Nhiều doanh nghiệp nhỏ về bán lẻ trong những ngày qua khi đề cập tới cảnh bán buôn ế ẩm vẫn thường buông câu cửa miệng “vắng như tết”. Và trên không ít trang mạng cá nhân nhiều người vẫn dùng “phép thắng lợi tinh thần” để đùa rằng “hôm nay là mùng… Tết Côvy”, nhưng thực tâm là một trạng thái buồn trước cảnh vắng vẻ của phố xá bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Đó là cách nói của những cá nhân, trên trang cá nhân của họ. Ở chừng mực nào đó, có tính đùa một chút, hoặc là một cách ví von, để diễn tả khung cảnh phố xá vắng lặng những ngày qua trong mùa dịch bệnh COVID-19.
Điều đó không có nghĩa, các doanh nghiệp, cũng có quyền đùa như thế. Và đặc biệt, càng không thể dùng cụm từ “Tết Côvy” với một trạng thái hồ hởi vui mừng để quảng cáo cho dịch vụ hoặc sản phẩm của mình.
“Có PruRewards, đón “Tết-Cô-Vy” đủ đầy!”. Cho dù cụm từ “Tết Côvy” được dùng trong ngoặc kép, thì câu truyền thông quảng cáo cho một loại dịch vụ dành cho hội viên này của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam cũng không nên vì phản cảm, khó có thể chấp nhận.
“Tháng tư cả nước ở nhà, Hội viên PruRewards đã quen với nhịp sống mới chưa? Bản tin Chủ nhật đổi quà giúp bạn #ở_nhà_vẫn_vui với 4 ưu đãi từ… để gia đình bạn “đón Tết Cô-Vy”…
Sự lệch lạc về truyền thông, quảng cáo nhưng qua đó cũng cho thấy một góc của vấn đề văn hóa trong cách làm của doanh nghiệp cần phải chấn chỉnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần xử lí nghiêm trường hợp sử dụng ngôn từ, lời lẽ trong truyền thông, quảng cáo thiếu chuẩn mực gây phản cảm, không đúng nơi đúng chỗ.
Còn nhớ vào tháng 10.2016, sau một trận mưa lớn vào lúc chiều tối, TPHCM bị ngập nặng, trên mạng xã hội khi ấy người dùng đã sử dụng cụm từ “Sài Gòn thất thủ” để chỉ tình trạng ngập nặng khiến giao thông tê liệt, người và xe cộ đi cũng không được mà về cũng không xong.
Đúng thời điểm đó, công ty vận hành ứng dụng gọi xe Uber (lúc đó còn hoạt động tại Việt Nam) đã tung ra câu truyền thông cũng trên mạng xã hội Facebook rằng “Sài Gòn thất thủ. Nhưng Uber không thất thủ” để quảng cáo cho dịch vụ của mình. Tất nhiên, cách quảng cáo gây phản cảm này đã bị chính dư luận mạng phản ứng mạnh mẽ vì lợi dụng bối cảnh Sài Gòn ngập nặng để quảng cáo trục lợi, không phù hợp về đạo đức kinh doanh. Kết cục, Uber Việt Nam đã bị cơ quan quản lí văn hóa xử phạt.
Quay trở lại trường hợp sử dụng cụm từ “Tết-Cô-Vy” của Prudential Việt Nam, cho dù chỉ nhằm chăm sóc cho hội viên của mình, nhưng cũng không phù hợp vì bị dư luận cho rằng đùa vui trên dịch bệnh đang diễn ra nghiêm trọng gây mất mát, đau thương, lo lắng cho con người trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Tất nhiên, như vậy cũng hoàn toàn không phù hợp về đạo đức kinh doanh của một doanh nghiệp.
https://laodong.vn/ban-doc/xin-dung-lay-dich-benh-de-dua-vui-quang-cao-797307.ldo
Theo Thế Lâm (LĐO)