm đẫm lòng tri ân chân thành của biết bao người.
Như mối nhân duyên, trong một lần vào Quảng Trị, đến thăm địa danh Bến Ô Lâu - cầu Mỹ Chánh, thuộc địa phận xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, cô Khang gặp các cựu chiến binh Ban liên lạc Bạn chiến đấu Mặt trận Quảng Trị 1972, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, vào đây dâng hương tưởng niệm đồng đội. Biết các cựu chiến binh có nguyện vọng và đang cùng với chính quyền địa phương phối hợp xây dựng khu tưởng niệm tri ân các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại phòng tuyến sông Mỹ Chánh hè 1972, cô trăn trở, “mình có thể góp sức được gì”. Về Hà Nội, cô Khang đứng ra vận động những người hảo tâm, của ít lòng nhiều, quyên góp mong có được chút kinh phí, hỗ trợ địa phương xây dựng khu tưởng niệm. Bởi “nếu để hương tàn khói lạnh thì chẳng cầm lòng được”, cô bộc bạch.
Không ít các bệnh nhân ung thư, trước khi nhắm mắt, đã nắm lấy bàn tay cô Khang nhắn gửi: “Tôi đi rồi, đây là chút tấm lòng dành dụm bấy lâu, gửi chị cầm vào góp quỹ cùng mọi người, tri ân các liệt sĩ trong ấy”. Đã có hàng nghìn cháu bé tiết kiệm tiền mừng tuổi, bớt tiền ăn sáng để góp vào quỹ tri ân. Được biết, hơn sáu tỷ đồng, số tiền xây dựng công trình này, chủ yếu là từ nguồn đóng góp của người nghèo, người cao tuổi, cán bộ, viên chức nghỉ hưu, trẻ em, và cả người bệnh.
Nhờ thế công trình khu tưởng niệm, khởi công đầu năm 2013, đến ngày 12-7-2017 thì hoàn thành những hạng mục chính trên diện tích hơn 4.000 m2, gồm đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đài tưởng niệm, nhà bia, bến thả hoa. Hiện tại, công trình vẫn tiếp tục được tu bổ, hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ.
Đồng chí Nguyễn Hữu Trung, Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cho biết, khu tưởng niệm mang ý nghĩa đặc biệt, là công trình thể hiện lòng tri ân với các lực lượng vũ trang, các Anh hùng liệt sĩ tham gia chiến đấu, hy sinh giai đoạn mùa khô 1972, là tấm lòng, là nguyện vọng của người dân địa phương, khách thập phương và nhiều cựu chiến binh, cựu TNXP.
Trên khắp mọi miền Tổ quốc, còn biết bao câu chuyện xúc động của các thế hệ hôm nay, bằng những việc làm cụ thể, từng ngày hướng về những địa chỉ cách mạng như một cách thể hiện lòng tri ân, góp phần giáo dục truyền thống, tôn bồi những giá trị cao đẹp mà thế hệ cha anh để lại.
Sau Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), lực lượng TNXP chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc. Đã có hơn 5 vạn nam, nữ TNXP cả nước tiếp bước cha anh lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trong đó có gần 13.000 TNXP tham gia phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia (5-1975 - 8-1988) và hơn 36.000 TNXP phục vụ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc (2-1979 - 12-1988). 
Ghi dấu công lao của lực lượng TNXP suốt 70 năm qua, phát biểu ý kiến tại buổi lễ kỷ niệm sáng 14-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lịch sử cách mạng của dân tộc ta đã ghi dấu ấn về một thế hệ TNXP luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, chúng ta mãi mãi tự hào về các thế hệ TNXP Việt Nam trong 70 năm qua luôn luôn thực hiện đúng theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Để những giá trị truyền thống của lực lượng TNXP mãi tỏa sáng, đòi hỏi thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau nỗ lực hơn nữa trong các phong trào tình nguyện, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, xây dựng nông thôn mới, phát triển đội ngũ TNXP gắn với các chủ trương, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của từng địa phương. 
HỒNG CHÂU (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.