"Vương quốc" của những gốc cây lớn kỳ lạ chưa từng thấy ở Quảng Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đây là cánh “rừng thiêng” theo quan niệm truyền thống của người Cơ Tu nên không có ai dám bén mảng, xâm phạm rừng.
Đêm giữa rừng già nguyên sinh A Xan (Tây Giang, Quảng Nam), nơi mảnh đất biên giới Việt – Lào, rộn vang tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng cười nói vui như hội. Bên đống lửa cháy rực giữa sân làng du lịch sinh thái rừng di sản pơ mu, rượu mừng được rót tràn chén mời các già làng, các cán bộ.
Và, cô gái Cơ Tu A Lăng Ngái cất giọng hát cao vút với những ca khúc cách mạng một thời kháng chiến đánh giặc giữ nước, giữ rừng Trường Sơn cho những binh đoàn ra trận… 
Ông Bhriu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang vỗ tay và nâng chén rượu phấn khởi, nói lớn: “Chúng ta thành công rồi! Thành công rồi!…”. Tôi hiểu ý ông Bhriu Liếc. Không chỉ ông tán thưởng A Lăng Ngái hát hay, mà tiếng hát của cô gái Cơ Tu đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quảng Nam, hiện là nhân viên Trung tâm du lịch Tây Giang, vang lên giữa rừng pơ mu di sản Việt Nam hôm nay, là sự thành công của cả một hành trình gian lao cực khổ, để rừng cây hàng nghìn năm tuổi, quý giá bậc nhất thế giới, tưởng chừng đã bị quên lãng, trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước, đem lại niềm tự hào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho miền biên viễn xa xôi này.
Để có được thành công như hôm nay, ông Bhriu Liếc cùng các cán bộ, già làng Tây Giang đã thực hiện hành trình hàng chục lần trèo non, vượt suối, lặn lội trong đại ngàn nguyên sinh có khi hàng tuần, hàng tháng mới xác định được vị trí của quần thể hàng nghìn cây pơ mu, nghìn năm tuổi. Rồi trăn trở với ý tưởng hình thành làng du lịch sinh thái giữa rừng pơ mu, để bảo vệ rừng cây, phát triển du lịch, quảng bá loài cây quý, quảng bá niềm tự hào của người Cơ Tu mảnh đất vùng biên xa xôi đến với cộng đồng trong và ngoài nước.
Hơn 1 năm qua, từ ngày có làng du lịch sinh thái pơ mu, từ ngày có hơn 1.500 cây pơ mu, 235 cây đỗ quyên trên đỉnh Klang, 5 cây đa, 1 cây dổi được công nhận là cây di sản Việt Nam, cũng đã có hàng nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế tìm đến với Tây Giang. Đảng ủy, chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang đã nêu cao khẩu hiệu “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”.
Và, hàng nghìn cây di sản Việt Nam, gần 80% diện tích rừng nguyên sinh còn hiện diện đến hôm nay đã minh chứng, điều đó đã được thực hiện triệt để…
 
Một trong số cây pơ mu cổ thụ to lớn, có trên nghìn năm tuổi. 
Còn nhớ lúc ông Bhriu Liếc giữ nhiệm vụ Chủ tịch huyện Tây Giang, tôi cũng có vài lần theo chân ông leo núi, lội rừng, nhưng có lẽ đáng nhớ và đầy kỷ niệm nhất là chuyến đi tìm ra quần thể cây pơ mu. Gọi là “tìm” thì có lẽ chưa chính xác lắm, bởi vì người Cơ Tu vùng biên giới Việt-Lào này đã biết và hiểu rõ rừng cây từ ngàn đời nay rồi... Đây là cánh “rừng thiêng” theo quan niệm truyền thống của người Cơ Tu nên không có ai dám bén mảng, xâm phạm rừng.
Những chuyến đi của ông Bhriu Liếc cách đây 5 năm đã không uổng, khi xác định, phát hiện cả một quần thể pơ mu rộng lớn tới hơn 5.000ha, đã xác định và đếm được hơn 1.500 cây pơ mu, có đường kính cả chục mét trở lên, cao tới 40-50 mét, có tuổi đời hàng nghìn năm. Ông Liếc khẳng định: “Đây đúng là vương quốc pơ mu có một không hai ở Việt Nam...”.
Ông Bhriu Liếc nói thế cũng chẳng ngoa. Tôi đã từng đến nhiều địa phương miền núi cũng có pơ mu, nhưng có lẽ không nhiều, không rộng như ở Tây Giang, và chứng minh là Bằng công nhận quần thể cây pơ mu là di sản Việt Nam do Hiệp hội bảo vệ thiên nhiên công nhận vào tháng 6-2016. “Đây là di sản văn hóa vô giá không những của đồng bào Cơ Tu, Tây Giang, mà của đất nước và nhân loại, phải làm sao gìn giữ, bảo vệ rừng cây trường tồn mãi mãi...”, ông Bhriu Liếc tâm sự như nhắn gửi.
Bảo vệ an toàn cho rừng pơ mu là vấn đề đặt ra hàng đầu, ý tưởng của các cán bộ chủ chốt Đảng bộ, chính quyền huyện Tây Giang là giao hẳn rừng cây cho chính người dân địa phương quản lý. Và, ý tưởng ấy được đưa vào Nghị quyết của Huyện ủy, của HĐND Tây Giang. Cùng với việc thành lập tổ bảo vệ rừng, mà thành viên là những người dân ở các xã Trhy, A Xan... nơi có rừng pơ mu, các cấp ủy Đảng và chính quyền còn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân góp sức người, sức của xây dựng hẳn một ngôi làng giữa lõi rừng pơ mu được nhân dân đồng tình ủng hộ...
