Xả trạm để người dân đón lễ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, nhưng nhiều gia đình, nhất là ở phía nam, vẫn đắn đo chưa dám quyết có nên đi chơi hay không.

Bởi với họ, ám ảnh nhất, mệt nhất và bức xúc nhất khi đi xa chính là kẹt xe ở các trạm thu phí.

Ví dụ, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dù đã được đưa vào hoạt động hơn 7 năm nay, nhưng vẫn luôn là điểm nóng ùn tắc mỗi đợt lễ tết. Theo thống kê, lượng xe qua tuyến này đã vượt mốc 60.000 lượt/ngày, kỷ lục nhất là ngày 29.4.2021 đạt 75.000 lượt, trong khi thiết kế chỉ đáp ứng 44.000 lượt/ngày. Chưa kể, hiện trạm thu phí trên tuyến cao tốc này vẫn chưa lắp đặt thu phí điện tử không dừng (ETC) thống nhất với cả nước. Thế nên, “chôn chân” ở đây trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân và doanh nghiệp chẳng may phải trải nghiệm.

Trong khi đó, dịp lễ này dự báo nhu cầu đi lại sẽ tăng rất mạnh bởi sau hơn 2 năm dịch bệnh căng thẳng, hầu hết mọi người đều muốn nghỉ ngơi, thư giãn, tái tạo sức khỏe; Các tỉnh, thành trên cả nước cũng đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn để thu hút du khách, lấy đà phục hồi kinh tế; kỳ nghỉ năm nay lại dài, tới 4 ngày... Có thể nói, mọi yếu tố đều thuận lợi để lên chương trình cho một kỳ nghỉ trọn vẹn trừ nỗi ám ảnh kẹt xe ở các trạm thu phí.

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5. Công điện có yêu cầu các trạm thu phí BOT phải chủ động xả trạm khi có ùn tắc kéo dài. Đây là chỉ đạo hết sức thiết thực, hợp lòng dân và để chỉ đạo của Thủ tướng được thực thi một cách hiệu quả nhất, các trạm thu phí nên tuyên bố xả trạm mà không cần đợi đến khi ùn tắc kéo dài.

Thứ nhất, ùn tắc như phân tích trên, chắc chắn sẽ xảy ra. Thứ hai, một phần trong các nguyên nhân dẫn đến ùn tắc ở các trạm thu phí là do chưa hoàn thành lắp đặt ETC, trong đó có lỗi của các trạm BOT. Vì vậy, không thể bắt người dân, doanh nghiệp phải chịu hậu quả vì sự chậm chạp của mình. Thứ ba, việc xả trạm nhân dịp lễ sẽ giúp tiết kiệm một khoản không nhỏ cho xã hội. Cứ hình dung hàng trăm xe máy, ô tô phải dừng từ 30 - 60 phút, thậm chí lâu hơn ở các trạm BOT thì chi phí xăng dầu, chi phí thời gian, sức khỏe, chi phí cơ hội... là rất lớn. Chưa kể xả trạm ở thời điểm này cũng như một sự chia sẻ, động viên người dân, doanh nghiệp sau một thời gian dài khó khăn, vất vả, thậm chí là suy kiệt vì dịch bệnh. Nỗi ám ảnh kẹt xe giảm xuống, nhiều người đang dùng dằng “nửa ở nửa đi” chắc chắn sẽ có lựa chọn dứt khoát hơn.

Mở cửa hoàn toàn từ đầu tháng 3, nhưng theo các công ty lữ hành, ngành du lịch năm nay vẫn phải dựa vào khách nội địa. Trong đó, dịp lễ 30.4 - 1.5 được kỳ vọng sẽ là cơ sở để đột phá không chỉ nghỉ dưỡng mà còn dịch vụ, hàng không, mua sắm, tiêu dùng...

Thế nên, xả trạm thu phí để giúp người dân có một hành trình thuận lợi về tình, về lý... đều nên làm. Một mũi tên, trúng nhiều đích!

Theo Niên An (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Một trong những nguyên nhân khiến lộ lọt thông tin từ camera an ninh của nhiều gia đình, mà Thanh Niên phản ánh trên số báo hôm nay, chính là mua phải hàng trôi nổi trên thị trường, trong đó số lượng không nhỏ đến từ các sàn thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ tại VN.

Thả gà ra để đuổi

Thả gà ra để đuổi

Những ngày qua, hàng trăm người dân ở xã Quỳnh Long và một số xã khác thuộc H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) hoang mang khi nhận được tin báo nhóm người đứng ra huy động tiền của họ bằng hình thức cho vay lãi suất cao bất ngờ tuyên bố không còn khả năng trả nợ.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.