Cháy rừng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích rừng thế giới bị thu hẹp. |
Do nhu cầu dành đất đai cho sản xuất nhiên liệu sinh học ngày một tăng, đặc biệt ở các nước nhiệt đới, nên trong những năm gần đây nhiều khu rừng bị tàn phá khiến diện tích rừng trên thế giới đã thu hẹp đáng kể.
Phóng viên TTXVN dẫn số liệu của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo ở Munich, Đức công bố ngày 19-1 cho biết từ năm 1990 đến 2005, diện tích rừng trên trái đất đã giảm 3%, tức trung bình mỗi ngày mất 20.000 hécta rừng. Đây là hiện tượng đáng báo động ở nhiều quốc gia.
Đặc biệt là ở Brazil và Sudan, rừng đã bị tàn phá vô tội vạ. 47% diện tích rừng thế giới hàng năm bị thu hẹp trước hết là ở hai nước này.
Ở Brazil và Sudan, người ta phá rừng để trồng cây cọ dừa và đậu tương lấy dầu và các loại cây sản xuất nhiên liệu sinh học.
Việc khai thác bừa bãi các khu rừng nguyên sinh và rừng nhiệt đới đã gây tổn hại rất lớn cho môi trường khí hậu toàn cầu.
Riêng việc đốt rừng khai hoang và cháy rừng hàng năm đã sản sinh ra bầu khí quyển khoảng 650 triệu tấn khí CO2.
Nhìn chung, nạn phá rừng đã góp tới 20% khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính nên việc bảo vệ rừng và trồng rừng là một trong những hành động tác động tích cực tới chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu của cộng đồng thế giới hiện nay.
Hiện Trung Quốc và Rwanda là hai nước được các nhà nghiên cứu đánh giá cao chương trình tái trồng rừng.
Những năm gần đây, diện tích trồng rừng của Trung Quốc đã tăng 4 triệu hécta (2,2%) và nước này đã chiếm 73% diện tích phát triển rừng toàn cầu.
Trong khi đó, tại Rwanda, diện tích tái rừng trong các năm từ 2000 đến 2005, mỗi năm đã tăng trung bình 6,9%.
Theo TTXVN