Xây dựng bảng giá đất cần đánh giá tác động tới người dân, doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong việc điều chỉnh bảng giá đất, các địa phương cần xem xét kỹ lưỡng tính ổn định của hệ thống pháp luật, đánh giá tác động đến các nhóm đối tượng sử dụng đất nhất là người dân, doanh nghiệp.

Nhiều nơi xuất hiện “làn sóng” đấu giá đất với mức giá trúng cao bất thường. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Nhiều nơi xuất hiện “làn sóng” đấu giá đất với mức giá trúng cao bất thường. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1/8/2024) đang được dư luận đặc biệt quan tâm, song nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, gặp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Thậm chí một số nơi còn xuất hiện “làn sóng” đấu giá đất với mức giá trúng cao bất thường (gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm), gây ảnh hưởng xấu tới tiến trình phục hồi, phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh trong quá trình xây dựng bảng giá đất điều chỉnh, các địa phương cần xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ đến các nhóm đối tượng sử dụng đất nhất là người dân và doanh nghiệp.

Tăng giá đất đột biến gây phản ứng trái chiều

- Đầu tiên, xin ông cho biết tình hình xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 tại các địa phương hiện đang được triển khai ra sao?

Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Một trong những nội dung mang tính đột phá của Luật Đất đai 2024 là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có nội dung điều chỉnh, xây dựng bảng giá đất. Tuy nhiên do có nhiều điểm mới nên thời gian đầu không tránh khỏi một số khó khăn, lúng túng tại các địa phương.

Đơn cử, khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 quy định bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.

Trường hợp cần thiết, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Đây là quy định chuyển tiếp nhằm nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 để áp dụng từ 1/1/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến ảnh hướng đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Tuy nhiên khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ thì sẽ xảy ra trường hợp bảng giá đất điều chỉnh có chênh lệch rất lớn so với giá đất bảng giá đất hiện hành. Điều này khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng bảng giá đất cũ.

Mặt khác nếu các tỉnh, thành phố không điều chỉnh kịp thời bảng giá đất cho phù hợp với tình hình tại địa phương thì rất dễ dẫn đến giá đất trong kết quả đấu giá chênh lệch rất lớn so với giá khởi điểm, qua đó tạo nên sự đột biến, bất thường về mức giá trúng và có thể gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều địa phương gặp vướng mắc, lúng túng trong triển khai Luật Đất đai trong thời gian qua.

- Để ngăn thực trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có giải pháp gì để tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Để đảm bảo các điều kiện triển khai Luật Đất đai 2024 từ ngày 1/8, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã phối hợp xây dựng, trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai luật. Trong đó riêng vấn đề liên quan đến giá đất, bảng giá đất thuộc thẩm quyền của các tỉnh, thành phố, từ ngày 8/8 đến nay, bộ đã 3 lần có các văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương hoàn thiện các văn bản thẩm quyền được giao tại Nghị định số 71/2024 và việc điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế giá đất tại địa phương.

Ngoài ra, bộ đã làm việc với các địa phương gặp vướng mắc để tháo gỡ. Đơn cử, ngày 10/9 vừa qua, chúng tôi cùng các bộ, ngành liên quan đã làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp xử lý các vướng mắc của thành phố trong áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024.

Ngay sau cuộc làm việc trên, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo các địa phương và các sở, ban, ngành liên quan như cho phép sử dụng bảng giá đất hiện hành để giải quyết các hồ sơ thuế đất tồn đọng trong thời gian qua; chuẩn bị các bước để ban hành bảng giá đất điều chỉnh trong tháng 10/2024.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo báo cáo của các địa phương, từ 18/1/2024 đến 31/7/2024, có 12 tỉnh thành đã ban hành bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại khoản 1, điều 257 của Luật Đất đai 2024. Đặc biệt từ ngày 1/8 đến nay có thêm 4 tỉnh, thành phố ban hành bảng giá đất điều chỉnh gồm: Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình, Nam Định. Các địa phương này đều không gặp vướng mắc gì trong triển khai quy định trên.

Xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về quá trình hướng dẫn các địa phương trong việc điều chỉnh, xây dựng bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 để hạn chế được các vướng mắc, lúng túng ban đầu trong quá trình triển khai luật?

Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Luật Đất đai 2024 đã phân cấp cho địa phương một nhiệm vụ rất quan trọng (điều chỉnh, xây dựng bảng giá đất), có tác động đến đông đảo đối tượng sử dụng đất. Vì vậy vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị toàn quốc phổ biến các quy định chi tiết thi hành Luật đất đai 2024, trong đó có Nghị định số 71/2024 quy định về giá đất.

Đến nay các văn bản liên quan về giá đất, bảng giá đất đã khá đầy đủ. Tuy nhiên để thống nhất triển khai, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chuyên môn cũng đã cùng thảo luận, đối thoại với đại diện sở tài nguyên và môi trường của 63 tỉnh thành để làm rõ các vấn đề còn có cách hiểu khác nhau, từ đó thống nhất trong nhận thức, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện luật trong thực tiễn.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác để tiếp nhận các ý kiến phản ánh, các kiến nghị đề xuất của địa phương để kịp thời hướng dẫn, xử lý các khó khăn vướng mắc ngay từ đầu.

- Là thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đất đai, trực tiếp tham gia từ quá trình xây dựng luật cho đến các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai luật, ông có chia sẻ hay đề nghị gì với các ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vấn đề xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024?

Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Quy định về giá đất, bảng giá đất trong Luật Đất đai 2024 là chính sách cốt lõi trong vấn đề tài chính đất đai giúp hoàn thiện phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, góp phần làm hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong vấn đề đất đai, như tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Đến nay các văn bản hướng dẫn triển khai cũng đã khá đầy đủ. Điều cần thiết bây giờ là tập trung vào khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là cần kiên trì, nhất quán trong việc thực hiện chính sách này. Việc điều chỉnh, bổ sung ngay sau khi chính sách vừa được ban hành cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng tính ổn định của hệ thống pháp luật, tránh tác động không mong muốn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và dư luận trong, ngoài nước, môi trường đầu tư kinh doanh...

Đối với các địa phương, trong quá trình điều chỉnh, xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 cần xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ. Theo đó, các địa phương cần phải phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành, xem xét giá đất trong bảng giá đất so với mặt bằng giá đất tại địa phương; đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với đối tượng áp dụng, có lộ trình phù hợp, mức tăng phù hợp với từng khu vực, vị trí, loại đất.

Ngoài ra, các địa phương phải lấy ý kiến đơn vị có liên quan để tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, hạn chế việc chênh lệch quá lớn về nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải thực hiện; đảm bảo sự đồng thuận của cơ quan thẩm định và các đối tượng chịu tác động, hạn chế phản ứng bất bình, thiếu đồng thuận trong xã hội.

Xin cảm ơn thứ trưởng!

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.