50 năm lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm Quảng Trị (1973-2023): Nửa thế kỷ nặng nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nửa thế kỷ trôi qua nhưng chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị vẫn sâu đậm trong ký ức của nhiều người dân đất lửa. Hình ảnh vị lãnh tụ Cuba phất cao lá cờ, và nói 'Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình', khẳng định tình hữu nghị thắm thiết của hai quốc gia. Tháng 9/1973, Fidel là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam lúc chiến tranh chưa kết thúc.

Kỳ 1: Chuyện của người trong cuộc

Tháng 9/1973, khi chiến trường Quảng Trị vẫn còn nồng mùi thuốc súng, từ bên kia bán cầu, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm vùng đất vừa được giải phóng của tỉnh Quảng Trị.

Trong chuyến thăm Quảng Trị, Chủ tịch Fidel Castro vượt qua Dốc Miếu, nơi có hàng rào điện tử Mc. Namara để đến thăm Đông Hà, rồi ngược lên Đường 9 và đến Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở huyện Cam Lộ. Tại Cao điểm 241 hay còn gọi là căn cứ Carol ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo, quân và dân Quảng Trị chứng kiến hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro phất cao lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

“Vua chiến trường của Mỹ” tại Cứ điểm 241 Tân Lâm dưới chân Fidel Cartro. ẢNH: SỸ SÔ

“Vua chiến trường của Mỹ” tại Cứ điểm 241 Tân Lâm dưới chân Fidel Cartro. ẢNH: SỸ SÔ

Tròn 50 năm sau chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Fidel Castro đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Trị, trong tâm trí của nhân dân Quảng Trị vẫn còn in đậm hình ảnh về lãnh tụ Cuba bình dị, oai phong, can trường song rất gần gũi, thân thiết và giàu lòng thương người. Ông Dương Tú Anh, năm nay đã tuổi 90 (nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1972-1976), trong ký ức vẫn vẹn nguyên khoảnh khắc lãnh tụ Fidel Castro đến Quảng Trị năm 1973.

Ông bảo, mình là một trong những người may mắn, khi được tháp tùng trọn vẹn chuyến thăm của lãnh tụ Cuba đến Quảng Trị năm 1973. Ông Tú Anh kể, việc lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973 được giữ bí mật tuyệt đối. Lãnh tụ Fidel Castro đã đi bộ khoảng 2 km từ cầu Đông Hà ngược lên phía Tây, nay là đường Trần Hưng Đạo, TP Đông Hà để thị sát những lô cốt, vũ khí của địch bỏ lại và chứng kiến nỗ lực của quân và dân Quảng Trị, xây dựng lại quê hương sau chiến tranh.

Đi đến đâu, lãnh tụ Fidel Castro cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Quảng Trị. Người dân Quảng Trị đặc biệt dành sự cảm phục với lãnh tụ Fidel Castro. Bởi lãnh tụ Fidel Castro là nguyên thủ quốc gia nhưng rất gần gũi, thân thiết và không hề sợ gian nguy. Lãnh tụ Fidel Castro đi hiên ngang, hùng dũng, công khai trước sự theo dõi sát sao của địch. Bởi Đông Hà chỉ cách thị xã Quảng Trị ở phía Nam sông Thạch Hãn chỉ hơn 10 cây số, nơi lúc bấy giờ địch còn tạm chiếm đóng và luôn chĩa nòng pháo về phía Đông Hà.

“Trong lịch sử, Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 12/1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban đoàn kết với Việt Nam (tháng 9/1963), là nước đầu tiên và duy nhất lập Sứ quán bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7/1967)”.

Ông TRƯƠNG SĨ TIẾN

Sau khi thị sát ở Đông Hà, lãnh tụ Fidel Castro ngược lên Đường 9 thăm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau đó lãnh tụ Cuba tiếp tục đi theo Đường 9 thăm Cứ điểm 241 Tân Lâm, mà Mỹ gọi là Căn cứ Carol nằm trên đồi cao, cách Đường 9 đoạn qua xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, khoảng 2 km.

Ông Tú Anh bảo, lãnh đạo địa phương đã chọn một bãi đất rộng, ở phía dưới và nằm bên phải đường lên Cứ điểm 241 Tân Lâm, để tổ chức buổi mít tinh nhân dịp lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Sáng 15/9/1973, tại buổi mít tinh, lãnh tụ Fidel Castro đã diễn thuyết ở đây, dưới sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta.

