Xứ củ mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đất quê tôi rất ưa cây mì. Mì gần như phủ kín mặt đất, từ vườn nhà đến gò đồi, thậm chí có những rẫy mì tít tắp trên núi cao. Mì gắn bó quanh năm với người dân, làm nên tên gọi một vùng quê: “xứ củ mì”.
Trẻ con lớn lên từ mì. Có đứa mở mắt chào đời ở cái chòi trên rẫy mì. Đó còn là không gian đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ: Những đêm trăng sáng, những buổi trưa không ngủ chơi trò “năm mười”, “bắn bùm” trong đám mì; thả bò trên rẫy, đói bụng rủ nhau moi củ mì lùi ăn, có khi gặp giống mì nhặt, cả lũ xây xẩm mặt mày.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Trồng mì vừa vất vả vừa nhiều nỗi lo. Vào độ tháng 10, khi mùa lụt đến, những đám mì trồng ở vườn, ở đất canh tác trong làng rất dễ bị úng, phải nhổ gấp. Người dân phải chạy đua với nước, nơi nào ngập trước nhổ trước. Cả xóm đổi công cho nhau để nhổ. Nếu không kịp, ba hôm mì héo ngọn, củ mềm đi là mất trắng. Họ mang áo tơi đội mưa cả ngày để nhổ, gọi là nhổ nhưng thực ra chỉ cầm cây mì rút nhẹ là lên cả chùm củ. Đêm, cả xóm tập trung khẩn trương gọt mì đến tận khuya. Nhiều quá thì leo lên đống mì đạp cho bong lớp vỏ bên ngoài. Ai cũng mệt nhưng vui!
Mưa dầm. Không thể xắt phơi nên củ mì được chế biến, bảo quản theo nhiều cách để dành lâu dài. Chọn một ít củ lớn, khoảng vài thúng cho vào thùng nước ngâm, vài ngày thì chua, vớt ra treo khô, không sợ mọt. Mì này thường dùng hấp cơm hoặc khi hết gạo nấu ăn chống đói. Hầu hết số mì nhổ vào mùa mưa người ta đem mài (sau này có máy xay xát) rồi chà, cho ra bột nhứt, bột nhì và xác mì.
Chà mì là việc khó nhất, mất nhiều sức nhất. Người chà giỏi là lấy được hết tinh bột, xác sạch trơn. Cả xóm chỉ vài người biết chà. Người ta dàn một hàng thùng chà, miệng rộng cỡ ba gang tay người lớn, ít gì cũng năm sáu cái, nhiều có khi đến hơn mươi cái. Trên đó đặt cái rổ chà đan bằng nan tre chuốt nhẵn, trên rổ lót tấm khăn chà bằng vải thun và được buộc chặt vào vành rổ. Người chà xúc mì đã xay vào rổ, múc nước đổ vào, khom người dùng tay quậy đều, quậy mạnh và ép chặt. Cứ thế, chừng nào thấy hết bột thì đổ xác. Sáng hôm sau, trong thùng có ba lớp: lắng dưới đáy là bột nhứt trắng tinh, giữa là bột nhì vàng vàng nâu nâu, trên cùng là nước có mùi chua.
Bột nhứt để dành ăn quanh năm, có thể chế biến thành nhiều món khác nhau cho khỏi ngán. Nhưng người quê tôi thường khuấy chấm nước mắm, có được con cá rô đồng nướng dằm mắm nhỉ càng ngon. Bột nhì tráng bánh hoặc phơi khô, không ngon nhưng lúc đói ăn được. Xác mì phơi khô làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. 
Dân quê tôi sống nhờ mì. Mì nuôi dưỡng và góp phần hình thành nên vẻ đẹp tâm hồn họ: chân chất, chịu thương chịu khó và nghĩa tình! Dù đã mấy mươi năm sống ở phố thị nhưng tôi vẫn mang theo cái “chất mì” của quê hương mình.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.