Xuân ấm no trên vùng biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Lên biên giới những ngày cuối năm, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện đẹp về tình yêu lao động sản xuất, khát vọng xây dựng cuộc sống mới cũng như quyết tâm bảo vệ biên cương Tổ quốc của những người dân nơi phên giậu.

Chuyện cây lúa nước trên biên giới

Khi hoàng hôn dần buông, trên cánh đồng lúa nước gần 100 ha của làng Klăh (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông), tiếng người dân í ới gọi nhau về sau một ngày lao động vất vả.

Nhìn cánh đồng mênh mông thẳng cánh cò bay, nhiều người nghĩ nó có từ lâu đời. Nhưng theo già làng Ra Lan Hlek thì không phải như vậy. Vừa dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông thẳng tắp nối ra cánh đồng của làng, ông vừa bắt đầu câu chuyện bằng chất giọng trầm ấm, khuôn mặt toát lên niềm vui xen lẫn tự hào: “Cây lúa nước đã làm cho nhiều hộ dân thoát nghèo”.

Theo già Hlek, trước đây, trên cánh đồng này, người dân chỉ trồng 1 vụ lúa rẫy, thời gian từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch là 6 tháng nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 1 tấn/ha. Nửa năm còn lại, ruộng đồng bỏ hoang cho cây cỏ mọc um tùm. Thấy nguồn nước dồi dào, diện tích đất nhiều mà người dân vẫn quen tập quán cũ, lãnh đạo huyện Chư Prông và xã Ia Mơr đã vận động bà con khai hoang, dẫn nước vào ruộng để canh tác lúa nước.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: T.T

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: T.T

Chuyện đưa cây lúa nước trồng đại trà trên vùng biên giới Ia Mơr thì rất dài. Ngồi bên bếp lửa hồng trong căn nhà khang trang, nhấp ly rượu mừng mùa vàng bội thu, già Hlek chậm rãi kể: “Lúc đầu, huyện, xã vận động người dân khai hoang trồng lúa nước, nhiều người không muốn làm. Nguyên nhân là vì bà con đã quen với cây lúa rẫy, gieo hạt xuống đất rồi đợi ngày thu hoạch. Còn trồng lúa nước phải mất công chăm sóc, phân bón, dẫn nước về ruộng”.

Ngồi bên cạnh chúng tôi, anh Siu Thọ-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Klăh góp thêm câu chuyện: Trồng lúa nước với người dân tộc thiểu số ở các huyện khác thì khá đơn giản. Nhưng với người dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới Ia Mơr thì là... chuyện lạ. Lạ bởi bà con chưa làm bao giờ. Mà muốn làm thì phải khai hoang đồng ruộng, học cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh…

Thấy bà con còn ngại, những cán bộ, đảng viên của làng phải đi đầu làm trước. Ban đầu, huyện và các đơn vị quân đội hỗ trợ máy móc khai hoang, giống lúa, phân bón. Năm 2020, 25 hộ gia đình, trong đó có nhiều hộ cán bộ, đảng viên bắt tay gieo sạ hơn 35 ha lúa nước. Vụ đó, năng suất lúa đạt 8-9 tấn/ha, vượt xa so với trồng lúa rẫy.

Thấy được hiệu quả, những năm tiếp theo, người dân ra sức khai hoang để trồng lúa nước. Diện tích trồng lúa nước của làng giờ đã lên gần 100 ha. Dân làng giờ không chỉ đủ gạo để ăn mà còn bán ra thị trường.

Cánh đồng lúa làng Klăh đã được cơ giới hóa. Ảnh: TT

Cánh đồng lúa làng Klăh đã được cơ giới hóa. Ảnh: TT

Thấy người dân làng Klăh trồng lúa nước cho những mùa vàng bội thu, người dân các làng: Hnáp, Khôi, Krông cũng học hỏi, làm theo. Anh Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-chia sẻ: Đưa được cây lúa nước lên vùng biên giới là một cuộc cách mạng. Khi ý Đảng hợp với lòng dân thì dù khó khăn, vất vả bao nhiêu cũng làm nên thành quả. Nhờ cây lúa nước, người dân không chỉ chủ động về lương thực mà còn có lúa gạo bán ra thị trường.

Nhờ đó, năm 2023, xã đã giảm được 27 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo so với năm 2022. Đây cũng là cơ sở để chúng tôi phấn đấu mỗi năm giảm 3-5% hộ nghèo.

Chung tay bảo vệ biên cương

Già làng Siu Deo (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) năm nay đã bước qua 75 mùa rẫy. Hơn ai hết, ông hiểu được giá trị khi buôn làng được bình yên. “Mình lớn lên khi đất nước có chiến tranh, tham gia du kích đánh Mỹ rồi đánh bọn FULRO, Pol Pot… Ngày ấy, dân làng khổ sở lắm.

Nhờ Đảng, nhờ cách mạng nên mới có cuộc sống bình yên như ngày hôm nay. Chính vì thế, mình vẫn thường nói với mọi người hãy biết bảo vệ buôn làng, tuyệt đối không nghe theo kẻ xấu. Không có nơi nào bằng quê hương mình. Chính vì thế, làng đã thành lập tổ tự quản bảo vệ an ninh trật tự, thường xuyên tuần tra để kẻ xấu không có cơ hội phá hoại”-già làng Siu Deo bộc bạch.

Để chung tay bảo vệ cuộc sống bình yên, hiện nay, trên địa bàn 7 xã biên giới của tỉnh đã thành lập 65 tổ tự quản với 430 thành viên. Trong đó, 13 tổ tự quản đường biên cột mốc với 82 thành viên; 1 câu lạc bộ “Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc” với 6 thành viên; 48 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng với 326 thành viên; 1 tổ tàu thuyền an toàn với 6 thành viên và 2 tổ tự quản an ninh trật tự trong đồng bào có đạo với 10 thành viên. Đây là lực lượng quan trọng bảo vệ bình yên của mỗi thôn, làng.