Cuối năm 2016, một con đường vào lõi rừng pơ mu dài hơn 8km đã được khai mở, đồng bào Cơ Tu ở nhiều thôn, bản hồ hởi đóng góp vật liệu vận chuyển vào rừng, lập 10 ngôi nhà mới, có hẳn một nhà Gươl, theo truyền thống Cơ Tu. Bí thư huyện ủy Bhriu Liếc vận động các cán bộ huyện đóng góp xây dựng một ngôi nhà rường 3 gian để làm nơi đón khách. Làng mới giữa “Vương quốc pơ mu” chính thức hình thành, những công dân đầu tiên của làng chính là tổ bảo vệ rừng, gồm 28 thành viên.
Ông Phạm Quốc Hường, Giám đốc Trung tâm Xây dựng đầu tư phát triển du lịch Tây Giang cho biết, không chỉ quản lý, bảo vệ rừng pơ mu, mà định hướng của Tây Giang là phát triển quần thể cây di sản pơ mu thành một điểm du lịch khám phá thiên nhiên hấp dẫn du khách trong ngoài nước. Thế là, từ đầu năm 2017, làng giữa rừng pơ mu chính thức mang tên “Làng du lịch sinh thái pơ mu”.
Già làng Ploong Yim, một cán bộ cách mạng lão thành, một đảng viên kỳ cựu ở thôn A Rằng được đề cử làm Tổ trưởng tổ bảo vệ, đồng thời cũng là Bí thư Chi bộ làng du lịch sinh thái có một không hai này. Chi bộ đảng giữa “Vương quốc pơ mu” đề ra nhiệm vụ, kế hoạch tuần tra quản lý, chăm sóc cây pơ mu đâu vào đấy.
Hôm chúng tôi lên thăm làng, Già làng Ploong Yim hồ hởi khoe rằng, gần 2 năm qua đã có hơn 300 đoàn khách đến thăm làng du lịch và rừng cây di sản pơ mu, ai cũng khen làng rất đẹp, rừng cây thì thật tuyệt vời. Chỉ tiếc con đường lên làng mùa mưa vừa qua sạt lở nhiều quá, nếu không sẽ có nhiều du khách lên với làng nữa... 
Từ thành công của mô hình giữ rừng với “Làng sinh thái pơ mu”, năm 2018, chính quyền huyện Tây Giang tổ chức Lễ hội khai năm tạ ơn rừng lần thứ nhất. Đây là một lễ hội truyền thống của người Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn có từ hàng nghìn năm trước, trong những năm chiến tranh khốc liệt, lễ tạ ơn rừng dần bị mai một, quên lãng... Từ việc nghiên cứu lịch sử, thăm hỏi ý kiến của các già làng, người cao tuổi, Huyện ủy và UBND huyện đã quyết định phục dựng Lẽ hội khai năm tạ ơn rừng, nhằm phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, giữ rừng và bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội...
 
Lễ hội tạ ơn rừng đầu tiên năm 2018, tại làng du lịch sinh thái pơ mu ở Tây Giang.
Ông Bhriu Liếc trao đổi rằng, ở nước ta còn tồn tại duy nhất cánh “rừng thiêng” pơ mu ở Tây Giang. Từ năm 2011, trên diện tích vùng lõi 450 ha, đã có 725 cây pơ mu được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Hàng trăm cây pơ mu cổ thụ đường kính đến hơn chục người ôm, đứng sừng sững, hiên ngang trong bão tố, được người dân bản địa đặt những cái tên như cây Đình Làng, Voi, Gấu, Rồng, cây Ngũ Hổ, Tê Giác, cây Mẹ, cây Trường Sinh...
Nêu lên đặc trưng của những cây cổ thụ đó để thấy rằng, rừng pơ mu Tây Giang xứng đáng với mệnh danh “Vương quốc pơ mu”, là cánh rừng vô giá còn sót lại ở vùng Đông Nam châu Á, cả về diện tích phân bố cây, số lượng cây,  tuổi đời cây... đều vô cùng giá trị về mặt khoa học lâm sinh, môi trường, tự nhiên, xã hội và lịch sử.
Có được cánh rừng vô giá này là công lao to lớn của bao thế hệ đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang, đã nâng niu, giữ gìn bảo vệ từ chính cái tâm “rừng là nhà, cây là con”; góp phần làm đa dạng, phong phú cho hơn 100 nghìn ha rừng tự nhiên còn hiện hữu ở Tây Giang, với nhiều khu rừng quý hiếm, như rừng Lim ở xã Lăng, rừng Dổi ở Xắt, rừng Đỗ Quyên ở Klang... Rừng nguyên sinh được bảo tồn, loài động vật hoang dã, như sao la, gấu, nai, mang Trường Sơn, vượn, voọc..., và nhiều loài chim quý như trĩ, phượng hoàng đất, đại bàng, gà lôi... cũng sinh sôi phát triển.
Và, cả những loài thực vật, những cây thuốc quý cũng được giữ gìn, không bị khai thác, tận diệt. Trong niềm vui phấn khởi của ngày hội Lễ hội tạ ơn rừng, già làng Ploong Yi m hồ hởi tâm sự: “Người Cơ Tu yêu rừng như yêu nhà, thương rừng như thương con, khu rừng này sẽ tồn tại mãi cùng các thế hệ người Cơ Tu trên dải Trường Sơn...”.
Dân Việt/Theo Hồng Thanh (CAND)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.