8 lý do bạn nên đi du lịch Bhutan một lần trong đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với việc mở cửa nhiều khách sạn và ngày càng chú trọng vào du lịch bền vững, năm 2020 có thể là thời điểm tốt nhất để trải nghiệm du lịch tại Bhutan.
Năm 1974, các lãnh đạo của một vương quốc nhỏ bé, ít được biết đến trên sườn Đông dãy Hy Mã Lạp Sơn giữa các bang Đông Bắc Ấn Độ và Trung Quốc, đã đưa ra một quyết định mạnh bạo: lần đầu tiên, Bhutan sẽ mở cửa đón du khách. Vào năm đó, chỉ có 287 người nước ngoài phát hiện ra một sơn quốc còn bí ẩn thu mình và đậm nét truyền thống Phật giáo.
Bhutan vẫn yên vị trên bản đồ của giới phiêu lưu mạo hiểm trong 50 năm sau đó. Tuy nhiên, nhờ cách tiếp cận du lịch độc đáo của chính phủ, ngay cả khi đã phát triển, đất nước vẫn giữ được vị thế và các giá trị thần thoại. Với việc mở cửa nhiều khách sạn, chú trọng vào du lịch bền vững, năm 2020 sẽ là thời điểm tốt nhất để trải nghiệm những nhã thú trong Shangri-La cuối cùng của thế giới.
Ảnh: vinacoaltour
Ảnh: vinacoaltour
1. Tuyệt nhiên không phải Nepal 
Nghĩ đến một dải đất giáp Hy Mã Lạp Sơn thì Nepal có lẽ là cái tên đầu tiên xuất hiện trong đầu nhiều người, với hơn một triệu khách ghé thăm mỗi năm. Là điểm đến quen thuộc trên nhật trình của các nhà thám hiểm, du khách ba lô tự do, Nepal đã trở thành thỏi nam châm hút các nhóm du lịch ở thủ đô Kathmandu và khắp đất nước. Bạn có thể bắt gặp những cụ già Pháp với quần kaki và dép đi bộ đường dài hay những nhóm người trẻ đang gap year. Tuy nhiên, Bhutan tách biệt với Nepal qua bang Sikkim của Ấn Độ với thủ đô là thành phố Thimphu. Đất nước này gần như được phong kín trong khi Nepal lại rất cởi mở với thế giới. 
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash
2. Đánh mạnh vào du lịch xa xỉ 
Sự chú trọng đặc biệt đến nhóm khách chịu chi, cùng với vô vàn những điểm bán hàng khác của Bhutan, đã khiến nơi này trở thành thị trường xa xỉ tiềm năng. Với diện tích rộng lớn và vị trí địa lý xa xôi, đất nước này có nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp độc đáo. Six Senses, nhà tiên phong về “sự sang trọng từ chân chất”, đã có bốn khu nghỉ dưỡng ở Bhutan và dự kiến khai trương khu thứ năm vào năm nay. Và Six Senses Bumthang có lẽ là nơi ấm cúng riêng tư nhất, chỉ với tám dãy phòng yên tĩnh cùng một biệt thự hai phòng ngủ nằm dọc theo khu rừng thông ven sông ở Thung lũng Jakar. Bên cạnh đó, Aman Resorts cũng có năm nhà nghỉ ở Bhutan dưới thương hiệu Amankora trong khi COMO Hotels and Resorts chỉ có hai, và Gangtey Lodge – một khu nhà độc lập nổi bật trong thung lũng biệt lập cùng tên – thì nổi tiếng với những con sếu cổ đen linh thiêng.
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash
3. Đất nước hạnh phúc
Kể từ năm 2008, chính phủ đất nước nhỏ bé này đã cố gắng đo lường chỉ số hạnh phúc của công dân, đưa hạnh phúc quốc gia trở thành một phong vũ biểu mang ý nghĩa đại diện cho sức khỏe quốc gia hơn là các chỉ số kinh tế truyền thống như tổng sản phẩm quốc nội. 5 năm một lần, chính phủ sẽ thực hiện khảo sát ngẫu nhiên 8.000 hộ gia đình. Người tham gia nhận được một ngày lương và trả lời 300 câu hỏi về sức khỏe, giáo dục, văn hóa, cộng đồng, sinh thái, mức sống. Đương nhiên, Bhutan không tránh khỏi những áp lực của biến đổi khí hậu hoặc toàn cầu hóa, nhưng nỗ lực đo lường hạnh phúc của họ đã truyền cảm hứng cho các dự án tương tự ở Liên Hợp Quốc.
