Xuyến chi hoài niệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều về trên miền quê thanh bình và yên ả. Tôi dạo ra đồng ruộng phía sau nhà và đưa mắt ngắm nhìn mọi thứ thuộc quen trước khi lên xe trở lại chốn thị thành.
Mặt trời còn sót lại những tia nắng yếu ớt nhưng cũng đủ làm đỏ rực một góc trời. Mắt tôi dừng lại ở vạt hoa xuyến chi đang khẽ cựa mình nhè nhẹ trong làn gió miên man. Hoa trắng nở quanh nhụy vàng thanh khiết. Có người êm đềm đi qua chúng với sự trầm trồ, luyến lưu, sao có loài hoa dại dễ thương đến thế. Cũng có ai đó đã từng hững hờ lướt nhanh vì sợ hạt gai hoa bám lên người, thêm rắc rối. Thế nhưng sau tất cả, chúng vẫn mọc hoang dại mạnh mẽ ở bất kỳ nơi đâu, dù là vùng đất đai khô cằn sỏi đá đi chăng nữa. Những bông hoa ấy vẫn tỏa sắc dung dị, lặng lẽ bên đời, đong đưa cùng gió trong chiều tà đẹp đẽ nhưng buồn đến nao lòng. Hoa xuyến chi dân dã, hoài niệm đã đưa tôi về miền xa ngái lắc lơ với bao ký ức hồn nhiên, thơ ngây.
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Ngày xưa, tôi cùng đám bạn thường nắm tay nhau chơi đùa trên cánh đồng đầy gốc rạ chân quê. Chúng tôi chơi trò cô dâu chú rể, mấy đứa con gái ùa đến bên khóm xuyến chi ngắt vài nhành hoa gom thành một bó hoa cưới. Cứ đứa này tặng đứa kia, cả đám cười khoái chí. Con gái được dịp làm điệu, lấy hoa cài lên mái tóc, vành tai mà thấy duyên quê lạ lùng. Chơi thấm mệt, cả nhóm lăn ra nằm trên bờ ruộng nhìn những cánh chim đang chao liệng trên vòm trời như chở bao ước mơ thần tiên.
Ai rồi cũng phải lớn. Đám trẻ ngày ấy cũng đến lúc bôn ba khẳng định bản thân trong giấc mơ nơi thị thành. Đang vội vã giữa Sài Gòn phồn hoa, có lúc vô tình thấy vạt hoa xuyên chi hiếm hoi đang đùa vui trong giọt nắng tươi lan bên vệ đường, tôi liền đi về phía ấy, đau đáu một ánh nhìn. Lòng tôi thổn thức, thấy nhớ da diết mùi của thanh xuân đồng nội mà tôi cùng bè bạn gửi lại quê xa. Đó là mùi khói bếp trong chiều lảng bảng, là mùi thơm nồng nàn khi gối đầu lên hoa cỏ, mùi của lúa non, rạ rơm, của những màu xanh ngút ngàn, nhìn đâu cũng thấy chân trời. Tất cả giờ chỉ còn là những nhớ nhung dày lên theo năm tháng.
Đứng giữa đất trời quê hương, nhắm mắt cảm nhận từ trong tiềm thức hình ảnh cánh cò, cánh vạc yên ả, vỗ về cùng lời thì thầm, khích lệ của mẹ cha. Khẽ mỉm cười, gửi gắm lòng tin và mong mình mãi mộc mạc, dịu dàng nhưng không kém phần mạnh mẽ như những bông hoa xuyến chi tinh khôi nở giữa cuộc đời.
Đặng Việt Trinh

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.