Già Ksor H' Lâm (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với lực lượng chức năng về tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: TT

Già Ksor H' Lâm (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với lực lượng chức năng về tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: TT

Hơn 10 năm làm già làng, cũng ngần ấy năm già làng Ksor H’Blâm (làng Krông, xã Ia Mơr) tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc. Hình ảnh người nữ già làng luôn đến tận các gia đình để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật hay nhắc nhở thanh niên chăm lo làm ăn, không tụ tập uống rượu đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.

Già làng Ksor H’Blâm chia sẻ: “Năm nay, làng mình sẽ đón Tết vui hơn vì nhiều người dân bội thu mùa lúa, mùa mì. Dù buồn lắm khi nhắc tới câu chuyện xảy ra ở huyện Cư Kuin (tỉnh Đak Lak) nhưng mình vẫn phải nhắc nhở để mọi người phải cảnh giác, không tin, không nghe theo các đối tượng xấu làm những việc phi pháp. Đây là bài học xương máu cho mọi người. Bà con phải đoàn kết tin và nghe theo Đảng, chính quyền. Mình vẫn nói với người dân trong làng phải chăm lo lao động sản xuất để có cuộc sống tốt hơn”.

Chỉ tay về phía con đường bê tông thẳng tắp của làng, già Ksor H’Blâm cho biết thêm: “Trước đây lên TP. Pleiku phải mất hơn 3 giờ đồng hồ đi ô tô. Giờ Nhà nước làm cho con đường, chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ là đến phố rồi. Chỉ có Đảng mới giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn”.

Chúng tôi gặp ông Rơ Châm Míu-Chấp sự điểm nhóm Tin lành làng Nú (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) khi ông cùng tổ tự quản an ninh trật tự trong vùng đồng bào theo đạo đi vận động các gia đình không để con em mình sử dụng pháo trong dịp Tết.

“Tết cổ truyền của dân tộc thì ai cũng vui. Nhưng vui Tết cũng không được vi phạm pháp luật. Đó là những điều tôi luôn nhắc nhở bà con theo đạo. Mình sống trên khu vực biên giới thì phải có trách nhiệm cùng mọi người bảo vệ biên cương, đó cũng là bảo vệ cuộc sống của mỗi gia đình”-ông Rơ Châm Míu chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Người dệt chuyện đời trên thổ cẩm

Người dệt chuyện đời trên thổ cẩm

(GLO)- Những chuyện kể về tháng ngày dân làng đoàn kết một lòng chống giặc, chuyện mùa gặt trên nương rẫy hay ngày làng có lễ hội… đều được nghệ nhân Rơ Châm Monh (làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tạo thành hoa văn trên thổ cẩm.
Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch

Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch

(GLO)- Không chỉ giúp hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển, quy hoạch tỉnh còn được xem như một chỉ dẫn quan trọng để định vị những giá trị, cơ hội cũng như xác định những thách thức trong tương lai.
Công ty Phát triển thủy điện Sê San: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra

Công ty Phát triển thủy điện Sê San: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra

(GLO)- Nhờ bám sát chủ trương, nhiệm vụ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cùng sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo và người lao động, Công ty Phát triển thủy điện Sê San đã đạt và vượt các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, đảm bảo duy trì sản xuất điện an toàn, liên tục.

Người thầy giữa đại ngàn

Người thầy giữa đại ngàn

(GLO)- Hè năm 2004, bản thảo tiểu thuyết “Màu rừng ruộng” của tôi đang giữa chừng thì tắc mạch. Sau chuyến đi Buôn Đôn, tôi đã được dũng sĩ săn voi Ama Kông “vẽ đường” cho nhân vật Y Than.

Năng lượng tái tạo: Đòn bẩy tăng trưởng xanh

Năng lượng tái tạo: Đòn bẩy tăng trưởng xanh

(GLO)- Trong định hướng phát triển, Gia Lai xác định năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp. Với định hướng đó, tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, hướng đến tăng trưởng xanh.
Bác sĩ về làng

Bác sĩ về làng

(GLO)- “Ơi bà con, ngày mai có đoàn bác sĩ của tỉnh xuống thăm khám sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trong làng. Bà con đến Nhà văn hóa cộng đồng để được thăm khám nhé”-chị Hrac-cán bộ y tế làng Amil (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) trực tiếp đến từng nhà thông báo.
“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

(GLO)- Dù mới học lớp 5 và chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng ông Phạm Văn Bình (SN 1978, thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã sáng chế nhiều máy nông nghiệp giúp người nông dân giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động.
Ia Grai quyết tâm phát triển toàn diện

Ia Grai quyết tâm phát triển toàn diện

(GLO)- Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện cùng sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân, huyện Ia Grai đã đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra.

Chư Păh đẩy mạnh thực hiện “3 đột phá”

Chư Păh đẩy mạnh thực hiện “3 đột phá”

(GLO)- Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Chư Păh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.

Nối dài những đường tơ

Nối dài những đường tơ

(GLO)- Kết nối những giá trị vượt thời gian của thổ cẩm Tây Nguyên vào thời trang, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh đã khiến thổ cẩm thăng hoa trên các sàn diễn trong nước và quốc tế hàng thập kỷ qua.
Hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng động lực Tây Nguyên

Hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng động lực Tây Nguyên

(GLO)- Gia Lai phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”; trở thành điểm đến xanh, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe con người; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn trên cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng.