(GLO)- Trong những tháng đầu năm nay, ngành Ngân hàng đã có nhiều biện pháp tích cực đưa đồng vốn tín dụng dịch chuyển theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Trong 5 lĩnh vực được ưu tiên, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa có bước tăng trưởng mạnh về dư nợ với tỷ lệ cao.
Ảnh: Minh Quang |
Xác định đầu tư tín dụng vẫn là “tam nông” chiếm ưu thế, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã tích cực bơm vốn vào lĩnh vực này. Tính đến nay, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn (NNNT) đã chiếm hơn 45% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và đã đạt con số 21.679 tỷ đồng (tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,6% so với cuối năm 2014) với 231.015 khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng đầu tư cho hộ sản xuất và doanh nghiệp tham gia phát triển NNNT đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Với tiềm năng phát triển nhanh và bền vững các loại cây công nghiệp, đồng thời với các cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế vay vốn đầu tư vào lĩnh vực NNNT, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, trong đó tập trung chủ yếu phát triển cây công nghiệp chủ lực của địa phương như cà phê, cao su, hồ tiêu... Dư nợ những ngành này đã tăng đáng kể, trong đó dư nợ cho vay ngành cà phê đạt 8.611 tỷ đồng (tăng 37,5% so cùng kỳ năm trước), cao su đạt 4.853 tỷ đồng (tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước), hồ tiêu đạt 1.980 tỷ đồng (tăng 27,4% so cùng kỳ năm trước)… Nhờ có vốn, nông dân cũng như doanh nghiệp đã đầu tư phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao. Đầu tư tín dụng NNNT đã phát huy tích cực vai trò tự chủ của kinh tế hộ, đồng thời tạo điều kiện và khuyến khích phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, qua đó góp phần gia tăng sức cạnh tranh phát triển bền vững ngành nông nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế tỉnh nhà.
Trong tất cả các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn có tham gia cho vay NNNT thì Agribank có mức dư nợ lớn nhất. Bà Bùi Thị Năm-Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Gia Lai cho biết: Trong cơ cấu tín dụng của chi nhánh, NNNT chiếm đến 97%, hiện chi nhánh đã đạt mức dư nợ lĩnh vực này hơn 10.000 tỷ đồng với nhiều chương trình cho vay khác nhau. Vì vậy, xác định hướng đi của chi nhánh từ nay đến cuối năm vẫn là đẩy mạnh vốn vào NNNT.
Có thể thấy, NNNT được nhiều ưu tiên về vốn qua những hỗ trợ về lãi suất như: chương trình cho vay tái canh cà phê, cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch, cho vay theo chuỗi liên kết tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm… Hiện nay, giá cao su đã xuống đáy ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập và khả năng trả nợ của hộ nông dân và doanh nghiệp, song ngành Ngân hàng đang có những giải pháp để hỗ trợ ngành này vượt qua khó khăn về vốn.
Lĩnh vực ưu tiên cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực. Báo cáo 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cho thấy dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đạt gần 7.600 tỷ đồng (tăng 12,2% so cùng kỳ và chiếm 15,8% tổng dư nợ) với 1.250 doanh nghiệp còn dư nợ.
Theo bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Gia Lai, các doanh nghiệp hấp thụ vốn vay tốt nhất trong 3 năm trở lại đây. Thông qua chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, các ngân hàng đã chủ động linh hoạt, kịp thời để doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay vực dậy hoạt động sản xuất-kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp mặc dù vẫn còn một số vướng mắc nhất định. Hiện lãi suất vay không còn là vấn đề đáng quan ngại đối với doanh nghiệp nữa, do đó cũng đề nghị được ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh vốn để tạo đà phục hồi và đẩy mạnh phát triển hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đánh giá hiệu quả tín dụng, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh nhận định: Từ khi triển khai thực hiện các chính sách cho vay tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua các đợt tích cực giảm lãi suất đã giúp doanh nghiệp giảm được chi phí vốn vay, ổn định và phát triển sản xuất. Vốn ngân hàng vực dậy doanh nghiệp, thể hiện qua kết quả hoạt động sản xuất-kinh doanh và nhiều đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở các ngành.
Ông Cư cho biết, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp được ưu tiên cho vay với lãi suất từ 9% trở xuống chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số doanh nghiệp đang có quan hệ vay vốn với ngân hàng. Để hiệu quả đồng vốn được đảm bảo, các ngân hàng thương mại đã tiến hành tổng hợp, phân tích, xếp loại tài chính các doanh nghiệp có quan hệ vay vốn. Qua đó, những doanh nghiệp có điều kiện vực dậy, có khả năng phát triển tốt, ngân hàng sẽ đẩy mạnh đầu tư vốn.
Thảo Nguyên