Ngay khi lãnh tụ Fidel Castro tiến vào chỗ mít tinh, các cán bộ, chiến sĩ của ta đã chào đón và trao cho ông lá cờ Bách chiến Bách thắng lấp lánh Huân chương của đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên- Huế. Lãnh tụ Fidel Castro cầm lá cờ thẳng đứng trong tư thế hiên ngang, hùng dũng tiến vào khu vực mít tinh, khiến ai nấy đều xúc động.

Cầm lá cờ trên tay, lãnh tụ Fidel Castro hô to trước đông đảo chiến sĩ: “Các đồng chí hãy mang lá cờ Bách chiến Bách thắng này cắm tại Sài Gòn. Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”.

Lãnh tụ Fidel phất cao lá cờ Bách chiến Bách thắng lấp lánh huân chương của đoàn Khe Sanh, quân Giải phóng Huế tại Cứ điểm 241 Tân Lâm. ẢNH: SỸ SÔ

Lãnh tụ Fidel phất cao lá cờ Bách chiến Bách thắng lấp lánh huân chương của đoàn Khe Sanh, quân Giải phóng Huế tại Cứ điểm 241 Tân Lâm. ẢNH: SỸ SÔ

Ông Tú Anh kể, lãnh tụ Fidel Castro diễn thuyết ở Cứ điểm 241 Tân Lâm đến hơn 30 phút, nhưng ông không cần giấy tờ gì cả. Trong chừng ấy thời gian diễn thuyết, lãnh tụ Cuba ca ngợi lòng dũng cảm, sự can trường và chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta; tình đoàn kết anh em thủy chung Việt Nam-Cuba.

Đứng trên Cứ điểm 241 Tân Lâm, chứng kiến cảnh hoang tàn do chiến tranh tàn phá, lãnh tụ Fidel Castro gợi mở, cần sớm xây dựng nhà cửa và nông trường để lấp bớt đi sự hoang tàn. Ông Dương Tú Anh cho biết, qua chuyến thăm này, các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta một lần nữa cảm nhận, lãnh tụ Fidel Castro là người bạn lớn rất thân tình, rất thấu hiểu Việt Nam ngay còn trong chiến tranh.

Chân dung Fidel Castro. ẢNH: SỸ SÔ

Chân dung Fidel Castro. ẢNH: SỸ SÔ

Từ chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị của lãnh tụ Fidel Castro, ông Trương Sĩ Tiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cảm nhận, lãnh tụ Cuba là nguyên thủ một nước cách nửa vòng trái đất đến thăm Việt Nam, lúc chúng ta đang kháng chiến chống Mỹ, là sự kiện lớn và tràn đầy xúc cảm.

Lãnh tụ Cuba thăm vùng giải phóng Quảng Trị khi còn khét mùi thuốc súng, mới giải phóng từ Bắc sông Thạch Hãn, làm cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta rất cảm kích. Tình cảm người dân Quảng Trị dành cho Fidel Castro khác đến lạ thường nhưng rất ấm áp, thân tình. Lãnh tụ Cuba được người dân Quảng Trị đón vừa với nghi thức của một Nguyên thủ quốc gia, vừa gần gũi, như người thân.

Lúc lãnh tụ Fidel Castro quyết định thăm đơn vị bộ đội tại Cứ điểm 241 Tân Lâm, nơi Mỹ đặt pháo tự hành M107 (từng được Quân lực Việt Nam Cộng hòa mệnh danh là “Vua chiến trường”, được trang bị cho lục quân Mỹ từ năm 1962, nhằm khống chế phía Bắc sông Bến Hải và khống chế miền Bắc chi viện cho miền Nam), lãnh tụ Cuba dùng chân đạp lên nòng pháo 175 mm, đầy oai dũng của một vị Tổng tư lệnh luôn chiến đấu cho độc lập, tự do của nhân dân Cuba, Mỹ Latinh và thế giới. Trong bài diễn thuyết tại Căn cứ 241 Tân Lâm, lãnh tụ Fidel Castro hô vang câu nói nổi tiếng, vốn đã in sâu vào trong tâm trí bao thế hệ người Việt Nam: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”…

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.