(GLO)- Xác định công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một kênh giải quyết việc làm hữu hiệu nhằm giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác này.
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2018, toàn tỉnh Gia Lai có 1.430 người đi XKLĐ, đạt 102% kế hoạch. Đáng chú ý, thị trường XKLĐ của tỉnh chủ yếu là những nước có điều kiện ưu đãi tốt, chi phí thấp, thu nhập cao, việc làm phù hợp với trình độ như: Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Đài Loan, Malaysia... nên có sức hấp dẫn người lao động tại địa phương.
Vừa hết hạn 2 năm hợp đồng làm việc tại Ả Rập Xê Út, chị Rcom H'Cha (làng Thơ Ga B, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) rất vui khi kể về công việc ở nước ngoài: “Mình sang Ả Rập Xê Út làm nghề giúp việc. Công việc nhẹ nhàng, lương tháng hơn 9 triệu đồng sau khi trừ tất cả các khoản chi phí. Sau 2 năm, mình để dành được 170 triệu đồng làm được căn nhà vững chãi. Mình vui lắm. Nếu có cơ hội đi nữa, mình sẽ tiếp tục đăng ký thêm 2 năm để có vốn phát triển kinh tế”.
Chị Rcom H'Cha (giữa) vừa trở về sau khi hết hạn làm việc ở Ả Rập Xê Út. Ảnh: Đ.Y |
Năm qua, những người tham gia XKLĐ đã chuyển về cho người thân khoảng 120 tỷ đồng (chưa tính thị trường Lào và Campuchia). Thu nhập bình quân của người lao động sau khi trừ các khoản chi phí tại thị trường Ả Rập Xê Út là 9 triệu đồng/tháng, Hàn Quốc 25 triệu đồng/tháng, Nhật Bản 30 triệu đồng/tháng, Đài Loan 15 triệu đồng/tháng...
Để đạt được kết quả trên, năm 2018, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu UBND tỉnh thẩm định, đồng thời giới thiệu các công ty XKLĐ phối hợp với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động đưa đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Hầu hết 12 công ty XKLĐ được Sở giới thiệu đều thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình. Trong số đó phải kể đến Công ty cổ phần Hợp tác Lao động Quốc tế VINACO. Năm 2018, Công ty đã đưa 178 người đi XKLĐ, trong đó có 155 người đi Ả Rập Xê Út, 15 người đi Malaysia, 8 người đi Đài Loan.
Bà Phạm Thị Thi-Phó Trưởng phòng Tuyển dụng (Công ty cổ phần Hợp tác Lao động Quốc tế VINACO) cho biết: Từ năm 2016 đến nay, đơn vị được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội mời trực tiếp tham gia công tác XKLĐ. Làm công tác XKLĐ ở vùng thuận lợi đã khó, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa càng khó hơn bởi trình độ, nhận thức của người dân còn hạn chế, để bà con hiểu và tự tin tham gia XKLĐ là cả một quá trình. “Lúc đầu, người dân còn e dè, cho rằng đi XKLĐ không biết có còn đường về không, sang nước khác lỡ có chuyện gì rủi ro ai sẽ giúp đỡ, có khi mang cả đống nợ… Vì vậy, Công ty phải hàng ngày “bám làng, bám hộ” để nắm bắt tình hình và tuyên truyền. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền xã và huyện, người dân đã hiểu rõ hơn về chương trình XKLĐ và tham gia”-bà Thi trao đổi. Hơn nữa, riêng XKLĐ sang Ả Rập Xê Út thuộc chương trình hỗ trợ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, vì thế người lao động được hỗ trợ tất cả các chi phí như: khám sức khỏe, ăn ở, học ngôn ngữ, học giáo dục định hướng, làm thủ tục visa, nhập cảnh... Khi đủ điều kiện đi XKLĐ, người lao động còn được phía Công ty hỗ trợ 5 triệu đồng/người để mua vật dụng cá nhân. Đây là thị trường khá phù hợp với lao động nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nên người dân đặc biệt quan tâm.
Theo ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài không chỉ có cơ hội nâng cao thu nhập mà còn được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật tiên tiến, phong cách làm việc khoa học, hiện đại. Sau khi hết thời hạn làm việc và trở về nước, người lao động sẽ thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng để khi có điều kiện có thể mở doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho gia đình và cộng đồng.
Năm 2019, tỉnh Gia Lai phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 25.700 lao động, trong đó đưa 1.400 người đi XKLĐ. Nói về các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các huyện, thị xã, thành phố cần tích cực phối hợp với các công ty XKLĐ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động. Bên cạnh đó, các công ty XKLĐ được Sở giới thiệu về cơ sở cũng cần tích cực triển khai kế hoạch của mình. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch việc làm (ngày 10 hàng tháng), tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động... Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để hỗ trợ người lao động vay vốn ưu đãi, cấp hộ chiếu, khám sức khỏe... tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia XKLĐ.
ĐINH YẾN