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash
4. Đất nước xanh
Rừng tươi tốt bao phủ hơn 70% lãnh thổ chính là tài sản xanh đã giúp Bhutan trở thành một trong những quốc gia có nhiều tiến bộ nhất trong việc cải thiện môi trường. Khi những nước lớn hơn đang vật lộn trong cuộc chiến giảm lượng khí thải thì Bhutan có chỉ số carbon âm: lượng CO2 hấp thụ nhiều gấp ba lần so với lượng thải ra. Xuất khẩu gỗ bị cấm và độ che phủ rừng không được thấp hơn 60%, việc phụ thuộc vào hệ thống thủy điện cũng trở thành một phần của nỗ lực sống xanh. Hơn hết, đất nước này dự kiến sẽ trở thành nơi đầu tiên trên thế giới hoàn toàn hữu cơ hóa sản xuất thực phẩm.
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash
5. Một vẻ đẹp nguyên bản
Trong một thế giới nơi những tập đoàn khổng lồ và các công ty du lịch với ngân sách tương đương các quốc gia nhỏ luôn bám vào các ý niệm tính nguyên bản, Bhutan vẫn giữ mình ở ngoài dòng chảy đó. Với cách thức tiếp cận các dịch vụ du lịch một cách thận trọng, miền cực lạc quanh dãy Hy Mã Lạp Sơn này vẫn còn những giá trị vẹn nguyên và chân thực không kiểu cách. Nhưng chỉ một tiểu vương quốc với một nền kinh tế nhỏ khó có thể duy trì cân bằng hạnh phúc khi đối mặt với các cơn bão du lịch toàn cầu, không chỉ từ nước láng giềng Trung Quốc. Lời khuyên cho những người muốn ghé đến Bhutan rất đơn giản: hãy đi, nhưng tốt hơn hãy đi sớm.
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash
6. Ẩm thực
Ẩm thực chính là một điểm cộng nặng ký khác của Bhutan. Giữa những thực đơn Himalaya thịnh soạn và phong phú, ẩm thực Bhutan luôn mang gia vị đậm đà. Ớt nguyên trái mọng đỏ (hữu cơ và tự nhiên) chất đầy các chợ, thường được sử dụng như món rau chính (hạt thường được loại bỏ để phục vụ du khách với khẩu vị nhạy cảm hơn). Ớt là tinh túy của ema datshi, gần như một món ăn quốc dân, loại cà ri làm từ phô mai và ăn kèm với gạo đỏ – một loại lương thực khác của Bhutan. Nhiều món có thịt gà và thịt lợn, đặc biệt là món bánh bao đậm đà momo, được tìm thấy trên khắp các quốc gia miền núi ở Nam Á.
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash
7. BHUTAN CÒN CHƯA ĐÔNG ĐÚC
Giải pháp của Bhutan cho nghịch lý du lịch – cân bằng nhu cầu đi kèm với tác động hủy hoại chung của du khách đối với đất đai, truyền thống và văn hóa – đã được đề cao. Thu hút 100 khách du lịch giàu có với tiêu dùng trung bình sẽ tốt hơn là 1.000 du khách ba lô về các nhà trọ giá rẻ. Để đạt được phương cách tiếp cận ít-mà-nhiều này đối với du lịch, Bhutan áp dụng chi phí du lịch tối thiểu khá khắt khe là 250 USD một người mỗi ngày. Điều này áp dụng cho các nhóm từ ba người trở lên (có các khoản phí riêng cho khách du lịch một mình hoặc những người theo cặp), và họ cũng phải đi du lịch với các cơ quan được công nhận cũng như ở trong khách sạn từ ba sao trở lên. 
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash
8. DI SẢN PHẬT GIÁO ĐỘC NHẤT
Taj Mahal của Bhutan là Tiger Tiger Nest, hay Paro Takstang – nằm cheo leo trên một vách đá cao 900m so với những cánh đồng lúa xung quanh thung lũng Paro. Trong hơn ba thế kỷ qua, tu viện là một trong những địa điểm linh thiêng nhất của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Chính ngài Guru Rinpoche, người sáng lập Phật giáo Tây Tạng, đã thiền định nhiều năm trong một hang động ở trung tâm ngôi chùa. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm và tiếp cận các quan điểm sâu rộng hay giác ngộ tâm linh. Bên cạnh đó, con đường mòn dẫn đến tu viện uốn lượn quanh co qua những cánh rừng thông cùng những lá cờ cầu nguyện bay phấp phới. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong hàng chục địa điểm Phật giáo hàng đầu châu Á trên khắp đất nước Bhutan. Dzong, một pháo đài hùng vĩ nằm giữa những cây hoa phượng tím Jacaranda trong thung lũng Punakha, là nơi các vị vua của Bhutan được trao vương miện. Ngoài ra, đất nước này cũng được biết đến với các cuộc thi bắn cung ngoạn mục và dệt may độc lạ.
Ảnh: vinacoaltour
Ảnh: vinacoaltour
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Vi Tường
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: mrporter
Vi Tường /Theo Elle/Dân Việt

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.