Truyền thông Hồng Kông (Trung Quốc) loan tin tàu nghiên cứu "Đại học Tôn Trung Sơn" sẽ được đưa tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để "thăm dò các vùng biển giàu tài nguyên".
Chiều 8-7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao được tổ chức trực tuyến, phóng viên nêu câu hỏi ngày 7-7, truyền thông Hồng Kông (Trung Quốc) loan tin tàu nghiên cứu "Đại học Tôn Trung Sơn" sẽ được đưa tới Biển Đông, cụ thể là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong tháng 10-2021 nhằm "thúc đẩy thăm dò các vùng biển giàu tài nguyên", đề nghị Người phát ngôn nêu quan điểm của Việt Nam về vấn đề này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, là bất hợp pháp và vô giá trị.
Tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn lớn nhất Trung Quốc hiện nay - Ảnh: Xinhua |
Trước đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin, tàu nghiên cứu lớn nhất và mới nhất của Trung Quốc dự kiến sẽ có chuyến đi đầu tiên tới Biển Đông trong tháng 10, nhằm thực hiện tham vọng khám phá vùng biển giàu tài nguyên này.
Tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn được coi là "phòng thí nghiệm di động cỡ lớn trên biển", với chiều dài 113 m, rộng 19,4 m và lượng giãn nước 6.880 tấn.
Trên boong tàu, 760 m2 mặt sàn được dành cho các phòng thí nghiệm cố định và hơn 610 m2 dành cho 10 phòng thí nghiệm di động kiểu công-ten-nơ, cho phép các nhà nghiên cứu thu thập mẫu trên biển và phân tích chúng ngay trên tàu trước khi chuyển dữ liệu về đất liền.
Tàu có một sàn đáp trực thăng để vận chuyển người và thiết bị cũng như cho phép các máy bay không người lái (UAV) cất cánh để mở rộng phạm vi quan sát khoa học trên không, trên mặt biển và dưới đáy biển...
Nữ cảnh sát biển Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đề cập đến vai trò của nữ giới trong lực lượng Cảnh sát biển, bà Hằng cho biết Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong các hoạt động vũ trang. Những nỗ lực trong việc thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đảm nhiệm nhiều vị trí và cương vị công tác khác nhau, thời gian qua, lực lượng nữ Cảnh sát biển Việt Nam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần hiện thực hóa các cam kết chính trị của Đảng, và Nhà nước, với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, vì hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. |
Theo D.Ngọc (NLĐO)